Môi trường nông nghiệp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng tình trạng ô nhiễm trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, làng nghề vẫn diễn ra nghiêm trọng.



Đất nông nghiệp bị cằn hóa. Ảnh: TTXVN

Trong nông nghiệp, việc lạm dụng phân vô cơ đã dẫn đến đất đai bị chai cứng, giảm năng suất cây trồng. Bình quân, mỗi năm có khoảng 2,4 triệu tấn phân vô cơ được sử dụng, đồng nghĩa thải ra môi trường hơn 200 tấn vỏ bao bì các loại.

Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thành phẩm hóa chất bảo vệ thực vật, số lượng vỏ thuốc cũng lên tới hàng chục nghìn tấn mỗi năm.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi cũng gây ô nhiễm nặng nề từ chất thải rắn và hoạt động giết mổ. Mỗi năm có hơn 82 triệu tấn chất thải rắn trong chăn nuôi thải ra môi trường. Các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp cũng gây ô nhiễm do thiếu quy hoạch, thiếu công nghệ xử lý hiện đại và tình trạng đốt phá rừng bừa bãi.

Theo ông Cao Đức Phát, vấn đề bảo vệ môi trường tiếp tục được Bộ coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong thời gian tới, toàn ngành nông nghiệp phải nỗ lực thực hiện để mọi người từ nông dân cũng như các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về yêu cầu bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phát biểu trên được đưa ra Tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011 – 2015, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/10 ở Hà Nội,

Trong trồng lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh khuyến cáo, nông dân áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Hướng sử dụng đúng về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước để tăng năng suất nhưng không ảnh hưởng đến môi trường.

Kinh nghiệm từ một số địa phương cho thấy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất mà còn bảo vệ tốt nhất cho môi trường nông nghiệp nông thôn./.

Bích Hồng