Chính sách quản lý môi trường nông thôn: Còn nhiều khoảng trống

TN&MT) - Mặc dù, các nội dung về quản lý môi trường nông thôn được xây dựng và điều chỉnh trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại nhiều địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Thiếu đơn vị đầu mối

Mặc dù theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung nhưng ngay trong quy định về chức năng nhiệm vụ cũng chưa nêu rõ trách nhiệm về quản lý. Bộ NN&PTNT và một số Bộ, ngành khác chỉ được phân công trách nhiệm quản lý môi trường theo ngành, lĩnh vực của mình. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn rơi vào cảnh thiếu đồng nhất, nhiều chính sách không được phát huy hết hiệu quả. Không những thế, trong từng lĩnh vực của Bộ, ngành chức năng nhiệm vụ còn có sự đan xen, chồng chéo nhiệm vụ, chức năng quản lý. Chẳng hạn đối với công tác quản lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước nhưng hiện chỉ tập trung vào công tác quản lý chất thải rắn khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư. Tại nông thôn, công tác này lại được giao cho Bộ NN&PTNT, chất thải nguy hại (chất thải từ hoạt động nông nghiệp, làng nghề) thì Bộ TN&MT lại là đơn vị được giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, chất thải sinh hoạt nông thôn lại đang bị bỏ ngỏ, hầu như chưa có bộ nào quản lý. Chính vì vậy, đã tồn tại một nghịch lý là vùng nông thôn, rác thải sinh hoạt mới là lượng rác thải phát sinh lớn nhất nhưng chưa được quan tâm xử lý đúng mức gây ra nhiều bức xúc cho nhân dân.


Chất thải rắn tại KCN Tiền Hải chưa có đơn vị chịu trách nhiệm chính thu gom

Bên cạnh đó, đối với công tác quản lý chất thải, thuốc bảo vệ thực vật, việc sử dụng, thu gom, lưu giữ thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Nhưng hiện việc xử lý, tiêu hủy bao bì, xử lý các kho hóa chất, thực vật tồn lưu lại thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Tại các địa phương, các Sở NN&PTNT cũng được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện công tác BVMT nông thôn cấp tỉnh, cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, ở hầu hết các địa phương, Sở NN&PTNT chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên đơn vị này chỉ tham gia phối hợp với Sở TN&MT trong các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường nông thôn. Đây cũng được cho là vấn đề bất cập khi không có những quy định thống nhất về hệ thống tổ chức quản lý môi trường nông thôn.

Quy định chưa đầy đủ    và thiếu tính khả thi

Hiện, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để BVMT nông nghiệp, nông thôn được quy định khá đầy đủ thông qua việc thể hiện dưới Luật BVMT, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006 – 2010; 2010 – 2020; Chương trình Mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015. Bên cạnh đó, các văn bản, chính sách về môi trường trong các văn bản chính sách, văn bản chương trình quy định về phát triển ngành nghề nông thôn như: Luật Thủy sản 2003, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013... cũng đều có các nội dung quy định BVMT.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hiện vẫn chưa có một văn bản chuyên biệt quy định một cách hệ thống vấn đề quản lý và BVMT nông thôn, các quy định còn nằm phân tán ở nhiều lĩnh vực, thiếu tính gắn kết chính vì vậy nhiều nội dung còn bị bỏ ngỏ. Trong các văn bản dưới luật, vẫn còn thiếu nhiều nội dung hướng dẫn thi hành đối với BVMT nông thôn. Cho tới nay, còn thiếu các quy định về quản lý, xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn...), thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường áp dụng cho khu vực nông thôn.

Đồng thời, hiện vẫn còn nhiều quy định pháp luật có liên quan đến BVMT khu vực nông thôn không thể áp dụng được trong thực tế hoặc áp dụng không hiệu quả. Điển hình như nội dung về quản lý chất thải rắn, Nghị định số 59/2007/NĐ – CP về quản lý chất thải rắn áp dụng cho cả đô thị và nông thôn với mục tiêu phân loại chất thải rắn tại nguồn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phân loại mới chỉ được thực hiện thí điểm tại một số đô thị lớn còn tại các vùng nông thôn việc này hầu như bị bỏ ngỏ...

Ngoài ra một số tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng nhưng chưa xem xét đầy đủ tình hình thực tế, dẫn đến khi ban hành, tính khả thi không cao, gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Một minh chứng đó là việc chọn bãi chôn lấp xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14: 2009/ BXD về quy hoạch xây dựng nông thôn. Đây là một quy chuẩn hướng dẫn khá chi tiết, tuy nhiên, một số chỉ tiêu về bãi rác, nước thải sinh hoạt  là chưa thể áp dụng thực hiện trong điều kiện hạ tầng nông thôn hiện nay...

BVMT nông thôn được xem là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, chính những hạn chế trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã khiến công tác triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn và cần sớm hoàn hiện những “lỗ hổng” để quản lý môi trường nông thôn hiệu quả hơn.

Thái Bình