Kinh doanh chất Salbutamol độc hại: Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêmLÝ NGHIÊM ĐỂ RĂN ĐE Theo Công an tỉnh Đồng Nai, ngày 18/12/2011, Công an huyện Thống Nhất (Đồng Nai) bắt quả tang đối tượng Phạm Minh Phú (34 tuổi, ngụ ấp Gia Yên, xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) đang mang trong người 5kg Salbutamol - một loại chất tăng trưởng bị cấm dùng làm thức ăn cho heo. Tại cơ quan công an, Phú khai mua chất Salbutamol từ một người phụ nữ tên Dung tại quán cà phê Vi Thảo thuộc ấp Nam Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. Ngay sau đó, đối tượng Nguyễn Thị Thùy Dung (28 tuổi, ngụ ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi mua bán trái phép thuốc thú y bị cấm lưu hành. Hiện trên thị trường “chợ đen”, mỗi ký Salbutamol có giá từ 15 – 20 triệu đồng, sau đó được người nuôi heo pha trộn với 100 tấn cám để giúp heo nhanh lớn và siêu nạc. Cơ quan công an cho hay, Salbutamol là một trong những chất được Bộ NN-PTNT cấm sản xuất, nhập khẩu và lưu thông nhưng hiện vẫn được người chăn nuôi heo lén lút sử dụng. Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát rất quan tâm đến việc kiểm tra, xử lý các đối tượng kinh doanh, vận chuyển, sử dụng trái phép chất Salbutamol. Bộ NN-PTNT hoan nghênh vụ điều tra, bắt giữ 2 đối tượng kinh doanh trái phép chất cấm này và yêu cầu xử lý nghiêm để răn đe. Ông Dương cũng khẳng định sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ có hẳn một Chương trình phối hợp về quản lý chất cấm Salbutamol, đặc biệt là phối hợp với lực lượng công an các tỉnh thành trên cả nước. Đại diện Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định sẽ điều tra xử lý nghiêm vụ vận chuyển 5 kg chất cấm trên, đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT và các lực lượng chức năng khác để ngăn chặn hiệu quả chất độc hại Salbutamol sử dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. HỢP TÁC ĐẨY LÙI THỊT “BẨN” Cũng vào cuối tuần qua, tại TPHCM đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật bảo đảm ATVSTP, giữa 6 tỉnh: TPHCM, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo bà Trương Thị Kim Châu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, hiện lượng tiêu thụ sản phẩm động vật trên địa bàn TPHCM khoảng 1.000 – 1.100 tấn/ngày và khoảng 3 – 3,5 triệu quả trứng gia cầm, trong đó khoảng 75 - 85% lượng sản phẩm động vật nhập từ các tỉnh: Đồng Nai (32,4%), Long An (26,59%), Bình Dương (13,28%), Tiền Giang (7,85%), Bà Rịa – Vũng Tàu (3,07%)… Riêng trứng gia cầm, TPHCM nhập 100% từ các tỉnh về tiêu thụ. Bà Châu khẳng định, để đảm bảo sản phẩm động vật tiêu dùng đạt chất lượng ATVSTP thì việc kiểm tra, kiểm soát từ gốc là cần thiết; đồng thời quá trình thực hiện các khâu từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, bày bán và chế biến là một chuỗi sản xuất vô cùng quan trọng để có được sản phẩm đạt chất lượng. Chính vì thế, TPHCM và 5 tỉnh thành cung ứng sản phẩm động vật lớn nhất đã tiến hành ký kết hợp tác tẩy chay thịt “bẩn”, đảm bảo cung ứng sản phẩm sạch ATVSTP. Theo thỏa thuận, các tỉnh sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích người chăn nuôi xây dựng đạt chuẩn VietGAHP, tham gia chuỗi thực phẩm an toàn. Tổ chức tập huấn cho công nhân, người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh tham gia mô hình chuỗi. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ, đảm bảo nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng và được vận chuyển bởi phương tiện chuyên dùng, được niêm phong trong quá trình vận chuyển. Giới thiệu và tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi, trang trại và doanh nghiệp tham gia chương trình gắn kết thu mua sản phẩm sạch. Cũng nhân dịp này, hệ thống siêu thị Saigon Coop Mart đã ký kết hợp tác về cung ứng sản phẩm động vật với các công ty Vissan, Sagrifood, Bình Minh, Vĩnh Thành Đạt... để đảm bảo nguồn cung thịt và trứng sạch cho người tiêu dùng TPHCM. |