Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài 1: Ký ức một dòng kênhNhững ngày này, khi đi dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với hàng cây xanh cùng dãy bờ kè bê tông thẳng tắp, nhiều người bắt đầu mường tượng rõ hơn về một dòng kênh xanh trong tương lai. Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài cuối: Bảo tàng biển đảo ven kênh? Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài 2: Tháng 4 này nước sẽ xanh trong…
LTS: Con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ những năm 70 của thế kỷ trước đã biến thành dòng kênh chết, đen ngòm, hôi hám. Những năm cuối thế kỷ 20, chính quyền TP.HCM đã quyết tâm cải tạo con kênh để dòng nước xanh trong trở lại. Giờ đây, viễn cảnh chèo thuyền du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã không còn là chuyện xa vời. TP.HCM đang chuẩn bị khánh thành một đoạn đường Hoàng Sa, Trường Sa ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đoạn còn lại đang tiếp tục chỉnh trang mở rộng, trồng cây xanh. Song song đó, dự án nạo vét, chỉnh trang tuyến kênh đang vào giai đoạn nước rút để không lâu nữa sẽ đổi màu nước cho dòng kênh đen. Thành quả này bắt nguồn từ những quyết định hơn 25 năm trước của lãnh đạo TP nhằm tìm lại vẻ đẹp và sự trong xanh của tuyến kênh gắn liền với lịch sử phát triển của Sài Gòn xưa và TP.HCM ngày nay. Dòng kênh mang hai tên Cùng với sông Sài Gòn và Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được coi là tuyến sông tự nhiên cổ nhất Sài Gòn. Kênh bắt đầu từ quận Bình Thạnh ở đoạn giao với sông Sài Gòn (tại Nhà máy đóng tàu Ba Son) đi qua các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình và đến tận Gò Vấp. Toàn tuyến kênh chính có chiều dài 9.470 m. Nhưng qua thời gian, kênh bị bồi lấp, phần thượng lưu bị cắt cụt tại đường Lê Bình (quận Tân Bình) như hiện nay. Ông Nguyễn Minh Dũng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, kể trước đây khi giao thông đường bộ chưa phát triển thì đây là tuyến giao thông chính, chở hàng hóa giao thương giữa các chợ Thị Nghè, Ông Tạ, Hòa Hưng. Nhưng qua thời gian, do quá trình di dân, người dân lấn chiếm, xây dựng nhà đặc nghẹt. Ngay cả tên của con kênh cũng khá đặc biệt và gắn với từng câu chuyện cụ thể. Thị Nghè để chỉ đoạn kênh từ cầu Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn, đoạn còn lại từ cầu Thị Nghè trở lên “đầu nguồn” gọi là Nhiêu Lộc. “Thời Nguyễn có một ông quan tên Đặng Lộc với chức quan Nhiêu học hay được gọi tắt là Nhiêu. Theo truyền miệng từ gia đình, ông quan ấy là ông tổ của tôi. Ông ấy đã có công trong việc sửa sang kênh để phục vụ giao thông thủy nên người dân đặt tên cho kênh tên là Nhiêu Lộc. Cũng giống như việc đặt tên đường bây giờ, thời ấy người ta đã lấy tên của người có công đặt tên cho sông, kênh” - ông Nguyễn Minh Dũng kể. Kênh Nhiêu Lộc đoạn đầu nguồn từ cây cầu số 1 ở quận Tân Bình. Ảnh: MINH PHONG Còn tên Thị Nghè được dùng để gọi đoạn hạ lưu của tuyến kênh. Tương truyền, bà Nguyễn Thị Khánh là con của quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân, được người xưa tôn xưng là bà Nghè, theo chức tước của chồng (nhưng theo Từ điển địa danh Sài Gòn - TP.HCM do Lê Trung Hoa làm chủ biên thì nghè là từ dân gian để gọi tiến sĩ thời phong kiến. Ở đây, có sự hiểu lầm của người bình dân địa phương bởi chồng bà Nguyễn Thị Khánh không đậu tiến sĩ). Bà khai hoang đất ở, làm ruộng và trồng trọt, chăn nuôi ở bên kia bờ kênh. Để thuận tiện cho công việc thư lại của chồng bên Sài Gòn và cho những người dân khác qua lại kênh mà không phải đi đò, bà cho xây một cây cầu bắc qua kênh. Thế là cây cầu được đặt tên Bà Nghè để nhớ công ơn của bà ấy. Từ đó đoạn kênh này cũng được gọi theo, là kênh Bà Nghè. Nhưng đến thời Pháp, cây cầu và con kênh này được đổi tên thành Thị Nghè, trong đó chữ Thị nhằm chỉ hoạt động buôn bán ở chợ (cũng là chợ Thị Nghè) có quy mô khá lớn ở đây. Một thời kênh đẹp bậc nhất Sài Gòn Trong lịch sử chống Pháp, kênh đã chứng kiến những trận đánh lịch sử của vùng đất phương Nam. Trước ngày mở màn trận đánh thành Gia Định năm 1859, Pháp cho pháo hạm Avalanche vào kênh để thám thính. Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, Sài Gòn có địa thế hiểm trở, trong đó có sẵn hai hào thiên nhiên che chở là sông Thị Nghè và sông Bến Nghé. Trong cuộc chiến chống Pháp rồi đến Mỹ, kênh đã chứng kiến nhiều trận đánh, trong đó những trận đánh tại cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Công Lý… đã đi vào lịch sử. Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng từng là kênh đẹp bậc nhất của Sài Gòn xưa: “… Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải/ Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai…”. Bài Phú cổ Gia Định (do Vương Hồng Sển sưu tầm) đã miêu tả vẻ đẹp thoáng đãng, trong xanh của con kênh này như thế, bên cạnh các địa cảnh đất Sài Gòn thuở xưa với Bến Thành, Chợ Lớn, Chợ Gạo, Lò Gốm, Cây Gõ, Phú Lâm, Cầu Bông, Thị Nghè, Gò Vấp… với đường sá, xóm làng, nhà cửa, phố phường, chùa miếu... Cũng chính vẻ nên thơ, trong lành của dòng kênh mà người Pháp đặt tên là “Arroyo de l’Avalanche - kênh Tuyết đổ” - lấy tên con tàu đầu tiên vào kênh. Cụ Nguyễn Thanh Hiền, 82 tuổi, nhà ở phường 4, quận Tân Bình, kể: “Ngày xưa, dòng kênh thoáng đãng, trong xanh, bọn chúng tôi thường hay bơi lội, câu cá, bắt cua, bắt ốc ở đây. Ngoài tắm giặt, nhiều hộ còn dùng nước kênh để nấu ăn do thiếu nước. Khoảng những năm 1950, khi tôi có mặt ở đây, tuyến kênh rộng thênh, ghe tàu chở hàng hóa, cây trái nườm nượp qua lại”. Không có mặt từ thời “sơ khai” như cụ Hiền nhưng ông Nguyễn Văn Quang (phường 5, quận Tân Bình) vẫn nhớ như in hình ảnh từ hơn 50 năm trước. Khi ấy ông cùng bạn bè trong xóm hằng ngày vui đùa, câu cá trên kênh. Trong ký ức của ông Quang vẫn còn nguyên vẹn kỷ niệm một thời tinh nghịch cùng đám bạn rút trộm các thanh tre của nhà cửa dọc kênh rồi mua cước, lưỡi câu, móc mồi câu cá. “Cứ thả xuống, mồi vừa chạm nước là cá đã đớp liền. Hồi ấy cá ở dưới kênh nhiều vô kể, nhất là cá rô bí. Còn ở cầu Ông Tạ nối hai bờ kênh theo đường Thoại Ngọc Hầu (nay được đổi thành đường Phạm Văn Hai), tàu thuyền tấp nập và củi chất thành đống ở cầu” - ông Quang kể bằng giọng bồi hồi. Rồi trở thành “con kênh đen đen…” Theo lời ông Nguyễn Văn Quang, ngày xưa, phần đầu kênh không phải cụt tại đường Lê Bình như bây giờ mà thông đến khu khách sạn Đệ Nhất hiện hữu rồi kéo dài đến tận sân bay Tân Sơn Nhất. Không nhớ nhà ven kênh hình thành từ lúc nào nhưng trong ký ức ông Quang, thời ấy “từ chợ Ông Tạ trở lên như vùng nhà quê vậy. Ở khu chợ Tân Bình, đường Lý Thường Kiệt toàn là rừng cao su thôi. Đất đai mênh mông nên không ai nghĩ đến việc chiếm đất nhưng đời sống khi đó gần gũi và phụ thuộc vào kênh rất nhiều nên người ta mới xây cất nhà cửa dọc theo bờ kênh để tiện mưu sinh”. Về sau, do chiến tranh ác liệt, người dân các tỉnh kéo về dựng nhà dọc hai bên bờ kênh. Lúc đầu nhà chỉ sát mé kênh nhưng dần dà người dân bắt đầu cơi nới, lấn ra tận lòng kênh. “Vài cọc cắm xuống kênh là thành một căn nhà tạm, to có, nhỏ có, cứ thế nhà nhà mọc lên khiến con kênh rộng hàng chục mét thành những đoạn rạch cụt. Có nơi nhà mọc san sát, vào mùa khô chỉ cần vài bước đi bộ là có thể nhảy từ bờ này sang bờ bên kia” - cụ Nguyễn Thanh Hiền nhớ lại. Không chỉ vậy, nhiều nhà còn làm chuồng nuôi heo, nuôi gà vịt trên kênh. Dòng kênh lúc này trở thành nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, ngày càng bị bồi lắng, đen ngòm và hôi thối. Thời ấy, ông Quang kể trên tuyến kênh này còn có cả dãy “cầu cá” nữa. “Đó là cầu tiêu công cộng, người dân cứ thế vô tư xả trực tiếp xuống kênh. Không ô nhiễm mới là lạ” - ông Quang cảm thán. Ngày qua ngày, con kênh “dòng trắng hây hây” nên thơ một thời như bài Phú cổ Gia Định miêu tả đã không còn nữa. Thay vào đó, nước kênh đen sì, rác nổi lềnh bềnh, hôi hám không thể tả. Dòng kênh thông thoáng ngày nào giờ đã bị lấn chiếm, bồi lấp. Từ những năm 1970, người dân dọc kênh bắt đầu hứng chịu những trận ngập đầu tiên sau mỗi trận mưa. Cho đến bây giờ, mỗi khi nước triều xuống thấp, người dân đôi bờ kênh và người đi đường phải bịt mũi nhưng vẫn không thể tránh được mùi hôi hám từ nước kênh đen xộc lên. “Con kênh đen đen/ Những chiều hôi hám nước trôi…” - nhiều người đã nhại bài hát “Con kênh xanh xanh” của tác giả Ngô Huỳnh như thế để nói về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. MINH PHONG - phapluattp.vn |