Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài 2: Tháng 4 này nước sẽ xanh trong…

Người dân TP.HCM, nhất là những cụ cao niên từng chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, mong đến cuối tháng 4 này sẽ được chứng kiến dòng nước xanh trong trở lại…

Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài cuối: Bảo tàng biển đảo ven kênh?

Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài 1: Ký ức một dòng kênh

Tại căn nhà số 07 Trường Sa (quận Tân Bình, TP.HCM) có một quán cà phê mang tên khá đặc biệt: Cà phê 007. Khách ruột của quán này cũng đặc biệt: những người bạn già của chủ quán từng nhiều năm chứng kiến sự thăng trầm của con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Thay áo cho kênh

Trong câu chuyện vào một buổi sáng đầu năm, tôi được nghe các cụ cao niên trong quán cà phê 007 bàn tán rôm rả về thời khắc dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hồi sinh. “Trong tương lai, dầu mỡ, nước thải sinh hoạt, sản xuất sẽ không còn xả xuống kênh nữa mà thông qua hệ thống cống thu gom để dẫn về tận sông Sài Gòn để xử lý. Nước của tuyến kênh sẽ trong xanh trở lại” - ông Nguyễn Văn Quang (phường 5, quận Tân Bình) nói vanh vách về “dự án thế kỷ” này.

Tình trạng ô nhiễm, ngập úng triền miên ở dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè nhiều năm qua không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của khoảng 1,5 triệu người sống trong lưu vực kênh này. Bà Nguyễn Thị Hoàng ở quận Phú Nhuận cho hay: “Chúng tôi sống ở đây lâu rồi nên quen với mùi hôi thối này chứ những người mới đến hoặc đi qua thì thường nín thở mà đi. Rác thải ngập ngụa dòng kênh khiến nước kênh đặc sệt làm muỗi sinh sôi nảy nở”.

Nhưng những gì bà Hoàng miêu tả đã dần lùi xa. Chứng kiến những thay đổi đến kinh ngạc ở đây, bà Hoàng và người dân TP.HCM có cơ sở tin rằng sự trong xanh của tuyến kênh dần dần được phục hồi.

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè như dải lụa đào uốn lượn qua TP. Ảnh: MP

Bắt đầu từ tháng 9-2010, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) bắt đầu cải tạo mặt đường hai bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đoạn từ cuối đường Út Tịch (quận Tân Bình) đến cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) với chiều dài khoảng 5,6 km. Ngoài việc mở rộng mặt đường, lát lại vỉa hè, lắp đặt hàng rào chắn bằng sắt để giữ an toàn, bên trong có đường đi bộ để người dân có thể tập thể dục, người ta còn trồng cây xanh, làm tiểu cảnh dọc hai bờ kênh.

Cũng từ thời điểm này, hình ảnh nhếch nhác với rác thải, xà bần của gần một nữa chiều dài tuyến kênh đã thay đổi khác hẳn và bộ mặt con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã bắt đầu tươi tắn hẳn lên. Theo kế hoạch ở đoạn còn lại từ cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được hoàn thành trước ngày 2-9 năm nay.

Xin đừng vứt rác xuống kênh!

Tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hiện đang là “hồ chứa” cho lưu vực rộng khoảng 3.320 ha với khoảng 1,5 triệu dân. Trước giờ, mỗi ngày tuyến kênh hứng hàng ngàn mét khối nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp trong lưu vực. Nhưng “không lâu nữa, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sẽ là dòng kênh xanh. Không những xanh bởi những hàng cây dọc kênh mà dòng nước ở con kênh này sẽ xanh hơn do nước thải trên lưu vực này sẽ không đổ dồn vào kênh nữa” - ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, khẳng định.

Năm 2000, “Chương trình Nhiêu Lộc-Thị Nghè” (được khởi động từ năm 1985, xin xem ô phía trên) đã hoàn tất việc giải tỏa, di dời các hộ dân trên và ven kênh. Cũng năm này, Việt Nam bắt đầu đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) để tìm kiếm nguồn vốn 166 triệu USD không tính lãi trong 40 năm để làm xanh dòng kênh. Năm 2002, TP.HCM chính thức khởi động, thực hiện dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, cải thiện môi trường con kênh, ra hạn đến năm 2007 phải hoàn thành. Nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc nhà thầu Trung Quốc thi công ì ạch khiến tiến độ dự án bị chậm.

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè khi chưa chỉnh trang. (Ảnh tư liệu)

Đến nay dự án đã hoàn thành hơn 99% và dự kiến đến tháng 4-2012 sẽ chính thức hoàn thành. Khi đó toàn bộ nước thải và một phần nước mưa trong lưu vực sẽ theo tuyến cống bao dẫn về trạm bơm. Từ đây nước thải sẽ được bơm ra sông Sài Gòn bằng 12 máy bơm với công suất 64.000 m3/giờ qua miệng xả ngầm (giai đoạn 2 nước thải sẽ được xử lý làm sạch trước khi thải ra sông). “Hiện tuyến cống bao, nhà trạm bơm đã xong nhưng còn một số hạng mục của dự án chưa hoàn thành. Đến tháng 4 năm nay, khi dự án hoàn thành thì dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sẽ không còn ô nhiễm nữa do không tiếp nhận nước thải nữa” - ông Thuận khẳng định.

Tuy nhiên, môi trường sẽ không thể thay đổi hoàn toàn nếu hằng ngày ở đâu đó vẫn có những bịch rác được vô tư ném xuống lòng kênh hoặc đổ bừa trên luống cỏ mới trồng, ở vỉa hè mới lát. Đó là chưa kể còn nhiều người vô tư dừng xe tiểu tiện ở những bụi cỏ ven kênh, làm mất đi hình ảnh tươi tắn, xinh đẹp mà TP đang cố gắng vươn tới.

“Hằng ngày tôi thường đi trên con đường ven kênh và cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. Quả thật đây là niềm vui cho người dân TP. Tôi mong người dân và hàng quán dọc hai bờ kênh đừng vứt rác thải xuống dòng kênh mà chúng ta đã tiêu tốn biết bao nhiêu tiền bạc để cải tạo nó. Chúng ta cần có một ý thức chung, một sự thay đổi lối sinh hoạt để giữ được tuyến kênh luôn trong xanh, sạch đẹp. Đó mới là niềm vui trọn vẹn” - bà Huỳnh Thị Hoa, người dân ở quận Tân Bình, chia sẻ.

Chặng đường đầu đầy gian nan

Từ năm 1985, lãnh đạo TP.HCM đã lên chương trình khơi thông tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Đến năm 1988, Thành ủy ban hành Nghị quyết về chương trình cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Nhưng do thiếu kinh phí nên TP chỉ làm thí điểm một đoạn chừng 50 m ở cầu Nguyễn Văn Trỗi rồi… dừng.

Đến thời ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước hiện nay, làm Chủ tịch UBND TP, chương trình tái khởi động trở lại với quyết tâm cao độ. Nhưng rồi chương trình cũng phải tạm ngưng do không tìm ra nguồn kinh phí.

Bấy giờ, TP.HCM lên phương án cho thuê nhà, bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước nhưng tình hình cũng không mấy khả quan vì thời điểm đó tiền cho thuê, bán nhà không được bao nhiêu. Đã vậy, do thiếu chặt chẽ về thủ tục “xin phép trung ương” nên khi triển khai (việc bán nhà), nhiều cán bộ, lãnh đạo TP.HCM đã bị kỷ luật. Thậm chí lúc đó có người còn cho rằng TP.HCM tham nhũng tập thể. Ban giám đốc Sở Nhà đất cùng dàn cán bộ chủ chốt gần 50 người của Sở bị thanh tra, điều tra và cho thôi việc. Nhiều lãnh đạo của TP.HCM cũng bị kỷ luật.

Tình hình này đã làm nhiều cán bộ chùn tay, tiến độ thực hiện chương trình bị ách một thời gian.

Rồi Nghị định 61 về bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước ra đời. Giải pháp tài chính được tháo gỡ. TP xây dựng kế hoạch bán nhà để lấy tiền xây nhà tái định cư cho người dân ven và trên kênh bị giải tỏa. “Thời đó người dân bị giải tỏa được quyền lựa chọn một trong số sáu, bảy địa điểm tái định cư như khu tái định cư Bàu Cát (Tân Bình), khu ao rau muống (quận 3), ở Phú Nhuận hoặc ở Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức)… Vì thế, khi TP vận động, bà con ủng hộ cái rầm, việc giải tỏa được thực hiện nhanh chóng” - ông Nguyễn Minh Dũng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP, nguyên Phó ban Thường trực điều hành “Chương trình Nhiêu Lộc-Thị Nghè”, kể.

MINH PHONG