Giám sát ô nhiễm sinh học và hóa chất tồn dư trong nông-lâm-thủy sản: Còn đó những nỗi lo

(GLO)- Quản lý các cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm và vùng chuyên trồng rau xanh cung cấp cho thị trường là việc rất cần thiết. Đặc biệt, việc lấy các mẫu thịt, rau xanh; đất; nước để phân tích hàm lượng các loại hóa chất tồn dư và các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ. Kết quả phân tích dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những tồn đọng cần khắc phục.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm-thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai), Chi cục đã tổ chức lấy 19 mẫu thịt gia súc, gia cầm để phân tích và 22 cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh các loại rau xanh tại TP. Pleiku, thị xã An Khê và các huyện Chư Sê, Krông Pa.

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Qua kiểm tra phân tích thực tế tại Trung tâm Chất lượng Nông-lâm-thủy sản vùng 2 tại Đà Nẵng cho thấy trong 19 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì các cơ sở chỉ đạt từ 10 đến 15 tiêu chí trong khi quy định chuẩn phải đạt 47 tiêu chí. Tổng số 51 mẫu thịt được lấy mẫu (36 mẫu thịt heo, 15 mẫu thịt gà) thì có đến 47,7% mẫu thịt có số lượng E.coli dưới ngưỡng cho phép; 56 mẫu không phát hiện vi sinh vật Salmonella, 100% mẫu không có chất tăng trọng. Đối với 29 mẫu rau tại 22 cơ sở sản xuất kinh doanh, 15/15 mẫu thử đều đạt chỉ tiêu Asen theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, dưới ngưỡng cho phép về chỉ tiêu Nitrat và đặc biệt tất cả các mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều nằm trong giới hạn cho phép. Các mẫu đất, nước đều đáp ứng yêu cầu và quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm-thủy sản tỉnh, nguyên nhân các tiêu chí trong các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đạt là do: Người lao động chưa được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, không có phương tiện khử trùng cổng ra vào, nước thải trước khi thải ra môi trường không được xử lý; khu giết mổ không có nơi riêng biệt… Đặc biệt, không thực hiện việc lấy mẫu thành phẩm định kỳ để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, có đến 58,3% số mẫu được kiểm tra có số lượng E.coli vượt giới hạn cho phép, đặc biệt 43,13% số mẫu kiểm tra đều phát hiện vi sinh vật Salmonella là loại vi sinh vật không cho phép có trong thịt theo quy định của Bộ Y tế.

Trên cây rau kết quả khả quan hơn khi các cơ sở đạt 10-16 tiêu chí trên tổng số 21 tiêu chí kiểm tra đánh giá. Các lỗi thường gặp tại các cơ sở là chưa có sổ ghi chép và lưu trữ hồ sơ mua bán sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại chất phụ gia; chưa có cán bộ kỹ thuật giám sát hướng dẫn; người lao động ít được tập huấn đào tạo…

Ông Lê Huy Toàn- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm-thủy sản tỉnh cho biết: Việc lấy các mẫu thịt gia súc, gia cầm và các mẫu rau phân tích các loại hóa chất tồn dư trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản rất cần thiết và hữu ích nhằm bảo vệ người tiêu dùng một cách tốt nhất. Tại các vùng trọng điểm, bước đầu cho những kết quả rất khả quan khi các loại hóa chất dần được kiểm soát và không còn tồn dư nhiều như những năm trước đây.

Thời gian tới, Chi cục đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… Phối hợp với Ban Quản lý Trung tâm Thương mại và các chợ đôn đốc tuyên truyền các hộ kinh doanh, tiểu thương thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sự lây nhiễm các vi sinh vật và lấy mẫu phân tích… để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn.

Nguyễn Diệp - baogialai.vn