Nỗ lực cho rau muống an toànNgười dân TP HCM có nhu cầu lớn về rau muống nước, nhưng lại lo ngại nhất về độ an toàn. Một DN đang tích cực nỗ lực hướng dẫn nông dân SX rau muống an toàn để người tiêu dùng yên tâm sử dụng, đó là Cty CP Nông nghiệp GAP.
Vào ngày 23/12/2011, Cty GAP đã phối hợp với anh Hoàng Minh Đạt, một hộ trồng rau muống nước ở phường Thạnh Xuân (Q12, TP HCM), trồng thử nghiệm 1.000 m2 rau muống theo quy trình sử dụng phân bón hữu cơ do Cty GAP cung cấp, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và hạn chế tối đa thuốc BVTV. Tới ngày 11/1/2012, Cty GAP đã lấy mẫu rau muống của anh Đạt, đồng thời lấy một mẫu rau muống khác cũng ở phường Thạnh Xuân, nhưng SX theo phương pháp thông thường, mang đi kiểm nghiệm ở Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP HCM. Kết quả cho thấy mẫu rau của anh Đạt có lượng Nitrat thấp hơn nhiều so với hạn mức cho phép (37,7 mg/kg so với hạn cho phép là 300 mg/kg), không có dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng; tức là đã đạt tiêu chí rau an toàn. Trong khi đó, mẫu rau muống đối chứng có dư lượng Nitrat cao hơn tới 61% mức cho phép (483 mg/kg), là rau không an toàn. Chi phí SX theo phương pháp mới của anh Đạt không cao hơn so với chi phí SX rau muống thông thường trên cùng một đơn vị diện tích. Năng suất rau lại cao hơn 20%, rau có màu xanh mướt và ăn giòn hơn rau muống dùng chất kích thích tăng trưởng. Anh Đạt cho biết “Trồng rau muống theo phương pháp mới này, mình không phải sử dụng thuốc BVTV, sâu rầy trên rau rất ít. Rau có màu xanh mướt rất đẹp. Thân rau dày hơn nên nặng ký hơn so với rau trồng thông thường”. Tuy nhiên, rau muống an toàn của anh Đạt khi mang ra ngoài chợ lại khó bán hơn rau muống thông thường. Nguyên nhân do phần lớn người tiêu dùng ở TP HCM hiện vẫn chỉ ưa mua rau muống nước có màu trắng nhiều hơn, vì cho rằng đó là rau non. Còn rau có màu xanh mướt lại bị coi là rau già. Đây là một quan niệm sai lầm bởi rau muống nước có nhiều màu trắng là do được nông dân sử dụng chất kích thích tăng trưởng. Còn với rau không dùng chất kích thích tăng trưởng, sẽ có màu xanh. Chính vì vậy, dù đã chứng thực sự thành công của anh Đạt khi trồng được rau muống nước an toàn theo phương pháp mới, những người trồng rau muống nước ở vùng ngoại thành TP HCM vẫn còn tỏ ra ngại ngần, nhất là ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Trước nỗi băn khoăn của bà con, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nông nghiệp GAP cho biết DN sẵn sàng hợp tác với nông dân vùng ngoại thành TP HCM để trồng rau muống nước an toàn trên quy mô lớn. Theo đó, Cty GAP sẽ đầu tư phân bón hữu cơ, hướng dẫn quy trình canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định, đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận tốt. Để thể hiện quyết tâm làm rau muống sạch với quy mô và sản lượng lớn, hiện tại, Cty GAP đang đầu tư xây dựng một xưởng sơ chế rau muống ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi với công suất 30 tấn/ngày. Sắp tới, Cty cũng sẽ xây dựng một xưởng lớn hơn trên địa bàn quận 12, nơi đang có gần 200 ha rau muống nước trên tổng số khoảng 500 ha rau muống nước của toàn TP. Theo bà Tú Anh, mỗi ngày TP HCM tiêu thụ khoảng 500 tấn rau muống. Nếu tập hợp trong tay được khoảng 200- 300 tấn SX theo phương pháp an toàn, Cty GAP hoàn toàn đủ khả năng làm thay đổi thị hiếu sai lầm của người tiêu dùng TP về rau muống nước, bởi Cty sẽ không chỉ đưa rau an toàn vào siêu thị mà còn đưa vào các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Từ đó rau muống an toàn sẽ tỏa về các chợ bán lẻ.
Bà Tú Anh nhấn mạnh: “Hướng đi của chúng tôi là làm sao để người tiêu dùng ở TP có thể tiếp cận và mua rau muống an toàn một cách dễ dàng. Có thể mua ngay ở chợ mà không nhất thiết phải vào siêu thị. Khi rau muống an toàn của chúng tôi đã chiếm phần lớn lượng rau muống tiêu thụ hàng ngày trên địa bàn TP, thì người tiêu dùng sẽ phải từ bỏ thói quen lựa rau có nhiều màu trắng nhưng không an toàn sang rau màu xanh mướt mà lại an toàn. Giá rau muống an toàn cũng sẽ được chúng tôi xây dựng với mức chỉ cao hơn rau muống không an toàn từ 10- 20%. Đây là mức giá mà người tiêu dùng có thể chấp nhận, vì hiện nay, đã có một số đơn vị làm rau muống an toàn nhưng sản lượng ít mà giá bán lại quá cao, nhiều khi gấp rưỡi giá rau muống thường, nên chưa được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ”. Trước mắt, Cty GAP sẽ hợp tác SX rau muống nước an toàn với tổ hợp tác trồng rau muống nước gồm 25 hộ nông dân ở phường Thạnh Xuân (Q12) và dự kiến đến tháng 4 tới sẽ đưa rau muống nước an toàn ra thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông quận 12 và Gò Vấp, tổ hợp tác này sẽ là hạt nhân trong việc mở rộng mối liên kết trong SX rau muống nước an toàn giữa người trồng rau muống nước ở ngoại thành TP HCM với Cty GAP. nongnghiep.vn |