Bẫy: hàng rào kỹ thuật và lối thoát chất lượngTác giả: Phạm Văn Hội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội (VEF.VN) - Giải pháp duy nhất để tăng giá trị xuất khẩu nông sản cho Việt Nam là đổi mới công nghệ sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm, từ đó giúp nông sản Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường các nước phát triển. La liệt "bẫy" hàng rào kỹ thuật Đối với các mặt hàng nông sản sử dụng làm lương thực và thực phẩm, xu thế chung trong cải tiến công nghệ và tổ chức sản xuất của các nước phát triển là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì mong muốn tăng năng suất (1). Chiến lược tăng cường xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng sẽ cần phải được hoạch định và thực thi theo xu thế tiến bộ này. Bởi lẽ, việc tăng cường sản xuất sản phẩm chất lượng cao không chỉ đồng nghĩa với nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, chế biến và xuất khẩu, mà còn giúp cắt giảm các đầu tư hoá chất - góp phần cải thiện môi trường và giảm thiểu những phí tổn sức khoẻ cho chính người sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt trong điều kiện môi trường nông thôn đã bị ô nhiễm rộng khắp như hiện nay ở Việt Nam. Đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng là yếu tố quyết định đến sự thành công của nông sản trong việc thâm nhập vào thị trường các nước phát triển. Đây là vấn đề khó khăn, nan giải, đầy thử thách và rủi ro cho các nước đang phát triển. Ví dụ, theo China Daily (2003), 90% các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và sản phẩm phụ động vật bị ảnh hưởng bởi các rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, với tổng thiệt hại lên tới 9 tỷ đô la/năm. Ảnh hưởng của rào cản kỹ thuật ở nước nhập khẩu đối với hàng nông sản là rất lớn. Ví dụ, năm 2002 Nhật Bản tăng yêu cầu về dư lượng thuốc sâu Chlorpyrifos trong rau cải (spinach) từ 0,1 ppm xuống 0,01 ppm, khiến rau cải Trung Quốc xuất khẩu sang Nhật giảm mạnh, từ 33,9 triệu đô la năm 2001, xuống hơn một nửa, chỉ còn 14,3 triệu đô la năm 2002, và tụt dốc không phanh xuống còn 3,9 triệu đô la năm 2003 (2). Với Việt Nam - nước đi sau Trung Quốc về thâm nhập thị trường nông sản thế giới, nên việc tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu...v.v. dường như còn thua kém nước láng giềng này, chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn để có thể vượt qua những rào cản kỹ thuật, thậm chí cả rào cản xã hội của nước nhập khẩu. Đối với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng địa phương (ít chịu tác động của thâm canh), chất lượng bị chi phối ở một vài mắt xích nào đó trong chuỗi cung nông sản. Việc xác định và có những can thiệp nhằm cải thiện sự vận hành các mắt xích này sẽ giúp cải thiện chất lượng và giá trị nông sản rõ rệt. Ví dụ, từ năm 2008, công ty của một doanh nhân Hà Lan (Fresh Studio Innovation Asia) đã thành công trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả chuỗi cung quả bơ từ Đăk Lăk ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận (với thương hiệu Dakado) thông qua một số cải thiện trong hoạt động thu hoạch bơ, phân loại, và công cụ hỗ trợ vận chuyển (hộp carton). Những năm qua, công ty này cũng xuất khẩu bưởi Năm Roi sang thị trường Hongkong và Đức. Để thâm nhập vào các thị trường này, ngoài chất lượng nổi bật mang đặc trưng địa phương, hoạt động thu hái, bảo quản và đóng hộp góp phần quyết định. Bởi lẽ, các mẫu bưởi sẽ được kiểm soát, chỉ một vết bầm dập nhỏ do thu hái hoặc vận chuyển sẽ không được nhà nhập khẩu chấp nhận. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng nông sản chịu tác động của thâm canh cao, hầu hết đều có thể vi phạm các tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu, đặc biệt khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Mới đây, TheFishSite News Desk (Mỹ) cho hay trên thực tế, nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các nhà nhập khẩu từ chối vì có dư lượng thuốc kháng sinh cao Mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam là lúa gạo cũng phải đối mặt với những rủi ro tương tự (Ví dụ: Nhật Bản đã từng cảnh báo gạo Việt Nam có chứa Acetarmiprid vào năm 2007). Đối với thị trường EU, Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ sản phẩm bị từ chối nhập khẩu cao nhất (3). Khó có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, hiện tại, hầu hết mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất sang các nước mà thị trường nội địa có tổ chức lỏng lẻo và thiếu kiểm soát về chất lượng như Trung Quốc, Nga hoặc Đài Loan. Việc tập trung xuất khẩu sang các thị trường này giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những rủi ro và phí tổn liên quan đến việc từ chối nhập khẩu, tuy nhiên giá trị xuất khẩu thấp và ngưỡng xuất khẩu dường như đang dần tới giới hạn. Trong trường hợp xuất sang thị trường khối OECD, dù chỉ với lượng xuất nhỏ, các kết quả xét nghiệm chất lượng sản phẩm (thường của tổ chức xét nghiệm độc lập và uy tín trên thế giới) cần được gửi cho đối tác nhập khẩu trước khi xuất hàng. Thậm chí, theo Công ty G.O.C (Bắc Giang), cán bộ kỹ thuật Nhật Bản sang trực tiếp giám sát quá trình chế biến và kiểm tra chất lượng sản phẩm (dưa bao tử, cà chua... ) trước khi xuất sang Nhật. Gỡ nút thắt thể chế Các chuỗi cung nông sản khác nhau thường bao gồm các mắt xích khác nhau. Bởi vậy, khi các chuỗi cung này đều gặp phải những rủi ro về chất lượng như đề cập ở phần trên, có nghĩa là có một nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng trên. Và nguyên nhân đó chính là thể chế. Thể chế chính là yếu tố quyết định đến hiệu quả các hoạt động kinh tế nói chung cũng như sự thành công và tương lai nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Quyết định 80 của Thủ tướng CP ban hành năm 2002 trong việc đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hoá và xuất khẩu thông qua hình thức Hợp đồng nông sản (contract farming) nhìn chung đã không thành công (M4P/ADB, 2005). Rõ ràng, các hợp đồng nông sản, dù chỉ với sự tham gia của 2 chủ thể cơ bản: người dân và doanh nghiệp - sẽ chỉ được triển khai thành công trong môi trường thể chế minh bạch và có hiệu quả (4). Năm 2008, một người dân ở Long An thất thu khoảng 11.000 đô la từ lúa do sử dụng thuốc trừ sâu quá hạn. Tuy nhiên, công ty phân phối thuốc không những không bồi thường thiệt hại cho người dân, mà còn thách thức người dân theo kiện. Cũng chính thể chế đã khiến một nhà khoa học bị kỷ luật vì đã công bố sự thật trong việc người dân sử dụng hoá chất độc hại trong bảo quản hoa quả vào năm 2004. Trong nghiên cứu của chúng tôi đối với 30 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, trải dài từ Bắc Giang vào Thanh Hoá, thì tham nhũng và sự thờ ơ của chính quyền địa phương đối với nhiều công ty chế biến nông sản trong việc xây dựng và tổ chức vùng sản xuất, trợ giúp tín dụng và kỹ thuật, chính là rào cản ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp này (5). Những ví dụ này chỉ ra rằng: nếu không có những cải thiện về thể chế theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn và độ trễ (time lag) ngắn nhất trong việc tạo ra hiệu quả mong muốn, sẽ không thể nâng cao được trách nhiệm của chính quyền các cấp, không khởi tạo được sự tham gia và hợp tác có hiệu quả của người dân, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, và sự tin cậy của đối tác nhập khẩu. Khi đó, nông sản "made in Vietnam" sẽ tiếp tục không thể tạo vị thế, hoặc chỉ duy trì ở mức độ mờ nhạt như hiện nay đối với thị trường, nhà nhập khẩu/phân phối và người tiêu dùng ở các nước phát triển. Và một khi không tiếp cận được với các thị trường đầy tiềm năng và tiến bộ này, Việt Nam sẽ khó cải thiện được tính chuyên nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu nông sản. Và có lẽ, nông nghiệp Việt Nam cũng không thể vượt qua được "giới hạn tiềm năng" trong sản xuất và xuất khẩu nông sản. |