Thị trường công nghệ môi trường Việt Nam: Đang bị bỏ ngỏ(TN&MT) - Một trong các giải pháp quan trọng giải quyết bài toán ô nhiễm ở nước ta là công nghệ xử lý chất thải. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025" (Quyết định 1030 ngày 20/7/2009). Đáng tiếc đến nay, hình hài ngành công nghiệp môi trường vẫn còn mờ nhạt, trong khi nguồn chất thải cần xử lý ngày một tăng. Bộn bề chất thải cần xử lý Theo số liệu thống kê được công bố gần đây nhất, lượng nước thải các loại chưa được xử lý trên cả nước lên tới 1,5 tỷ m3, trong đó nước thải các khu đô thị và khu công nghiệp khoảng 1tỷ m3. Mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội thải hơn 260.000m3 nước thải công nghiệp. Mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 1,5 triệu m3 nước thải công nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là do khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp (chủ yếu là các cơ sở qui mô vừa và nhỏ) có trạm xử lý nước thải, nhưng hầu hết chưa được vận hành đạt tiêu chuẩn hoặc không vận hành thường xuyên. Khu công nghiệp là đối tượng được quản lý chặt chẽ nhất trong việc xử lý nước thải, nhưng đến cuối năm 2011, mới có 65% trong tổng số 180 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải. Tương tự như vậy, nguồn chất thải rắn phát sinh ngày một lớn. Rác thải đô thị ước khoảng 29.800 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom mới đạt 83%. Rác thải nông thôn tới 30.500 tấn/ngày, nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 50 - 60% đối với khu vực thị trấn, thị tứ và khoảng 20 - 30% ở các khu vực khác. Hiện nay công nghệ xử lý chất thải rắn vẫn chủ yếu là chôn lấp (80 - 85%), tuy nhiên chỉ có 15 - 20% chôn lấp hợp vệ sinh. Tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt tại các đô thị ở mức khoảng 15%. Chất thải y tế luôn là mối lo ngại lớn, bởi mỗi ngày hệ thống 11.657 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đang thải khoảng 350 tấn chất thải rắn, trong đó có 40,5 tấn chất thải rắn nguy hại, chưa được xử lý triệt để. Hiện có 351 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải còn hoạt động tốt, 835 bệnh viện cần phải sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới hệ thống xử lý. Cũng chỉ có 35% bệnh viện có lò đốt chất thải y tế nhưng công suất sử dụng chưa hợp lý và việc xử lý khí thải còn gặp nhiều khó khăn. Thế nên chỉ có 1/3 chất thải y tế được tiêu hủy trong lò đốt, còn lại là đốt ngoài trời (15,3%), đốt bằng lò thủ công (13,9%), chôn trong khuôn viên bệnh viện (33,3%), phần còn lại thải trực tiếp ra bãi rác chung. Xử lý được ô nhiễm bằng công nghệ phù hợp Theo Thông tư 230/2009 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, được áp dụng thuế suất 10% suốt thời gian hoạt động; được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (các doanh nghiệp thành lập mới được giảm 50% trong 5 năm tiếp theo). Các chủ đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN cũng đã quan tâm tới thị trường này, đã và đang triển khai một số dự án tại Việt Nam. Suất đầu tư của các dự án nước ngoài hiện đang ở mức 500 - 800 USD/m3 nước thải sinh hoạt; từ 500 - 1.000 USD/m3 nước thải công nghiệp; từ 20 - 40 USD/m3 chôn lấp chất thải rắn và từ 200 - 300 USD/m3 đốt chất thải. Tuy nhiên, cái khó nhất là phải lựa chọn được công nghệ phù hợp với điều kiện tài chính hiện hành. Như TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại cuộc Hội thảo về công nghệ xử lý chất thải do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam bảo trợ gần đây: "Thị trường công nghệ xử lý chất thải Việt Nam vô cùng rộng mở. Việt Nam cần công nghệ xử lý được chất thải gây ô nhiễm, nhưng không thể đắt". Thao Lan |