Livermorium và Flerovium chính thức gia nhập bảng tuần hoàn

Flerovium (kí hiệu nguyên tử Fl) được chọn để tôn vinh Phòng nghiên cứu Phản ứng Hạt nhân Flerov, nơi các nguyên tố siêu nặng, trong đó có nguyên tố 114, được tổng hợp. Georgiy N. Flerov (1913-1990) là một nhà vật lí danh tiếng, người đã khám phá ra sự phân hạch tự phát của uraniu và là người tiên phong nghiên cứu vật lí ion nặng. Ông là người sáng lập Liên Viện Nghiên cứu Hạt nhân. Vào năm 1991, phòng thí nghiệm này được đặt tên lại theo Flerov – Phòng nghiên cứu Phản ứng Hạt nhân Flerov (FLNR).

Livermorium (kí hiệu nguyên tử Lv) được chọn để tôn vinh Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) và thành phố Livermore, California, Mĩ. Một nhóm nghiên cứu ở LLNL, cùng với các nhà khoa học tại Phòng nghiên cứu Phản ứng Hạt nhân Flerov, đã tham gia công trình thực hiện ở Dubna về sự tổng hợp các nguyên tố siêu nặng, trong đó có nguyên tố 116. (Lawrencium – nguyên tố 113 – đã được đặt theo tên người sáng lập ra LLNL, E.O. Lawrence.)

Theo IUPAC, Livermorium được chọn vì trong những năm qua các nhà khoa học tại Livermore đã tham gia nhiều lĩnh vực khoa học hạt nhân: nghiên cứu các tính chất phân hạch của những nguyên tố nặng nhất, trong đó có việc khám phá ra sự phân hạch lưỡng phương thức, và nghiên cứu tia gamma nhanh phát ra từ các mảnh vỡ sau phân hạch; nghiên cứu các đồng phân và các mức đồng phân ở nhiều hạt nhân; và nghiên cứu hóa tính của những nguyên tố nặng nhất.

Livermorium và Flerovium chính thức gia nhập bảng tuần hoàn

“Những tên gọi này không chỉ tôn vinh những đóng góp cá nhân của các nhà khoa học ở những phòng thí nghiệm này cho lĩnh vực khoa học hạt nhân, nghiên cứu nguyên tố nặng, và nghiên cứu nguyên tố siêu nặng, mà còn tôn vinh sự hợp tác và cộng tác mang tính hiện tượng học đã diễn ra giữa các nhà khoa học ở hai quốc gia này,” phát biểu của Bill Goldstein, phó giám đốc Ban Khoa học Vật chất và Sự sống thuộc LLNL.

Các nhà khoa học tại LLNL đã tham gia nghiên cứu nguyên tố nặng kể từ khi khánh thành phòng nghiên cứu này hồi năm 1952 và đã hợp tác khám phá ra sáu nguyên tố - 113, 114, 115, 116, 117 và 118.

Livermore còn nằm ở tiền phương nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khá liên quan đến khoa học hạt nhân như các phép đo tiết diện, lí thuyết hạt nhân, chẩn đoán hóa phóng xạ, hóa học phân tích như phân tích nước nhanh tự động, hóa học actinide, chế tạo bia nguyên tố nặng và pháp y hạt nhân.

Nguyên tố 116 và 114 được tạo ra bằng cách cho các ion calcium (mỗi ion có 20 proton) lao vào bia curium (96 proton) tạo ra nguyên tố 116. Nguyên tố 116 phân hủy gần như tức thời thành nguyên tố 114. Các nhà khoa học còn tạo ra nguyên tố 114 một cách độc lập bằng cách thay bia curium bằng bia plutonium (94 proton).

Sự tạo thành nguyên tố 114 và 116 làm tăng thêm hi vọng của các nhà khoa học về “hòn đảo bền”, một khu vực thuộc bảng tuần hoàn hóa học trong đó những nguyên tố nặng mới sinh ra sẽ bền và tồn tại đủ lâu để nghiên cứu các ứng dụng của chúng.

Tên gọi chính thức của hai nguyên tố trên sẽ được công bố trên số ra tháng 6 của tạp chí Pure and Applied Chemistry thuộc IUPAC.

123physics – thuvienvatly.com
Nguồn: LLNL