Rắc rối EthoxyquinTrong khi người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu tôm còn đang khó trăm bề do dịch bệnh, thị trường cạnh tranh… thì việc Nhật Bản cảnh báo về Ethoxyquin thời gian vừa qua đã khiến ngành tôm Việt Nam rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”. Đã khó... càng thêm khó
Sau nhiều nỗ lực, ngành tôm Việt Nam vượt qua các cảnh báo về Trifluralin, Enrofloxacin thì mới đây, Nhật Bản quyết định kiểm tra tần suất 30% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin với mức giới hạn cho phép là 0,01 ppm (10 ppb) đã khiến ngành tôm Việt Nam như ngồi trên lửa.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Do vậy, theo nhiều doanh nghiệp, nếu tình huống xấu nhất là tôm Việt Nam bị “cấm cửa” vào thị trường Nhật Bản thì không biết tôm sẽ bán cho ai. Bên cạnh đó, phần lớn các sản phẩm xuất sang Nhật là các sản phẩm giá trị gia tăng như sushi, tôm tẩm bột… mà phải mang trở về nước thì các doanh nghiệp chỉ còn nước... kêu trời.
Theo một lãnh đạo của VASEP, nếu đảm bảo các lô tôm xuất khẩu sang Nhật có hàm lượng Ethoxyquin không quá 0,01 ppm trong thời điểm này là vô cùng khó. Khó khăn nữa là các doanh nghiệp xuất khẩu phải mất thêm nhiều thời gian và tiền bạc cho công tác kiểm định chất lượng khi việc hạn chế hàm lượng này bắt buộc phải thực hiện.
Bởi, đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn nuôi tôm, hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn thường ở mức cao, điều này cho thấy rằng, con số 0,01 ppm mà Nhật Bản đưa ra chẳng khác nào một “rào cản” đối với tôm Việt Nam.
Không độc... vẫn cấm!
Theo Wikipedia, Ethoxyquin là chất chống ôxy hóa thuộc nhóm Quinoline, được sử dụng như một chất bảo quản thực phẩm (E324) và thuốc trừ sâu dưới tên thương mại Stop-Scald. Ethoxyquin được sử dụng trong bảo quản thức ăn chăn nuôi để ngăn chặn sự trở mùi (ôi) của chất béo. Chất này cũng được sử dụng trong các loại gia vị để ngăn chặn sự mất màu do quá trình ôxy hóa của các sắc tố Carotenoid tự nhiên.
Trong sản xuất thức ăn thủy sản (tôm, cá), các nguyên liệu chính là bột cá, dầu cá thường có hàm lượng chất béo cao và thành phần của chất béo chứa nhiều acid béo không no nên dễ bị ôxy hóa trong quá trình chế biến và bảo quản. Vì vậy, phải bổ sung Ethoxyquin để ngăn quá trình ôxy hóa. Do đó, thức ăn nuôi tôm được sản xuất từ nguyên liệu có chứa Ethoxyquin thì cũng nhiễm một hàm lượng nhất định chất này.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Ủy ban Luật thực phẩm quốc tế (CODEX) áp dụng tiêu chuẩn Ethoxyquin với mức là 0,5 ppm đối với hạng mục tôm làm thực phẩm. Cũng với hạng mục này ở EU là 150 ppb; Mỹ 75 ppb. Tại Nhật Bản, đối với thức ăn tôm áp dụng mức 150 ppm, thức ăn cho cá biển là 100 ppm.
Bên cạnh đó, tác hại của Ethoxyquin mới chỉ phát hiện được ở động vật, được chứng minh là hơi độc với cá. Tuy nhiên, chưa xác định được tác hại tương ứng với con người. Điều đó cho thấy việc Nhật Bản áp dụng tiêu chuẩn ngặt nghèo và chỉ kiểm tra đối với tôm của Việt Nam có phần bất công và chủ quan.
Trước tình hình hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản khuyến cáo người nuôi tôm, cá trước khi thu hoạch phải ngừng cho tôm, cá ăn 1 ngày để thải hết thức ăn nhằm loại bỏ các chất có từ thức ăn tồn dư trong tôm; đề nghị không đưa Ethoxyquin và Sulfamethoxazole vào thức ăn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các hội, hiệp hội cần thực hiện những việc làm cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho con tôm Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.
Nguồn tin: Thủy sản Việt Nam |