Tạo “nền móng” cho nông nghiệp công nghệ caoTheo Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần phải bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn sản xuất, hướng vào thị trường chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm của chính sách.
Đây là ý kiến được đưa ra tại diễn đàn “Chính sách ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua đối tác công tư” do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Chương trình Hỗ trợ quốc tế cho ngành nông nghiệp (ISG) tổ chức ngày 3/8, tại Hà Nội, Nhiều đại biểu đã thảo luận về áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, vốn luôn được coi là một đòi hỏi tất yếu đảm bảo sự thành công của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn chậm. Lý do là do sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân chưa mạnh mẽ. Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam hiện nay không phải bắt đầu từ số không, nhưng để phát triển và phát huy được hiệu thì cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của nông dân doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Tại diễn đàn, bài học của Ngân hàng Bắc Á đầu tư công nghệ cao vào sản xuất sữa TH True Milk đã được nêu ra như một điển hình thành công khi doanh nghiệp mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư công nghệ và cho ra những sản phẩm thương hiệu Việt có giá trị cao. Doanh thu thuần của TH True Milk năm 2012 đã đạt 2.000 tỷ đồng và góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Tuy nhiên, sự thành công này có sự đóng góp không nhỏ của lãnh đạo tỉnh Nghệ An khi đã vào cuộc cùng doanh nghiệp và hỗ trợ cơ chế, đặc biệt là trong vấn đề quy tụ đất đai từ những nông trường làm ăn không hiệu quả để xây dựng được nông trường bò sữa và vùng nguyên liệu thuộc loại lớn nhất cả nước hiện nay. Sự bắt tay thành công giữa “2 nhà” như trên đã cho ra những “trái ngọt”, tuy nhiên, đây dường như là sự cá biệt bởi đa số doanh nghiệp rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, do các cơ chế hỗ trợ về vốn và chính sách chưa thực sự đến được với doanh nghiệp trong khi đầu tư vào lĩnh vực này lại có rủi ro cao, vốn đầu tư ban đầu lớn. Ông Nguyễn Văn Bộ cho rằng trước hết cần thay đổi tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Chính phủ hỗ trợ xác định thị trường chiến lược cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia để giảm rủi ro thấp nhất. Hệ thống thông tin và dự báo, phân tích thị trường, tiêu chuẩn chất lượng cần được cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa thương vụ và doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực.... để doanh nghiệp quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà chỉ tính theo mùa vụ sản xuất. Đỗ Hương Nguồn tin: cổng thông tin điện tử chính phủ |