Công nghệ mới để giảm phụ thuộc vào đất hiếm

Nhiều nước đang tìm kiếm và phát triển các biện pháp công nghệ mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu đất hiếm. Dù Trung Quốc đã chính thức bác bỏ thông tin nước này cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, nhưng Nhật Bản và nhiều nước khác đang chuẩn bị kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Đất hiếm: Càng ngày càng hiếm

Đất hiếm là tên gọi chung của 17 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Đất hiếm đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp sản xuất ô-tô, xe điện, tua bin gió, ổ cứng màn hình máy tính, TV, điện thoại di động, xe tăng, radar, tên lửa, máy bay... Các nguyên tố thuộc nhóm đất hiếm có trữ lượng rất nhỏ ở trên Trái đất. Trung Quốc sở hữu khoảng 84 triệu tấn, chiếm 97% thị phần thế giới.

Cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói, Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc có đất hiếm. Mỹ từng dẫn đầu thế giới về sản lượng đất hiếm cho đến cuối những năm 1980. Từ đó trở đi, Trung Quốc thống lĩnh thị trường này bằng chiến lược giá rẻ, khiến một số mỏ đất hiếm tại Bắc Mỹ, Australia và châu Phi phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng hoặc bán lại cho Trung Quốc.

Tổng sản lượng đất hiếm toàn cầu hiện nay khoảng 124.000 tấn. Lượng cầu thế giới dự kiến sẽ tăng lên 180.000 tấn vào năm 2012 và vượt quá 200.000 tấn vào năm 2014. Thị trường đất hiếm toàn cầu năm 2009 trị giá 1,5 tỉ USD. Giá của những nguyên tố này đang tăng mạnh khi có tin Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, khiến nỗi lo lắng thiếu hụt nguồn cung đã lan cả sang Mỹ.

Nhiều sản phẩm công nghệ cao hiện này không thể sản xuất được nếu không có nguyên liệu đất hiếm. Với địa vị thống trị trên thị trường xuất khẩu đất hiếm, Trung Quốc có thể khiến các nước phải mua trực tiếp từ Trung Quốc những sản phẩm công nghệ cao hoàn chỉnh sản xuất ở Trung Quốc thay vì được mua nguyên liệu đất hiếm.

Tìm biện pháp giảm phụ thuộc

Bối cảnh trên thúc đẩy các thương nhân và công ty Nhật Bản tìm kiếm nguồn cung mới, tạo điều kiện cho những nơi tái chế phế thải điện tử. Thị trấn Kosaka ở Nhật Bản, phát triển nghề “khai mỏ” từ đống linh kiện điện tử qua sử dụng để tái chế đất hiếm và một số loại khoáng sản.

Công ty tái chế phế thải điện tử Dowa Holdings vừa xây thêm một nhà máy tái chế gồm một lò luyện cao gần 200m để nấu chảy những thiết bị điện tử cũ rồi tách lấy những kim loại và khoáng sản có giá trị. Những linh kiện cũ hỏng này được thu từ Nhật và nhiều nước trên thế giới.

Công ty Kosaka Smelting and Refining cũng đang làm ăn phát đạt nhờ việc thu hồi một số kim loại hiếm như indi – được dùng trong màn hình tinh thể lỏng, và antimon – dùng trong các thiết bị bán dẫn. Công ty này đang phát triển phương pháp mới để thu hồi những khoáng sản khó khai thác hơn các nguyên tố đất hiếm khác, như neodim – thành phần quan trọng trong pin, ắc-quy dành cho ô-tô điện, và đyproxi – sử dụng trong vật liệu laser.

Theo Viện khoa học vật liệu quốc gia Nhật, mỗi tấn linh kiện điện tử cũ có thể tái chế được 150g đất hiếm. Nước này thu được khoảng 300.000 tấn đất hiếm mỗi năm từ phế liệu điện tử. Dù lượng đó rất nhỏ so với trữ lượng đất hiếm ở Trung Quốc, nhưng cũng giúp Nhật Bản bớt phụ thuộc vào nước láng giềng.

Công ty thương mại Sojitz của Nhật đang đàm phán quyền khai thác mỏ đất hiếm ở Việt Nam. Công ty Toyota Tsusho đã thành lập một liên doanh khai thác đất hiếm ở Việt Nam cách đây 2 năm, và hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp đất hiếm cho Nhật từ năm 2012. Tập đoàn công nghiệp Sumitomo của nước này có kế hoạch đàm phán với chính phủ Kazakhstan để thu hồi đất hiếm từ xỉ quặng uranium. Nhật và Mông Cổ cũng vừa đạt được thỏa thuận hợp tác trong khai thác đất hiếm ở Mông Cổ.

Nhật Bản cũng đang thúc đẩy quy trình sản xuất mới không sử dụng đất hiếm. Tuần trước, Tổ chức năng lượng mới và phát triển công nghệ công nghiệp (New Energy and Industrial Technology Development Organization - NEDO), cho biết họ phát triển được một loại động cơ dành cho xe lai (hybrid car), sử dụng nam châm ferit giá thành thấp và sẵn có, thay vì dùng nam châm từ đất hiếm.

Thành Long (Theo baodatviet.vn)