Phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau

Trường: Đại Học An Giang

Khoa: NN- TNTN

Lớp: ĐH6PN    

MSSV: DPN053030

Họ Và Tên: Trần Công Nhờ

PHÂN TÍCH CÁC YẾU TỐ TỒN DƯ THUỐC

BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN RAU

1. Giới thiệu

Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có đặc điểm nóng và ẩm quanh năm. Điều kiện khí hậu này rất thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng và đây cũng là môi trường tốt cho sự phát sinh và phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại cho cây trồng đặc biệt là trên cây rau. Để hạn chế sự phá hại của sâu, bệnh hại thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo vệ mùa màng là một biện pháp quan trọng và chủ yếu.

Thuốc bảo vệ thực vật cùng với phân bón là những phát minh vĩ đại của con người để đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng cao của loài người. Tuy nhiên thuốc bảo vệ thực vật về tính độc thì nó lại độc hại đối với sức khỏe của con người do đó khi sử dụng chúng cần phải tuân thủ đúng theo khuyến cáo của nhà khoa học và chỉ dẫn ghi trên bao bì, không được lạm dụng và sử dụng một cách bừa bãi thiếu kiểm soát nhằm đảm bảo sức khỏe con người và đảm bảo vệ sinh môi trường. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trong nông sản, thực phẩm là mối đe dọa đối với sức khỏe con người, ảnh hưởng xấu đến môi sinh. Ngoài ra, khi phun thuốc bảo vệ thực vật thì một lượng thuốc đáng kể sẽ rơi vào đất và tồn tại trong đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

2. Thực trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau

 

Thuốc BVTV là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hay hóa chất tổng hợp được dùng để bảo vệ cây trồng và nông sản chống lại sự phá hại của sinh vật gây hại (Võ Tòng Xuân và Huỳnh  Văn Thòn, 2003).

Dư lượng là liều lượng hoạt chất và các sản phẩm trung gian sau khi phân hủy có độc tính còn lưu lại trong nông sản, môi trường (Võ Tòng Xuân và Huỳnh Văn Thòn, 2003).

Theo Chi cục BVTV thành phố Hồ Chí Minh (2007), kiểm tra trên 3.050 mẫu rau từ các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng, cơ sở chế biến có 141 mẫu dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép nhiều lần. Những mẫu rau bị nhiễm có nguồn gốc từ nhiều nơi trên cả nước tập trung ở Lâm Đồng (52 mẫu), thành phố Hồ Chí Minh (22 mẫu), Tiền Giang (15 mẫu) và Long An (11 mẫu). Qua đó cho thấy tình hình dư lượng thuốc BVTV trên rau tại thành phố Hồ Chí Minh khó kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của từng loại rau này nên khi bán ra thị trường người tiêu dùng không thể biết được loại rau nào là an toàn và không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ.

Theo Võ Thị Hồng Thủy (2008), trong 224 mẫu rau thu thập được từ các chợ đầu mối Rạch Sỏi, Rạch Giá, Phú Quốc và vùng trồng rau ven Rạch Giá đã phát hiện 79 mẫu có dư lượng thuốc BVTV. Tập trung vào các loại rau nhóm hành, hẹ chiếm tỉ lệ cao (hành 66,7%, hẹ 60%), các loại rau cải (xà lách xoong 66,7%, rau dền 50%, mồng tơi 33,3%, cải xanh 30,4%, cải ngọt 20%). Qua đó cho thấy thực trạng dư lượng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Kiên Giang diễn biến rất phức tạp nguy cơ người tiêu dùng bị ngộ độc khi sử dụng các loại rau có dư lượng cao này. Đây là một thực trạng đáng báo động không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng, người sản xuất mà còn ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của rau cải trên thị trường. Muốn khắc phục được tình trạng này thì trong quá trình sản xuất cần phải sử dụng thuốc BVTV một cách cân đối và hợp lý, sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế dần các loại thuốc hóa học và nhất là sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP.

Đầu năm 2007 Chi cục BVTV An Giang tiến hành kiểm tra nhanh dư lượng thuốc BVTV trong rau bằng phương pháp GT – Test Kit. Trong số 19 mẫu rau quả các loại tại Chợ Mới, Long Xuyên đã có 10 mẫu phát hiện có dư lượng trong đó có 8 mẫu ở mức không an toàn là cà chua, bẹ dún, đậu que, đậu đủa, cải xanh, cải bắp chiếm 41,1%. Chỉ qua việc kiểm tra nhanh trên 19 mẫu rau quả mà đã có đến 10 mẫu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đây là một thực trạng đáng báo động ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm đồng thời trên hết là ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tình trạng này cần phải được khắc phục nếu để kéo dài thì không những sức khỏe của người tiêu dùng bị đe dọa mà còn ảnh hưởng xấu đến thương hiệu rau quả của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Qua việc kiểm tra trên cho thấy tình hình dư lượng thuốc BVTV tại các tỉnh là rất phức tạp người dân khó có thể phát hiện được loại rau mà họ sử dụng là có nhiễm độc hay không, tạo tâm lý lo sợ khi họ sử dụng thực phẩm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Theo thống kê của viện BVTV Việt Nam  (2006), lượng thuốc trừ sâu ở Việt Nam đang mỗi ngày một tăng: từ 10.300 tấn lên 33.000 tấn vào đầu những năm 1990; đến năm 2003 tăng lên 45.000 tấn và năm 2005 đã là 50.000 tấn. Nhiều loại thuốc trừ sâu cực độc đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam nhưng vẫn còn lưu thông trên thị trường và loại thuốc trừ sâu cực độc này vẫn được sử dụng; ước còn khoảng 15 – 20% trên tổng lượng thuốc BVTV đang được sử dụng. Sự lạm dụng hóa chất, thuốc BVTV và sử dụng những loại thuốc cực độc đã làm cho độ màu mỡ của đất đai sút giảm nhanh chóng. Nhiều vùng đất cạn kiệt chất dinh dưỡng và thành đất hoang hóa (Phương Liễu, 2006).

Theo báo Lao Động (2007), những loại rau có nguy cơ nhiễm thuốc BVTV cao là cải xanh (miền Bắc 48,1%, miền Nam 44,4%), đậu cove (miền Nam 69%, miền Bắc 51,5%), rau muống 30,4%. Những loại rau này là những thực phẩm mà người dân sử dụng hằng ngày nếu chúng bị nhiễm thuốc BVTV thì có nguy cơ rất cao ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do sử dụng rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực đang là một thực trạng đáng báo động tạo tâm lý lo sợ cho người tiêu dùng. Theo Hồng Hải (2007), từ năm 2000 – 2006 đã có 174 vụ NĐTP tại bếp ăn tập thể với 14.653 người mắc, 97 vụ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 9.989 người mắc, 58 vụ trong các trường học với 3.790 người mắc và 2 cháu tử vong, 161 vụ NĐTP do thức ăn đường phố với 3.759 người mắc và 7 người chết. Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào nguyên nhân của NĐTP có rất nhiều nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là do nguồn nguyên liệu bị nhiễm độc nên khi chế biến thức ăn thì rất nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tồn dư thuốc BVTV trên rau

3.1. Sử dụng thuốc nằm trong danh mục cấm hoặc đã quá hạn sử dụng

Tình hình lạm dụng thuốc BVTV gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người do trong quá trình canh tác sản xuất rau họ không chú ý đến việc sử dụng loại thuốc BVTV nào cho an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Bên cạnh đó, người dân còn hạn chế sự hiểu biết về các loại thuốc BVTV nó biểu hiện qua sự khảo sát ở 6.840 hộ nông dân tại khu vực phía Nam có 151 hộ sử dụng thuốc BVTV cấm, 126 hộ dùng thuốc ngoài danh mục (Tấn Phát, 2003).

Theo Báo Lao Động (2008), nhiều loại thuốc nhóm lân hữu cơ thuộc danh mục những loại thuốc cấm sử dụng trên rau vẫn được sử dụng tràn lan như: Monitor, Azodrin, Endosulfan, Monocrotophos, Methamidophos, Methyl parathion. Đây là những loại thuốc có độ độc rất cao thời gian phân hủy kéo dài nếu tồn lưu trong rau thì cần phải trải qua thời gian dài mới phân hủy  hết được. Những sản phẩm này khi bán ra thị trường sẽ ảnh hưởng trược tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, một số loại thuốc có thể hủy hoại các mô tế bào của con người gây ra những tổn thương về trước mắt và lâu dài.

Tất cả các trình bày trên đây đều là hiện tượng, nhưng tại sao? Tại sao bên bán vẫn có thuốc cấm, và bên mua lại chuộng thuốc cấm? nhà nước đã làm gì để khống chế việc này, và hiệu quả sao? Sao đi dông dài quá mà không thấy phân tích gì hết vậy?

3.2. Không đảm bảo thời gian cách ly

Tình hình sử dụng thuốc không đảm bảo thời gian cách ly diễn ra rất phổ biến. Qua kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV của 4.600 hộ nông dân phát hiện có đến 59,8% hộ vi phạm chủ yếu là không đảm bảo thời gian cách ly chiếm đến 20,7% (Hữu Điền, 2008). Theo kết quả điều tra thực tế tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho thấy trước lúc thu hoạch 4 – 5 ngày nông dân vẫn sử dụng thuốc để trừ sâu trong khi trên nhãn chai ghi thời gian cách lý là 7 ngày. Điều này rất nguy hiểm vì thời gian quá ngắn không đủ để thuốc phân hủy nên còn tồn tại trong rau nếu những sản phẩm này được xuất bán ra thị trường sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.

Theo Bảo Trung (2008), cho biết ngành  BVTV đã kiểm tra 10.028 hộ nông dân trồng rau, phát hiện 3.515 hộ vi phạm, chủ yếu là không đảm bảo thời gian cách ly có 844 hộ, sử dụng thuốc không đúng nồng độ và kỹ thuật 1.267 hộ. Nhìn chung, thực trạng lạm dụng thuốc BVTV và sử dụng thuốc sai qui định đang diễn ra rất phổ biến và theo nhiều chiều hướng khác nhau.

 3.3. Liều lượng sử dụng thuốc vượt quá mức cho phép

Liều lượng là lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích (đơn vị kg.ha-1, L.ha-1) (Võ Tòng Xuân và Huỳnh Văn Thòn, 2004).

Hiện nay, trong quá trình sản xuất nông dân thường sử dụng thuốc không  đúng theo khuyến cáo và chi dẫn ghi trên nhãn thuốc, họ chỉ dùng thuốc theo kinh nghiệm vượt quá chỉ định cho phép sử dụng gấp nhiều lần và số lần phun thuốc rất nhiều lần. Theo Thanh Hà (2008), cho biết có tới 70 – 80% hộ trồng rau phun trung bình từ 8 – 12 lần thuốc BVTV trên 1 vụ trồng rau. Cụ thể: số lần phun thuốc trên rau muống là 2 – 5 lần.vụ-1, cây đậu 8 – 15 lần, rau cải củ 3- 4  lần, cà chua 3 – 10 lần, bắp cải 8 – 12 lần, mướp đắng 6 – 7 lần, dưa chuột 6 – 10 lần, dưa hấu 6 – 15 lần. Qua đó thấy được sự lạm dụng thuốc BVTV quá mức là nguyên nhân chính  dẫn đến dư lượng thuốc BVTV trên rau ảnh hưởng xấu đến uy tính và chất lượng của vùng trồng rau, sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

3.4. Nông dân hiểu biết về bệnh hại còn thấp

Theo kết quả khảo sát hiện trạng và biện pháp xử lý rác thải BVTV trên rau màu tại tiểu vùng III xã Kiến An, 2008 cho thấy nông dân luôn sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng so với nhãn thuốc chiếm tới 96,7% hộ nông dân khi sử dụng thuốc, trong đó có 66,67% hộ nông dân sử dụng gấp 2 – 3 lần liều lượng so với nhãn thuốc và 30% hộ sử dụng gấp 4 – 5 lần so với nhãn thuốc và chỉ có 3,33% hộ nông dân sử dụng đúng liều lượng so với nhãn thuốc. Hầu hết nông dân trong vùng có trình độ còn hạn chế, nhận thức không đồng đều nên việc hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật gặp nhiều khó khăn trở ngại. Phần lớn nông dân chỉ áp dụng các biện pháp thủ công trong việc phòng trừ sâu hại. Họ chưa nắm rõ được từng loại dịch hại nên khi dùng thuốc để diệt sâu bệnh họ chỉ dùng theo kinh nghiệm của mình hoặc được những nông dân khác truyền miệng. Do vậy, mặc dù cùng một loại thuốc đó người này sử dụng có hiệu quả nhưng người kia lại dùng không có tác dụng nguyên nhân chính là do loại thuốc đó, hoạt chất đó không phù hợp không kháng được sâu bệnh mà cây trồng của họ nhiễm phải và khi không thấy được hiệu quả thì tất nhiên là họ phải sử dụng loại thuốc khác, khi đó lượng thuốc họ vừa sử dụng trước đó chưa kịp phân hủy còn tồn dư lại trên cây trồng. Qua một thời gian thì dư lượng thuốc BVTV ngày càng tăng lên khi họ thu hoạch thì vô tình  họ đã đem thực phẩm bị nhiễm độc tiêu thụ trên thị trường.

Muốn khắc phục được tình trạng này thì cần phải tổ chức thường xuyên  các lớp tập huấn triển khai những kỹ thuật trong sử dụng thuốc BVTV để nông dân nắm chắc được những kỹ thuật này thì hiệu quả sử dụng thuốc của họ sẽ dần được hoàn thiện. Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra liên ngành (Sở Y tế; Sở Khoa học công nghệ; Sở công an; trung tâm kiểm định thuốc BVTV) quản lý lưu thông thuốc BVTV trên thị trường về nhãn hàng hóa, các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh, tài liệu quảng cáo, hội thảo. Xây dựng và thực hiện kiểm tra đột xuất và thường xuyên.

3.5. Thị trường thuốc BVTV đa dạng khó quản lý

Theo Kim Oanh (2008), chỉ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thị trường thuốc BVTV đã rất phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau, không chỉ được kinh doanh trong các đại lý cấp 1, cấp 2, mà còn ở những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ bán theo mùa vụ. Việc đăng ký kinh doanh thuốc BVTV đòi hỏi người chủ cửa hàng phải có chứng nhận chuyên môn tuy nhiên không phải  chủ cửa hàng nào cũng đã từng được tập huấn, có trình độ chuyên môn, nhiều chủ cửa hàng thậm chí chỉ mới học hết tiểu học. Điều này rất không tốt, khi vào mùa vụ nông dân đến cửa hàng mua thuốc chủ cửa hàng giới thiệu thuốc nào cũng đặc hiệu trị được nhiều loại sâu hại mà giá thành lại rẻ. Tâm lý của người nông dân thích rẻ nên mua về dùng kết quả là không diệt được sâu hại mà còn phải tốn tiền của và công sức để phun xịt thêm lần nữa. Như vậy, vô tình người nông dân đã gieo vào đất lượng thuốc trừ sâu dư thừa làm tăng dư lượng thuốc BVTV trong đất làm ảnh hưởng xấu đến tính chất đất, gián tiếp ảnh hưởng đến sức sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

 

4. Kết luận

Dư lượng thuốc BVTV là một thực trạng đáng báo động và cần phải kịp thời thay đổi. Nguyên nhân dẫn đến dư lượng thuốc  BVTV trên rau có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung lại tất cả những nguyên nhân này chúng ta đều có thể thay đổi được nó trên cơ sở nắm bắt kịp thời những tiến bộ của khoa học, áp dụng những kỹ thuật sản xuất mới, sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP là một điển hình. Nếu khắc phục được thực trạng trên thì sẽ tạo được tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng đồng thời khẳng định được thương hiệu rau Việt Nam trên thị trường.

theo staff.agu.edu.vn