Dịch bệnh gây chết tôm đang ngày càng gia tăng và lan rộng trên cả nướcVẫn chỉ đang… nghi ngờ! Trước tình hình dịch bệnh gây chết tôm ngày càng diễn biến nghiêm trọng, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã triệu tập cuộc họp cùng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích tôm bị dịch bệnh hiện vẫn đang có xu hướng lan rộng và nghiêm trọng hơn. Tính đến ngày 15/6/2012, tổng diện tích tôm bị thiệt hại vì dịch bệnh trên cả nước đã lên tới trên 38 nghìn ha, tăng hơn 3.100 ha so với một tuần trước đây và chiếm trên 6% diện tích tôm đã thả nuôi trên cả nước. Một số địa phương có diện tích tôm bị thiệt hại nặng nề nhất là Trà Vinh (chiếm gần 36% diện tích), Sóc Trăng (gần 30% diện tích)… Đáng lo ngại, tôm bị chết vì dịch bệnh hiện đã vượt ra khỏi phạm vi các tỉnh ĐBSCL và lan rộng ra cả khu vực miền Trung và cả các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng. Trong khi đó, công tác nghiên cứu xác định nguyên nhân gây ra dịch bệnh, với sự vào cuộc của hàng loạt các viện nghiên cứu tới thời điểm này vẫn gần như dậm chân tại chỗ trước “mê cung” những nghi vấn. Tại cuộc họp cuối tuần qua, có hai luồng quan điểm nhận định về nguyên nhân gây bệnh, một hướng nghi do tác nhân hóa học và điều kiện tự nhiên (như hóa chất, tảo độc, nhiệt độ…), một hướng lại nghi bệnh do có tác nhân sinh học (như vi khuẩn, virus…). Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ đang dừng lại ở… nghi vấn mà thôi! Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, diễn biến dịch từ các tỉnh ĐBSCL lan rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc cho thấy dịch đang có dấu hiệu lay lan. Vì vậy nhiều khả năng có thể bệnh có liên quan đến yếu tố sinh học. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào đủ bằng chứng chứng minh điều này.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (NTTS) hiện vẫn mới chỉ dừng lại ở việc “nghi” bệnh xuất phát từ nguồn tôm giống và tôm bố mẹ. Vì vậy, Viện này báo cáo hiện vẫn đang loay hoay nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật ở các trại giống và làm mô hình tôm giống sạch bệnh để thực hiện thí nghiệm đối chứng. Ở phía Bắc, Viện Nghiên cứu NTTS I thì cho biết, hiện mới chỉ xác định được chính xác tôm tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng chết do hội chứng hoại tử gan tụy, chứ nguyên nhân vì sao gây ra hoại tử gan tụy thì Viện chưa có câu trả lời. Viện Nghiên cứu NTTS III đóng tại trung tâm vùng dịch ở ĐBSCL thì khẳng định, thời gian qua đã xét nghiệm để truy tìm 5 loại virus, 3 loại vi khuẩn liên quan đến gan tụy của tôm và xét nghiệm tìm kiếm các loại tảo độc trong nước của ao nuôi, nhưng kết quả là… không tìm thấy gì! Vì vậy, Viện này cho rằng, nhiều khả năng tôm chết do yếu tố tự nhiên liên quan đến hóa chất, nhiệt độ và điều kiện ao nuôi. Đại diện tổ nghiên cứu của Viện này nghi vấn: “Tại nhiều ao có tôm bị bệnh tại Khánh Hòa, chúng tôi đo được nhiệt độ nước ở độ sâu 40 cm (nơi tôm hay ở) có nơi lên tới 380c. Với nhiệt độ cao như vậy, rất có thể bùn đáy sẽ có nhiều phân hủy tạo ra các chất độc hại. Vì vậy, sắp tới chúng tôi lấy bùn đáy ở các ao có tôm bị bệnh về nghiên cứu trong điều kiện nhiệt độ trên 340c xem như thế nào”. Trước sự lúng túng và chậm trễ trong việc xác định nguyên nhân gây bệnh của các viện nghiên cứu, Bộ trưởng Cao Đức Phát hết sức lo lắng: “Các viện nghi ngờ tôm bị bệnh do Cypermethrin, nhưng Cypermethrin từ đâu ra thì chưa ai trả lời được. Còn nhận định tôm chết vì nguyên nhân sinh học, do virus vi khuẩn, thì tại sao các anh không thử đưa tôm bị bệnh đang ngắc ngứ sắp chết thả vào ao tôm khỏe xem nó có lây bệnh cho tôm khỏe hay không? Ngay cả trong con tôm bị bệnh có sự hiện diện những loại virus, vi khuẩn nào, trong nước ao tôm bị bệnh có những hoạt chất hóa học gì, đến giờ cũng chưa biết…”. Trước băn khoăn này của Bộ trưởng Phát, ông Trương Nam Hải - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hiến kế: Hiện tại, Viện Công nghệ sinh học hoàn toàn có khả năng phát hiện và xác định được toàn bộ các sinh vật và hoạt chất hóa học tồn tại trong bất kỳ mẫu tôm hay mẫu nước. Vì vậy, chỉ cần bên ngành thủy sản cung cấp được bộ mẫu tôm sạch bệnh theo tiêu chuẩn làm đối chứng, Viện Công nghệ sinh học sẽ tiến hành phân tích toàn bộ các sinh vật (trong đó có virus, vi khuẩn…) của tôm bị bệnh, sau đó so sánh với các sinh vật tồn tại trong tôm khỏe mạnh (theo chuẩn của ngành thủy sản). Theo cách này, những sinh vật nào khác biệt nào tồn tại trên tôm bị bệnh mà không tồn tại trên tôm khỏe mạnh thì chắc chắn sẽ là những đối tượng nghi vấn gây bệnh. Theo ông Hải, công việc này có thể sẽ phải mất ít nhất một tháng mới có thể hoàn tất. Đau đầu với Cypermethrin Xung quanh nghi vấn về nguyên nhân gây bệnh làm chết tôm do Cypermethrin gây ra, ông Nguyễn Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu nước của ao nuôi tôm tại các tỉnh phía Nam do của Viện này thực hiện trong thời gian qua cho thấy, nồng độ Cypermethrin giao động phổ biến từ 0,016 đến 0,032 ppb (phần tỉ). Trong khi đó, các thí nghiệm cho thấy, với nồng độ Cypermethrin trong nước đạt 0,05 ppb thì tôm bị chết ngay lập tức.Tuy nhiên theo ông Sơn, đây chỉ là thí nghiệm “knock out”, nghĩa là mới chỉ xác định được nồng độ Cypermethrin làm tôm chết ngay lập tức, còn dưới mức 0,05 ppb, việc xác định giới hạn nồng độ tối đa cho phép (MRL) là bao nhiêu thì có thể ảnh hưởng gây bệnh hoặc chết lâm sàng cho tôm thì rất khó xác định và cần phải nghiên cứu rất lâu. Điều này ngay cả nhiều nước hiện đại hiện nay cũng chưa có nghiên cứu cụ thể về MRL đối với tôm là bao nhiêu. Về giải pháp trước mắt, ông Sơn đề xuất giải pháp sẽ tiến hành các biện pháp xử lí môi trường tại các vùng nuôi tôm để hạ nồng độ Cypermethrin xuống mức thấp nhất có thể. Giải pháp xử lí hạ nồng độ các hóa chất trong môi trường hiện nay Viện Môi trường nông nghiệp đã từng thực hiện thành công tại nhiều địa phương nên điều này là hoàn toàn khả thi. Cũng theo kiến nghị của ông Sơn, để thúc đẩy nhanh việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh, cần phải thành lập các phòng thí nghiệm dã chiến ngay tại các vùng tôm bị dịch bệnh để thuận tiện cho việc điều tra lấy mẫu làm xét nghiệm. Đồng thời, vị này kiến nghị thành lập nhóm nghiên cứu chung, có sự tham gia chung của các chuyên gia của các viện nghiên cứu nhằm trao đổi và thảo luận thông tin thường xuyên, tránh tình trạng mỗi nơi nghiên cứu riêng một nẻo rất kém hiệu quả như thời gian qua.
|