Chị Nguyễn Thị Sen ở xóm 4 (Nam Lĩnh) kể: “Cha lẫn mẹ bị mất do bệnh ung thư. Năm 2009, thấy trong người mệt mỏi, ho kéo dài, tôi đi khám thì bác sỹ kết luận đã bị ung thư phổi. Tôi mong Nhà nước có biện pháp xử lý thật triệt để, để bà con trong xóm không phải tiếp tục chịu nỗi đau như gia đình tôi nữa”. Nhiều hộ dân khác trên địa bàn cũng gặp bất hạnh vì những căn bệnh nan y. Cả hai cha con ông Nguyễn Đình Cần (sống liền kề với khu vực bị ô nhiễm thuốc BVTV) đều đã chết vì ung thư dạ dày, người con gái út của ông hiện cũng đang phải điều trị ở Hà Nội vì suy thận. Hay ông Đinh Xuân Lý có một đứa con trai bị chết do bị tai biến não... Nhiều người khác lại đang phải chống chọi với những căn bệnh như: tiểu đường, suy gan, suy thận. Cùng với đó, hàng trăm m2 đất bị ô nhiễm đã khiến việc sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi của bà con trong vùng luôn phải chịu những thiệt hại nặng nề.
Năm 2011, tỉnh đã tiến hành xử lý được trên 350 m2 đất bị ô nhiễm thuốc BVTV tại Nam Lĩnh. Tuy nhiên, trên địa bàn xóm 4 vẫn còn trên 400 m2 đất bị ô nhiễm nghiêm trọng do tồn dư của kho thuốc BVTV. Phương pháp sử dụng công nghệ “ô xi hóa cải tiến” của Viện KHKTNN Việt Nam được coi là một bước đột phá trong xử lý triệt để vấn đề này. Đây là phương pháp sử dụng công nghệ “ô xi hóa cải tiến”, các cán bộ kỹ thuật của Viện khoa học KT nông nghiệp VN đã đào sâu xuống 2,5m, sử dụng khoảng 10 tấn dung môi và chất ô xy hóa khử để xử lý ô nhiễm. Kết quả đạt được rất khả quan, với tỷ lệ an toàn trên đất đạt 99%. Theo ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện KHKTNN VN: Đây là một công nghệ khả thi nhất mà chúng ta có thể sử dụng để xử lý tồn dư thuốc BVTV trong thời điểm hiện tại. Thực tế, “điểm nóng” về ô nhiễm ở xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn đã được xử lý an toàn, góp phần quan trọng đảm bảo đời sống dân sinh và phục hồi quá trình sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Trên địa bàn huyện Nam Đàn, hiện có đến 7 điểm ô nhiễm nghiêm trọng được phát hiện, chưa kể đến một số điểm kho chứa phân bón, thuốc BVTV lâu năm của các HTX Nông nghiệp cũng đang từng ngày đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân. Ông Đinh Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cho biết: “Việc xử lý thành công ô nhiễm ở kho thuốc BVTV ở xóm 4 (Nam Lĩnh) đã giúp người dân yên tâm hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong tập trung chỉ đạo giải quyết các điểm ô nhiễm trên địa bàn. Tuy nhiên, với nhiều “điểm nóng” như hiện nay, để lây lan ô nhiễm, cải thiện môi trường sống và sản xuất cho người dân, chúng tôi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước”.
Thông tin từ Chi cục BVTV tỉnh cho biết, trên địa bàn Nghệ An hiện có 913 địa điểm bị ô nhiễm chứa thuốc BVTV, trong đó có tới 165 điểm có khả năng gây ô nhiễm rất cao, thuộc những địa điểm tồn dư nhiều loại hóa chất BVTV có độc tính cao, với lượng chứa khoảng 2 tấn/kho/năm, thời gian lưu chứa dài và thuốc bị đổ vỡ lớn, gần khu vực dân cư sinh sống.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh ta đã xây được các tường bao, xây các hố chôn lấp tạm thời bằng các bể xi măng hoặc lót bạt để tránh thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, đồng thời xây các lò đốt hai cấp có kiểm soát khí độc tại các điểm ô nhiễm thuốc BVTV. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm. Trong điều kiện đó, phương pháp xử lý ô nhiễm thuốc BVTV bằng “Công nghệ ô xi hóa cải tiến” của Viện KHKTNN Việt Nam được thực hiện thành công tại Nam Đàn mới đây thực sự là một hướng mở quan trọng, giúp tỉnh ta sớm giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm thuốc BVTV trên địa bàn.