Ô nhiễm phân bón trong nông nghiệpNhu cầu xã hội ngày càng phát triển cao đòi hỏi con người ngày càng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tăng năng suất sản lượng sản phẩm. Những hoạt động nhằm mục đích kinh tế của con người là nguyên nhân cơ bản làm ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp nhiều và không hợp lý đã làm cho môi trường ngày càng xấu đi. Ở nước ta, hàng năm sản xuất hàng triệu tấn phân lân từ các nhà máy lớn (Supephotphat Lâm Thao, Long Thành, Đồng Nai, Văn Điển và Ninh Bình). Dự báo đến năm 2015, lượng phân bón sử dụng ở nước ta sẽ trên 3,5 triệu tấn. Trong nguyên liệu sản xuất phân lân có chứa 3% Flo. Khoảng 50 - 60% lượng Flo này nằm lại trong phân bón. Khi bón nhiều phân lân sẽ làm tăng hàm lượng Flo trong đất và sẽ làm ô nhiễm đất khi hàm lượng của nó đạt tới 10 mg/1kg đất. Trong các chất thải của nhà máy sản xuất phân lân có chứa 96,9% các chất gây ô nhiễm mà chủ yếu là Flo. Flo trong đất sẽ được tích lũy bởi thực vật, Flo gây độc cho người và gia súc, kìm hãm hoạt động của một số enzyme, ngăn quá trình quang hợp và tổng hợp protein ở thực vật. Khi bón đạm cho cây trồng, cây chỉ sử dụng được 40 - 60%, phần còn lại nằm trong đất và gây ô nhiễm đất. Các nhà nghiên cứu về dinh dưỡng cây trồng thường nói đến ảnh hưởng xấu của hàm lượng nitrat quá cao trong nông sản có thể gây ung thư. Việc bón thúc đạm sẽ làm cho hàm lượng nitrat tích lũy trên mặt đất và làm giảm chất lượng nước. Khi bón đạm cho cây trồng từ phân khoáng và phân hữu cơ thì sẽ có một lượng khí thải đưa vào không khí. Trước hết là khí NH3 làm ô nhiễm môi trường không khí, ngoài ra còn khí NO2 làm ảnh hưởng đến tầng ôzôn, thường số lượng khí N2O sản sinh ra từ phân bón là 15%. Khi trong sản phẩm có chứa nhiều đạm, nhất là không cân đối thì đạm sẽ chuyển từ NH4- sang NO3-. Đặc biệt hàm lượng NO3- tồn dư trong các loại rau rất cao, nguyên nhân là do sử dụng không hợp lý liều lượng và tỷ lệ phân đạm vô cơ và hữu cơ bón cho cây, phương thức bón không đúng do chạy theo lợi nhuận, bón thúc trễ, sát với thời điểm thu hoạch, sử dụng nguồn nước tưới có hàm lượng NO3- rửa trôi cao. Ngoài ra, hiện tượng thừa đạm sẽ làm cho bộ phận của cây, nhất là các cơ quan sinh trưởng sẽ phát triển mạnh, tạo thêm nguồn thức ăn cho nhiều loài vi sinh vật gây hại. Đạm thừa làm cho vỏ tế bào cây trở nên mỏng, tạo điều kiện dễ dàng cho một số loài vi sinh vật gây bệnh xâm nhập, kích thích một số loài vi sinh vật trong đất xâm nhập vào rễ và gây hại cho cây. Sâu bệnh xuất hiện nhiều làm số lần phun thuốc tăng theo cũng làm ô nhiễm môi trường. Các loại phân hóa học do nguồn nguyên liệu và quá trình sản xuất có khi chứa các loại kim loại nặng, các kim loại này được cây trồng hấp thụ và tích lũy trong sản phẩm. Người và gia súc dùng sản phẩm chứa các kim loại này lâu ngày sẽ bị nhiễm độc. Phân vô cơ có nhiều tác dụng, đó là yếu tố thật cần thiết cho thâm canh tăng năng suất, thiếu phân vô cơ sẽ không thể cho năng suất cây trồng cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng đúng kỹ thuật vì hầu hết các trường hợp gây ra hậu quả không tốt do phân bón là do sử dụng không đúng kỹ thuật. Trong phân chuồng, phân bắc chưa hoai mục có chứa nhiều mầm bệnh cho người và gia súc và còn có thể gây hại cho rễ cây vì thế bón phân chuồng khi chưa hoai mục sẽ phản tác dụng. Vì thế hệ hôm nay và mai sau, vì sức khỏe và phồn vinh của loài người. Trong sản xuất chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng. Không nên vì lợi ích trước mắt mà làm cho thien nhiên nghèo đi, môi trường sống của cả cộng đồng bị ô nhiễm./. Trần Văn Hiến Viện lúa ĐBSCL |