Kinh nghiệm từ chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường của Nhật BảnTrong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh đã làm cho Nhật Bản phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường như: Ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, không khí... Điều đó buộc các nhà quản lý môi trường của Nhật Bản phải sớm tìm kiếm các giải pháp về chính sách, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, mà vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Với mục đích chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác quản lý môi trường, Tạp chí Môi trường xin giới thiệu bài viết của bà Aki Nakauchi, Cục Sức khỏe môi trường (Bộ Môi trường Nhật Bản) vê các chính sách kiểm soát ô nhiêm môi trường của Nhật Bản Tại Nhật Bản, trong giai đoạn từ 1950 - 1960, Với sự phát triển quá nhanh của các ngành nghề sản xuất công nghiệp đã làm gia tăng những gánh nặng đối với môi trường, dẫn đến môi trường sống bị suy thoái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển của đất nước. Nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ Nhật Bản coi trọng sự phát triển kinh tế hơn là đảm bảo sức khỏe người dân và môi trường sống trong lành. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và nước ngày càng gia tăng, gây ra nhiều căn bệnh như: Bệnh hen suyễn do bị ô nhiễm không khí từ khói của các khu công nghiệp (KCN) dầu khí; Bệnh Minamata (bệnh nhân có biểu hiện chân tay bị liệt hoặc run lẩy bẩy, tai điếc, mắt mờ) do nhiễm độc thủy ngân từ nhà máy hóa chất... Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, BVMT; Giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm (KSON) và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; Giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng. Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là: "Không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm, mà phải tính toán ngay từ đầu làm sao để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất".
Thiết lập khung pháp lý và cơ quan quản lý môi trường
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, KSON nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại. Đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, KSON môi trường. Năm 1967, Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về KSON môi trường, trong đó đưa ra các quy định về kế hoạch KSON, các tiêu chuẩn môi trường và hệ thống kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm. Đến năm 1971, Bộ Môi trường Nhật Bản được thành lập nhằm thúc đẩy công tác quản lý KSON và bảo tồn thiên nhiên của đất nước. Bộ Môi trường Nhật Bản, thuộc Chính phủ Nhật Bản chịu trách nhiệm quy hoạch, điều phối và thúc đẩy các chính sách và kế hoạch môi trường quốc gia, phối hợp với chính quyền các địa phương thi hành các bộ luật quốc gia trong lĩnh vực KSON không khí, nước và đất, chống tiếng ồn, kiểm soát mùi và các bộ luật về bảo tồn thiên nhiên.
Năm 1972, Luật Bảo tồn thiên nhiên đã chính thức được ban hành nhằm ngăn chặn sự phá hủy môi trường tự nhiên. Những bộ luật trên đã đạt được những thành công nhất định trong việc giải quyết những vấn đề môi trường của Nhật Bản tại thời điểm đó và là cơ sở cho Luật Môi trường cơ bản được ban hành vào năm 1993, trong đó đã đưa ra Hệ thống kiểm soát ô nhiễm (KSON). Hệ thống KSON bao gồm các chính sách và quy định về KSON không khí, KSON nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; Những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; Các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm...
Hệ thống KSON
Trong Hệ thống KSON, quy định về KSON không khí (Luật KSON không khí) tập trung vào 3 nội dung chính: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí; Các tiêu chuẩn và quy định phát thải (Tiêu chuẩn quốc gia đồng nhất về phát thải; các tiêu chuẩn khác về phát thải chặt chẽ hơn của địa phương); Tổng tải lượng ô nhiễm ở các thành phố. Luật KSON không khí đã đưa ra các tiêu chuẩn phát thải, tiêu chuẩn kiểm soát tổng lượng phát thải, tiêu chuẩn về xây dựng, về đường biên và tiêu chuẩn đối với các nồng độ trong môi trường không khí (SO2; NO2; bụi thông thường, bụi đặc thù...). Đồng thời, Luật còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ô nhiễm không khí nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động (trong giao thông), quy định về các phương tiện vận tải chạy trên đường.
Bên cạnh đó, ô nhiễm nước cũng tạo ra những áp lực không nhỏ đối với môi trường, với hàng loạt các nhà máy sản xuất điện từ than ra đời, các nhà máy sản xuất công nghiệp, đe dọa các hệ thủy sinh và phá hủy cảnh quan thiên nhiên. Vì thế, việc ra đời Luật KSON nước là rất quan trọng, giúp hoạt động quản lý môi trường nước đi vào nề nếp. Luật KSON nước chính thức được thông qua vào năm 1970. Luật bao gồm các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nước, quy định cho các nhà máy và hệ thống kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm tại các ao hồ, sông suối, biển. Cùng với đó là các phương pháp cụ thể cho những khu vực nước đặc thù, trong đó bao gồm: Biện pháp bảo tồn chất lượng nước của các hồ được lựa chọn; Biện pháp bảo tồn môi trường cho khu vực biển Seto Inland; Biện pháp cải tạo vùng biển Ariake và Yatsushiro. Luật KSON nước của Nhật Bản tập trung vào 3 vấn đề: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước; Tiêu chuẩn và quy định phát thải; Kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm. Trong đó, Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước (với 37 chỉ tiêu), bao gồm: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước liên quan đến bảo vệ sức khỏe con người (với 27 chỉ tiêu: các kim loại nặng, chất hữu cơ khó phân hủy và chất hóa học nguy hại như thủy ngân, cyanua); Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước liên quan đến BVMT sống (với 10 chỉ tiêu: COD, BOD, ôxy hòa tan, tổng nitơ, tổng phất pho...).
Tại Nhật Bản, Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước có thể xem là một mục tiêu quản lý nhà nước, quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước công cộng, đồng thời, được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ở ao, hồ, sông. Trong đó, ô nhiễm nước có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế của ô nhiễm. Mục đích của kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm là bảo vệ chất lượng nước tương ứng với tình hình sử dụng nước của vùng nước. Các biện pháp cải thiện chất lượng nước có thể được phân thành 2 loại: (1). Những biện pháp giảm lượng phát thải tải lượng ô nhiễm tại vùng nước (biện pháp nguồn phát thải); (2). Những biện pháp lọc ngay tại khu vực ô nhiễm nước đang tiến triển và lọc tải ô nhiễm đã được thải ra trong vùng nước đối tượng (biện pháp lọc trực tiếp). Nước thải công nghiệp từ các nhà máy, cơ sở kinh doanh hay các trại chăn nuôi quy mô lớn được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải. Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải mà trong đó có quy định về nồng độ của tải ô nhiễm chứa trong nước thải. Ví dụ, chỉ cần đo nồng độ nước thải của một cơ sở kinh doanh là có thể xác định ngay cơ sở đó có tuân thủ quy chế hay không. Các nguồn phát sinh ô nhiễm được phân loại tùy theo việc có xác định được địa điểm phát sinh hay không. Việc thực hiện biện pháp nguồn phát thải bao gồm xử lý nước thải để giảm tải ô nhiễm và giảm lượng sử dụng nguyên liệu, vật liệu chứa tải ô nhiễm... Những biện pháp làm sạch trực tiếp có thể thực hiện gồm có nạo vét (trực tiếp loại bỏ tải ô nhiễm tích tụ ở đáy vùng nước), sử dụng đất lầy và bãi triều, sục khí (sục oxy hoặc không khí vào trong vùng nước) và bơm nước vào để lọc (nước được bơm vào từ một hệ thống nước khác chưa bị ô nhiễm).
Tổng lượng phát thải (TLPT) chất ô nhiễm là một hệ thống, hướng tới việc đảm bảo phát triển và BVMT bằng cách thực hiện các biện pháp giảm tải phát thải một cách hiệu quả. TLPT hướng đến việc giảm tổng tải lượng ô nhiễm và tập trung vào biện pháp nguồn phát thải. Việc thực hiện các biện pháp nguồn phát thải sẽ phát sinh ra các loại chi phí như phí lắp đặt, phí vận hành cơ sở xử lý nước thải. Do đó, nếu chỉ dựa vào ý thức tự giác, chủ động thực hiện của các nguồn gây ô nhiễm thì có thể sẽ không thực hiện được đầy đủ những biện pháp cần thiết. Vì vậy, cần phải có các giải pháp mang tính tổng thể khác như các chính sách, pháp luật và các biện pháp của các cơ quan quản lý được triển khai.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường đất, Nhật Bản đã ban hành Luật ngăn ngừa ô nhiễm đất tại vùng đất nông nghiệp. Luật đã đưa ra các biện pháp đặc biệt nhằm quản lý tài chính quốc gia cho việc ngăn ngừa ô nhiễm và quy định về trách nhiệm của các công ty vận hành, chi phí vận hành; Các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm, cũng như các biện pháp xử lý ô nhiễm; Xây dựng hệ thống xử lý đất ô nhiễm dựa vào "Luật về các biện pháp đặc biệt đối với dioxin", trong đó bao gồm: Xác định biện pháp KSON dioxin; Kế hoạch tẩy độc đất nhiễm dioxin.
Bên cạnh một hệ thống chính sách KSON nghiêm ngặt, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhân dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Tại Nhật, có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về BVMT, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.
TCMT 10/2012
|