Hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắnThu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải rắn (CTR) đang trở thành một bài toán khó đối với các nhà quản lý môi trường hiện nay. Nhằm khắc phục những khó khăn và giải quyết các vấn đề liên quan CTR, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thì cần phải có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành và cộng đồng. Gánh nặng kép đối với môi trường Ở nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 28 triệu tấn CTR thông thường phát sinh chủ yếu trong sinh hoạt của người dân, trong công nghiệp, nông nghiệp và y tế. CTR gồm có hai loại. CTR thông thường gồm các loại rác thải như: rác thực phẩm; vật liệu xây dựng; giấy; vải; thủy tinh; kim loại; lá cây... CTR nguy hại gồm các loại rác thải là đồ điện tử; túi ni-lông; bao bì thuốc bảo vệ thực vật; kim loại nặng; bao bì đựng hóa chất độc hại; hóa chất; phóng xạ. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết: CTR nguy hại có chủ yếu ở một số lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, y tế... CTR nguy hại trong công nghiệp chiếm 18% trên tổng số gần bảy triệu tấn/năm. CTR công nghiệp thường tập trung ở các khâu chế biến lương thực, thực phẩm; khai thác khoáng sản; công nghiệp hàn đóng vỏ tàu; nhiệt điện; chế biến dầu khí... CTR nguy hại trong nông nghiệp thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất của người nông dân khi sử dụng các loại phân bón, nhất là thuốc bảo vệ thực vật..., các vỏ chai, bao bì đựng các hóa chất không được thu gom, lưu giữ đúng cách mà thường bị vứt bỏ tại các bờ ruộng, góc vườn sau khi sử dụng. CTR nguy hại trong lĩnh vực y tế chiếm từ 23% đến 25% trên tổng số 2,2 triệu tấn/năm. CTR phát sinh tại các cơ sở y tế và chủ yếu là chất thải phóng xạ, chất thải hóa học... Dự báo trong những năm tới, CTR phát sinh tiếp tục gia tăng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm cả về số lượng và mức độ độc hại, trong đó có khoảng 46% CTR phát sinh từ khu vực đô thị, 17% CTR từ công nghiệp... Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra rất nhanh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân tăng lên đã làm cho CTR ở khu vực đô thị tăng từ hai đến ba lần so khu vực nông thôn, đây là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng và sự phát triển bền vững đối với khu vực này. Ðối với khu vực nông thôn, CTR chủ yếu phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, trường học, bệnh viện, tuy nhiên các CTR khu vực này thường có tỷ lệ chất hữu cơ cao từ các nguồn thải thực phẩm, chất thải vườn, chiếm đến 60% chất thải sinh hoạt gia đình, cho nên dễ phân hủy hơn so các CTR ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý và tiêu hủy CTR ở khu vực nông thôn chủ yếu là chôn lấp, song quá trình thực hiện không tuân thủ theo quy định, không bảo đảm vệ sinh cho nên môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm khá trầm trọng. Thực tế cho thấy, hoạt động phân loại CTR tại nguồn hiện nay còn hạn chế, do điều kiện cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị, phương tiện thu gom CTR không đạt quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm vệ sinh môi trường, cũng như ý thức của người dân đối với việc phân loại chất thải, nhất là đối với khu vực nông thôn gần như chưa thực hiện. Chính vì vậy, dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí do tác động của nhiệt độ, độ ẩm, các vi sinh vật trong quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong CTR gây ra các mùi hôi, thối, cũng như việc đốt rác cũng làm phát sinh khói, tro bụi và các mùi khó chịu có trong CTR như: các hợp chất chứa Clo, Flo, lưu huỳnh, ni-tơ... Trong khi đó, ở nhiều khu vực dân cư, CTR được thải trực tiếp xuống các kênh, rạch, ao, hồ, sông, suối đã làm tắc nghẽn dòng chảy, giảm diện tích tiếp xúc của nước với không khí gây nên các mùi hôi nồng nặc, các thủy sinh vật trong nguồn nước bị suy thoái làm biến đổi mầu của nước. Sự ô nhiễm môi trường do quản lý CTR không tốt, xử lý CTR không hợp vệ sinh đã gây ra những tác động tổng hợp tới môi trường sống, sức khỏe và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ô nhiễm môi trường từ không khí, từ nguồn nước, từ đất đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản của người dân ở các vùng lân cận, cũng như làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng, nhất là đối với người dân sống gần các làng nghề, khu công nghiệp, bãi chôn lấp rác thải... Một điều đáng lo ngại, do CTR các kim loại nặng, chất hữu cơ khó phân hủy, do vậy các chất này có khả năng tích lũy sinh học trong nông sản, thực phẩm, trong tế bào động vật, nguồn nước tồn tại bền vững trong môi trường gây ra một số bệnh nguy hiểm cho con người như: vô sinh, quái thai, dị tật ở trẻ sơ sinh, tác động lên hệ miễn dịch gây ra các bệnh tim mạch, bệnh ung thư... Cần một giải pháp toàn diện Trong những năm qua, công tác quản lý CTR đã nhận sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước được thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật quản lý CTR trong các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 1994, sửa đổi năm 2005. Nguồn vốn đầu tư hằng năm cho công tác quản lý CTR lên đến hàng nghìn tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn viện trợ ODA. Thực tế cho thấy, các thể chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý CTR ở nước ta đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chồng chéo... Các hoạt động phân loại CTR tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm, do cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích sự tham gia của người dân vào các hoạt động phân loại tại nguồn. Nhiều địa phương, việc thu gom, vận chuyển chất thải chưa được thực hiện quy củ và nghiêm túc. Công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, các chế tài quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường đối với CTR chưa đủ sức răn đe... Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Ðến năm 2015, có 85% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường, trong đó 35% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ (mục tiêu đến năm 2025 là 100%). Có 60% tổng lượng CTR nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó 70% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế (mục tiêu đến năm 2025 là 100%). Có 40% lượng CTR phát sinh tại điểm dân cư nông thôn và 50% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường (mục tiêu đến năm 2015 là 90% đối với dân cư nông thôn, 100% đối với các làng nghề)... Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách về quản lý CTR, trong đó tập trung vào việc ban hành các quy định và chính sách khuyến khích việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái thải, nhất là giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông và tái chế chất hữu cơ. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị định số 59/NÐ-CP ngày 9-4-2007 của Chính phủ về việc quản lý CTR, cũng như ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực quản lý CTR tại địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các đơn vị vi phạm trong quản lý CTR, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về quản lý tổng hợp CTR và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý CTR từ các nguồn ngân sách nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cũng như các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ hiệu quả việc quản lý tổng hợp CTR, trong đó ưu tiên việc nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý chất thải, tái chế, tái sử dụng phù hợp điều kiện của các địa phương, từng lĩnh vực cụ thể nhằm góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. ND |