Sớm loại bỏ kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi: Nhiều nước đã cấmEU, Hàn Quốc đã cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Mỹ cũng đang xem xét việc này. Trong khi đó, ở nước ta, nhiều loại kháng sinh vẫn đang được trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm, trong đó, có những loại mà nhiều nước đã sớm ra lệnh cấm trước khi cấm toàn bộ các loại kháng sinh. Xu hướng cấm trên thế giới Từ những năm 50 của thế kỷ trước, kháng sinh đã bắt đầu được trộn vào TĂCN. Công bằng mà nói, việc trộn kháng sinh vào TĂCN đã có tác dụng nhất định trong việc làm tăng khả năng sinh trưởng, khả năng sinh sản, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, giữ thể trạng vật nuôi được tốt... Thế nhưng, việc sử dụng TĂCN có trộn kháng sinh trong một thời gian dài có thể đem lại những hậu quả khôn lường tới sức khỏe con người. Mà điển hình là tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Trước nguy cơ đó, từ năm 1986, Thụy Điển đã trở thành nước tiên phong trên thế giới trong việc cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN. Theo đó, Chính phủ nước này đã cấm sử dụng tất cả các loại kháng sinh làm chất kích thích sinh trưởng trong thức ăn cho lợn. 9 năm sau, Đan Mạch bắt đầu vào cuộc khi nhận thấy sự gia tăng việc vi khuẩn Enterrococci (liên cầu đường ruột) kháng thuốc Avoparcin ở những trang trại gà, lợn có sử dụng thức ăn trộn Avoparcin, bằng cách cấm sử dụng loại kháng sinh này trong sản xuất TĂCN. Sau đó, Chính phủ Đan Mạch đã kêu gọi các nhà sản xuất TĂCN không trộn kháng sinh vào các loại thức ăn dành cho lợn từ 30 kg trở lên. Chưa dừng ở đó, năm 1998, những người chăn nuôi lợn, gia cầm ở Đan Mạch cùng thống nhất với nhau sẽ không còn sử dụng các loại thức ăn có bổ sung kháng sinh là chất kích thích sinh trưởng. Cũng trong năm này, Chính phủ Đan Mạch cấm trộn tất cả các loại kháng sinh vào TĂCN. Một số nước khác thuộc EU cũng học theo Thụy Điển và Đan Mạch. Năm 1997, Đức đã ra quyết định tạm thời cấm kháng sinh Avoparcin trong thức ăn của tất cả các vật nuôi. Cũng vào năm 1997, Phần Lan đã đưa ra các thông tin khoa học về mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người khi sử dụng các kháng sinh Tylosin và Spiramycin trong TĂCN. Cuối năm 1998, EU đã cấm 10 loại kháng sinh dùng trong TĂCN, gồm: Spiramycin, Tylosin Phosphate, Virginiamycin, Bacitracin zinc, Flavophospholipol, Avilamycin, Monensin, Salinomycin, 2N-dioxides Carbadox và Olaquindoc. Đi xa hơn nữa, năm 1999, Thụy Điển đã đề nghị Ủy ban châu Âu cấm đưa vào TĂCN hầu hết các loại kháng sinh, các loại thuốc và chất kích thích sinh trưởng bổ sung. Cũng trong năm đó, Ủy ban điều phối khoa học của châu Âu đã đưa ra khuyến cáo nên sớm hạn chế sử dụng việc bổ sung vào TĂCN đối với tất cả các loại kháng sinh thuộc nhóm điều trị cho người và vật nuôi, để tiến tới loại bỏ hoàn toàn khỏi TĂCN. 4 năm sau, vào ngày 23/7/2003, Ủy ban An toàn thực phẩm của EU đã ban hành lệnh cấm sử dụng tất cả các loại kháng sinh dùng làm chất kích thích sinh trưởng trong TĂCN. Lệnh này đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2006. Kháng sinh đã trộn sẵn vào thức ăn từ nhà máy nên người chăn nuôi không thể tuân thủ quy định ngưng sử dụng kháng sinh trước khi xuất chuồng Ở nhiều nước ngoài khu vực EU, việc cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN đang ngày càng trở thành một xu thế tất yếu. Trước năm 2005, Hàn Quốc cho phép sử dụng 44 loại kháng sinh trộn vào TĂCN. Năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc đã cấm sử dụng 7 loại kháng sinh trong TĂCN, gồm: Penicillin, Neomycin, Chlotetracycline, Colistin, Oxytetracycline, Lincomycin và Bacitracin zinc. Mỹ tuy bị coi chậm chân so với nhiều nước khác trong việc cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN, nhưng cũng đã loại ra khỏi danh mục nhiều loại kháng sinh, hóa chất từng được sử dụng khá phổ biến trước đây trong ngành công nghiệp TĂCN nước này như Roxarsone. Năm ngoái, Tòa án Liên bang Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phải xem xét ban hành lệnh cấm sử dụng nhiều loại kháng sinh trong TĂCN, bởi từ năm 1977, Chính phủ Mỹ đã cho biết rằng có một mối đe dọa tiềm năng tới sức khỏe con người do tình trạng sử dụng kháng sinh rộng rãi trong chăn nuôi khiến cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc kháng sinh. Sử dụng lộn xộn Ở nước ta, hiện nay, nhiều loại kháng sinh vẫn đang được phép sử dụng trong sản xuất TĂCN. Trong đó, có những loại kháng sinh mà nhiều nước đã sớm cấm sử dụng, trước khi cấm toàn bộ các loại khác sinh, như Salinomycin, Bacitracin zinc, Virginiamycin, Tylosin phosphate, Lincomycin, Chlortetracycline, Oxytetracycline... Ngoài ra, nhiều loại hóa chất đã bị cấm sử dụng trong sản xuất TĂCN ở nhiều nước như Roxarsone, Tartrazine (chất tạo màu)... vì tính độc hại của chúng, hiện vẫn đang được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất TĂCN ở nước ta. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, sở dĩ kháng sinh vẫn đang được phép trộn vào TĂCN, là vì điều kiện chăn nuôi ở nước ta còn thấp, dịch bệnh xảy ra liên miên. Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, nếu còn cho phép sử dụng kháng sinh trộn vào TĂCN thì phải có giới hạn về tỷ lệ pha trộn, về thời gian ngưng sử dụng trước khi xuất chuồng. Ông Lịch nói: “Ở những nước vẫn còn cho trộn một số loại kháng sinh vào TĂCN, người ta có quy định cụ thể là 3 hay 7 ngày trước khi xuất chuồng phải ngưng sử dụng thức ăn đó. Ở nước ta hình như chưa có quy định này”. Thực ra ở nước ta, cũng đã có quy định về thời gian ngưng sử dụng trước khi xuất chuồng, nhưng mới chỉ có 1 loại kháng sinh được quy định là BMD (Bacitracin Methylene-Disalicylate). Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia TĂCN – hàm lượng kháng sinh, hóa dược, vi sinh vật và kim loại nặng tối đa cho phép trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn, do Bộ NN-PTNT ban hành năm 2009, thời gian ngưng sử dụng đối với loại kháng sinh này là 5 ngày. Trong khi đó, các loại kháng sinh khác mà nhiều nước đã cấm sử dụng trước khi cấm toàn bộ kháng sinh, như Virginiamycin, Tylosin phosphate, Lincomycin, Chlortetracycline, Oxytetracycline, lại không hề có quy định về thời gian ngưng sử dụng. Mặt khác, theo phản ánh của một số chủ trại chăn nuôi, dẫu có quy định ngày ngưng sử dụng thì... cũng như không. Ông Nguyễn Xuân Hòa, chủ trại heo ở ấp Dốc Mơ 3 (Gia Tân 1, Thống Nhất, Đồng Nai), lắc đầu: “Nhà sản xuất TĂCN đã trộn sẵn kháng sinh vào thức ăn rồi thì ngưng sao được. Ngưng cho ăn thì con heo chết đói à? Nếu là kháng sinh do nông dân chúng tôi tự trộn vào thức ăn, hay kháng sinh dùng điều trị cho con heo, thì chúng tôi còn ngưng được việc dùng kháng sinh 5 hay 7 ngày gì đó trước khi xuất bán. Chứ kháng sinh đã trộn sẵn từ nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thì đành chịu thôi”. Một điều rất đáng lo ngại là hầu hết kháng sinh sử dụng để trộn vào TĂCN hiện nay đều được nhập khẩu từ Trung Quốc vì... giá rẻ. Mà Trung Quốc thì lại đang là một điểm nóng về tình trạng sử dụng bừa bãi kháng sinh trong chăn nuôi nhằm đạt mức tăng trưởng nhanh chóng. Tuy kháng sinh nhập từ Trung Quốc có giá rẻ, nhưng theo ước tính của một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất TĂCN ở nước ta, mỗi năm, ngành TĂCN đang nhập khẩu tới vài trăm triệu USD kháng sinh từ nước này. Điều này cho thấy việc sử dụng kháng sinh trộn vào TĂCN đang khá phổ biến ở nước ta. Trong khi đó, việc kiểm soát quá trình trộn kháng sinh vào TĂCN, kiểm soát việc sử dụng thức ăn có trộn kháng sinh trong chăn nuôi lại đang rất lỏng lẻo. Bởi thế, ông Lê Bá Lịch mới cho rằng việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở nước ta hiện nay cũng đang lộn xộn chẳng kém gì bên Trung Quốc. Bản báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu sản xuất thịt lợn an toàn chất lượng cao” do Viện KHKTNN Miền Nam chủ trì thực hiện, cũng nói rõ thực trạng lộn xộn này: Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của một số tác giả, kháng sinh được sử dụng tràn lan trong thức ăn cho lợn, gia cầm và tình trạng tồn dư kháng sinh trong thịt là phổ biến. Các nghiên cứu đều cho rằng hầu hết các cơ sở chăn nuôi sử dụng kháng sinh không hợp lý (không xét nghiệm kháng sinh đồ, sử dụng theo kinh nghiệm, không đúng liều lượng và liệu trình điều trị), một số cơ sở chăn nuôi không ngưng thuốc đúng quy định, bán chạy khi điều trị không hiệu quả. Từ đó dẫn đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm cao gấp hàng chục tới hàng ngàn lần so với tiêu chuẩn quốc tế. |