Sản xuất nông nghiệp ĐBSCL: Cần cơ chế liên kết hiệu quả

(Chinhphu.vn) - Trong cả ngày diễn ra Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL năm 2013, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, đề xuất trực tiếp những giải pháp để phát triển sản xuất lúa gạo, thủy sản.

 Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng quy hoạch sản xuất tại ĐBSCL phải gắn vào cung cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng diễn biến giá lương thực, thủy sản thấp hiện nay chỉ là vấn đề trước mắt, do vậy cần làm tốt công tác tạm trữ lúa gạo, nhằm giữ giá, đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

“Về dài hạn, trong sản xuất lúa, cá tra, tôm… phải có điều chỉnh căn cơ, bắt đầu từ điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Không phải để giảm sản lượng mà hướng dẫn nông dân sản xuất những cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao hơn. Không nhất nhất ở đâu cũng trồng lúa, bởi mục tiêu của chúng ta không phải là lúa, mà là thu nhập, đời sống của nông dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng đồng tình với đề xuất của nhiều doanh nghiệp, địa phương về việc phải sớm nghiên cứu để đưa ra được một số giống lúa ưu việt, của riêng Việt Nam, từ đó mang lại giá trị thương hiệu cho hạt gạo xuất khẩu Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tận dụng cơ hội từ FTA

Tiếp nối mạch giải pháp về đầu ra cho nông sản hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc đầu tiên là các doanh nghiệp phải kiên quyết "nói không" với các hình thức cạnh tranh không lành mạnh; chủ động hơn nữa trong việc tham gia, xây dựng các chuỗi phân phối sản phẩm; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quá trình đấu tranh chống lại các rào cản thương mại bất hợp lý…

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ để chuẩn bị thật tốt, từ đó tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Bởi trong quá trình đàm phán các FTA giữa Việt Nam với các nước, mặt hàng lúa gạo và thủy sản đã có được những thuận lợi cơ bản, do vậy, nếu doanh nghiệp tận dụng được, đây chắc chắn là những cơ hội rất lớn để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thống đốc Ngân hành Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, chỉ trong 5 năm vừa qua, tín dụng cho nông nghiệp-nông thôn đã tăng hơn 2,3 lần. Trước đây, dư nợ trong lĩnh vực này chỉ chiếm chưa tới 10%, nay đã tăng lên hơn 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Tự nhận bản thân cũng như ngành ngân hàng không có những hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình rất mong muốn ngành nông nghiệp, các ngành liên quan sớm đưa ra được những tiêu chí, quy chuẩn ở từng lĩnh vực sản xuất cụ thể, từ đó hệ thống ngân hàng sẽ có thể đồng hành hiệu quả hơn với doanh nghiệp, người nông dân. Cụ thể, trước mắt, cần sớm có cơ chế bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp đang được thực hiện thí điểm.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định, sẽ tiếp tục ưu tiên tín dụng cho khu vực nông nghiệp-nông thôn nói chung, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL nói riêng.

Tăng cường liên kết

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đưa ra những đề nghị hết sức cụ thể đối với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản; mở rộng, phát triển thị trường, ưu tiên tín dụng cho sản xuất, tín dụng cho thu mua, cho xuất khẩu. Các địa phương kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp tự cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất. Các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ hơn với các Hiệp hội, doanh nghiệp để đấu tranh chống lại các áp đặt thương mại phi lý.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gợi ý Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh nhằm duy trì sự ổn định cho người nông dân.

Trước tình trạng doanh nghiệp phát triển tự phát, cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, giá cả của sản phẩm nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn cho hoạt động của các doanh nghiệp trên từng địa bàn. Các Hiệp hội phải ra được bộ quy chế, quy định các thành viên chấp hành thực hiện; chủ động cung cấp thông tin chính thống để đảm bảo thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời.

Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai các chính sách về khuyến nông, khuyến ngư, các chính sách hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, Phó Thủ tướng khẳng định.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng thống nhất cao với các ý kiến đề xuất về việc phải triển khai thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp để trên cơ sở đó quy hoạch lại sản xuất. Đây là nội dung khó, liên quan không chỉ giữa các địa phương mà cả các Bộ, ngành trong việc phân bổ nguồn lực, lợi ích một cách phù hợp.

“Trong quy hoạch sản xuất, phải gắn vào cung cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Phải sớm cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, lựa chọn sản phẩm, mức độ sản xuất. Cùng với đó, phải chú ý thực hiện quy hoạch theo vùng, liên kết vùng”, Phó Thủ tướng nói.

Trước các kiến nghị về việc nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa trong phát triển cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có sự hỗ trợ bài bản hơn đối với phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cho sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập được các mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa người dân với người dân, người dân với doanh nghiệp.

Xuân Tuyến