Ô nhiễm fluor và bệnh chết răng ở vùng Nam Trung Bộ

Fluor là nguyên tố nhóm halogen, độc hại khi hàm lượng cao hơn 1,5 mg/l, thường gây ra bệnh về răng và xương, gọi là bệnh nhiễm độc fluor (fluorosis) tùy thuộc hàm lượng của nó trong nước uống. Bệnh nhiễm độc fluor là loại bệnh khá phổ biến trên thế giới, thường thấy ở nhiều vùng lãnh thổ của Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Mông Cổ, Thái Lan, v.v.. Tiêu chuẩn đối với fluor trong nước uống theo Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là 1,5 mg/l, theo Việt Nam là 1,0 mg/l. Mặt khác, fluor là nguyên tố ưa sinh vật (biophile), rất cần thiết cho sự sống của động vật và con người. Thiếu hụt fluor sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và răng. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng fluor trong nước mặt và nước dưới đất một số vùng thuộc Nam Trung Bộ như vùng Ninh Hòa (Khánh Hòa), Đồng Xuân (Phú Yên) dao động từ 0,1 mg/l đến 11,5 mg/l; trong nước mỏ fluorit fluor khá cao (5,1 mg/l); trong nước khoáng nóng Triêm Đức và Phước Long của vùng này rất cao, đến 17 mg/l. Đến 72% số mẫu nước giếng vùng Đồng Xuân có hàm lượng fluor vượt tiêu chuẩn nước uống Việt Nam. Tại Đồng Xuân, bệnh hỏng răng rất phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Số người bị bệnh chết răng và mức độ bệnh tăng tỷ lệ thuận với hàm lượng fluor trong nước uống từ 2 mg/l và lớn hơn. Như vậy, ở vùng Đồng Xuân, cấu trúc địa chất đi kèm các điểm khoáng sản fluorit (CaF2) và nước khoáng nóng là yếu tố khống chế và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến ô nhiễm fluor trong môi trường nước dưới đất, từ đó gây ra bệnh chết răng trong cư dân địa phương. Có nhiều giải pháp để hạn chế và phòng tránh bệnh chết răng ở Đồng Xuân, nhưng tốt nhất là với sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng những trạm cấp nước tập trung, không nhiễm fluor. Nguồn nước sạch lấy từ các suối phía tây của huyện này.

I. FLUOR VÀ BỆNH NHIỄM ĐỘC FLUOR

Fluor là nguyên tố hóa học thuộc phân nhóm chính VII - nhóm halogen, và là nguyên tố hoạt động mạnh nhất trong nhóm, có thể tác dụng với hầu hết các nguyên tố, trừ nitơ. Fluorit (CaF2) là khoáng vật chứa fluor thường gặp trong tự nhiên và là khoáng vật tạo mỏ có giá trị công nghiệp.

Hàm lượng trung bình của fluor trong vỏ Trái đất theo A.P. Vinogradov (1962) là 0,6%. Tổng khối lượng fluor trong vỏ lục địa ước tính khoảng 1,24.1016 tấn. Hàm lượng fluor trong nước sông trung bình khoảng 0,1 mg/l, trong nước dưới đất <1 mg/l, trong nước biển 1,32 mg/l và thay đổi tuỳ theo từng vùng biển. Fluor tồn tại trong môi trường nước chủ yếu dưới dạng anion F-. Hàm lượng fluor trong không khí rất thấp, < 0,001%, phần lớn từ núi lửa phun ra và do phát thải công nghiệp thải ra dưới dạng hợp chất CFC. Trong công nghiệp fluor được dùng chủ yếu để điều chế các hợp chất CFCl2, CF2Cl2, sử dụng trong tủ lạnh, bình xịt, làm lạnh công nghiệp. Chúng là chất khí thải góp phần làm gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển Trái đất.

Về mặt sinh học, fluor là nguyên tố rất cần thiết cho sự phát triển của xương, răng, vì vậy, ở một số vùng tại Hoa Kỳ người ta đã sử dụng nước được fluor hoá (hàm lượng fluor khoảng 1 mg/l) để làm nước sinh hoạt. Tuy nhiên, sự dư thừa fluor trong môi trường, đặc biệt là trong nước, có thể gây ra các bệnh về xương và răng (bệnh nhiễm độc fluor - fluorosis), thường thấy ở nhiều vùng lãnh thổ của Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Mông Cổ, Thái Lan, v.v... Có khoảng 62 triệu người Ấn Độ ở 16 trong số 32 bang bị bệnh nhiễm độc fluor vì họ sử dụng nước uống có hàm lượng fluor từ 1,0 đến 4,8 mg/l. Ở khu vực tự trị Nội Mông của Trung Quốc, 75% giếng khoan cấp nước có hàm lượng fluor >8 mg/l, làm cho 53% cư dân bị bệnh về răng và 13% bị bệnh về xương. Nhiễm độc fluor là loại bệnh khá phổ biến trên thế giới. Vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như nhiều nước khác đã đưa ra giới hạn tối đa đối với fluor trong nước uống: WHO = 1,5 mg/l, Canada = 1,4 mg/l, Trung Quốc = 1,0 mg/l, Việt Nam = 1,5 mg/l (Quyết định 1324/2002/BYT/QĐ18/2/02).

Theo Từ điển Bách khoa y học của Tabers, bệnh nhiễm độc fluor được định nghĩa như sau “... là bệnh kinh niên theo độc tố của fluor, thường gây nên do có quá nhiều fluor trong nước sinh hoạt”. Với hàm lượng trong nước lớn hơn 2 mg/l thì fluor gây nhiễm độc dưới dạng bệnh hỏng răng, mức độc cao hơn là thoái hoá cột sống. Khi fluor vào cơ thể con người với một khối lượng lớn khoảng 2,5 g tương đương với 5 g NaF, thì fluor có thể gây tử vong. Fluor xâm nhập trực tiếp vào cơ thể theo đường tiêu hóa được dạ dày hấp thu nhanh chóng hoặc thẩm thấu qua da. Fluor hòa tan trong nước uống được cơ thể hấp thụ gần như hoàn toàn, còn trong thức ăn thì hàm lượng fluor bị hấp thụ chỉ khoảng 80%.

II. BỆNH NHIỄM ĐỘC FLUOR Ở NINH HOÀ (KHÁNH HÒA) VÀ ĐỒNG XUÂN (PHÚ YÊN)

Ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), Đồng Xuân (Phú Yên) và huyện Tây Sơn (Bình Định) có không ít người có hàm răng bị hỏng do bị bệnh nhiễm độc fluor, cư dân địa phương gọi là bệnh “chết răng” (Hình 1). Theo kết quả điều tra, bệnh hỏng răng ở miền Nam Trung Bộ bắt đầu ở các em nhi đồng khoảng 7 tuổi, sau khi rụng hết răng sữa thì xuất hiện triệu chứng hỏng răng. Đầu tiên phần giữa của răng cửa đổi màu từ trắng bóng sang trắng đục, sau đó dần dần xuất hiện các đốm từ màu vàng đục, vàng nâu đến nâu đen. Men răng bắt đầu bị hỏng, vỡ từng mảng, răng trở nên rất yếu, có thể để lộ lớp ngà đục bên dưới. Đặc biệt là các mảng vỡ trên răng phân bố rất đối xứng qua trục giữa mỗi răng, bệnh nặng dẫn đến nhiều răng hoặc cả hàm răng bị hỏng men, kéo thành một vệt theo chiều ngang thân răng. Đến tuổi thành niên nhiều người bị hỏng răng hoàn toàn.

Bệnh nhiễm độc fluor được phát hiện khá sớm ở Ninh Hòa Khánh Hoà (1985), sau đó là ở Đồng Xuân và một vài nơi khác. Năm 1990, Ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Phú Khánh phối hợp với Đoàn Địa chất Việt-Tiệp đã tiến hành nghiên cứu nhiễm độc fluor tại 7 xã phía tây huyện Ninh Hòa (Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Hưng...), năm 1992 tiếp tục khảo sát tại Ninh Thượng, bước đầu đi đến kết luận rằng bệnh chết răng ở đây là do nước uống bị nhiễm fluor gây ra.

III. MỐI LIÊN QUAN GIỮA NHIỄM ĐỘC FLUOR VÀ BỆNH CHẾT RĂNG

Liên hệ hiện trạng bệnh chết răng của cư dân địa phương với hàm lượng fluor trong đá, đất, nước ở Đồng Xuân chúng tôi nhận thấy chỉ có nước dưới đất tầng nông với hàm lượng fluor vượt quá giới hạn tiêu chuẩn 1,5 mg/l mới là yếu tố quyết định gây ra bệnh chết răng (Hình 2). Thành viên gia đình cư dân các xã Xuân Quang, Xuân Phước, Xuân Lãnh sử dụng nước giếng đào có hàm lượng fluor cao đều bị hỏng răng ở các mức độ khác nhau. Tương tự như vậy đối với cư dân các xã Ninh Tây, Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Thượng, Ninh Phụng, Ninh Thân, Ninh Trung, Ninh Hưng, Ninh Quang, Ninh Bình,... huyện Ninh Hòa.

Số người bị bệnh chết răng và mức độ bệnh tăng tỉ lệ thuận với hàm lượng fluor trong nước uống. Với hàm lượng fluor từ 2 mg/l đã gây bệnh chết răng. Thời gian ủ bệnh trong vòng 7-8 năm, vì vậy, tuy cùng sử dụng một giếng nước, nhưng những người đến cư trú mới vài ba năm thì chưa thấy có biểu hiện hỏng răng. Lưu ý rằng trong 4 năm 1997-2000, có 36,8% số thanh niên khám nghĩa vụ quân sự bị hỏng răng loại 3 trở lên. Tuy nhiên, ngoài tác động của fluor, bệnh hỏng răng còn có nguyên nhân khác.

IV. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT VÀ ĐỊA HÓA MÔI TRƯỜNG KHU VỰC NINH HÒA VÀ ĐỒNG XUÂN

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đối với các vùng Ninh Hòa và Đồng Xuân, đặc điểm địa chất và khoáng sản là những yếu tố chủ yếu làm cho nước dưới đất bị nhiễm fluor.

1. Đặc điểm địa chất và khoáng sản

Trong vùng Đồng Xuân khá phổ biến các thành tạo trầm tích có tuổi Meso-Kainozoi thuộc các hệ tầng Mang Yang, Nha Trang, Đơn Dương và Đại Nga. Đá magma tiêu biểu là các phức hệ Vân Canh, Định Quán, Đèo Cả và Cù Mông. Thành phần chủ yếu là các đá magma axit có các khoáng vật chứa fluor như: fluorit - CaF2, apatit - Ca5[PO4]3 (F,Cl,OH,O), biotit - K(Fe, Mg)3[Si3AlO10](OH,F)2, muscovit - KAl2 [AlSi3O10](OH,F)2. Hàm lượng fluor trong các đá magma dao động trong khoảng 10,5-15,8 ppm. Khi các đá magma bị phong hoá, rửa lũa, nguyên tố F từ các khoáng vật kể trên sẽ được giải phóng và đi vào môi trường đất và nước.

Trong  vùng này có 2 mỏ fluorit (CaF2) tại Xuân Lãnh và Phú Mỡ, nguồn gốc nhiệt dịch, đang được khai thác. Có hai nguồn nước khoáng nóng là Triêm Đức và Phước Long. Nước khoáng Triêm Đức xuất lộ dọc theo bề mặt tiếp xúc của đá mạch mafic xuyên cắt đá granit. Nước thuộc loại hình bicarbonnat natri, không mùi, nhiệt độ 75-80oC, độ pH: 7,5-8,3, hàm lượng ion F-: 16-17 mg/l, tổng cation và anion 420-490 mg/l. Lưu lượng 3,5 l/s, chảy liên tục. Nước khoáng Phước Long thuộc loại hình bicarbonat chlorur natri, nước trong, đôi khi có mùi H2S, nhiệt độ 55-57oC, độ pH: 7,5-9,0, hàm lượng ion F-: 16-17 mg/l, tổng cation và anion 330-435 mg/l. Lưu lượng 1,2 l/s, chảy liên tục. Theo tài liệu lưu trữ, trong hơn 50 năm qua đặc tính hoá lý của hai nguồn nước này khá ổn định, thay đổi không đáng kể về nhiệt độ, độ pH, hàm lượng các anion HCO3- , SO42-, Cl-, F-, các cation Na+, K+, Ca2+, Mg2+, chứng tỏ chúng liên quan với một nguồn nước nóng ở dưới sâu trong lòng đất. Đây là những nguồn nước khoáng nóng Si-F, khi xuất lộ trên mặt đất đã phát tán nguyên tố fluor ra môi trường.

Vùng Ninh Hòa nằm ở rìa ĐN địa khối Kon Tum, trong đới hoạt hóa MZ-KZ, đặc trưng bằng các hoạt động magma xâm nhập và phun trào - trầm tích đa dạng, thuộc các hệ tầng Mang Yang, Nha Trang, La Ngà, đèo Bảo Lộc. Đá magma tiêu biểu là các đá granitoid thuộc các phức hệ Định Quán, Đèo Cả và Cà Ná. Trong các đá này cũng gặp nhiều khoáng vật chứa fluor: biotit, muscovit, apatit, fluorit, v.v.. Về khoáng sản, trong vùng có điểm quặng Hòn Sạn, nguồn gốc nhiệt dịch, nằm trong khối xâm nhập granit, thành phần quặng chủ yếu gồm molybdenit, các khoáng vật chứa Ta và fluorit (CaF2).

Cách thị trấn Ninh Hòa 20 km về phía tây có điểm nước khoáng nóng Buôn M’Dung, xuất lộ từ khe nứt của khối đá granodiorit phức hệ Định Quán. Về phía nam cách Buôn M’Dung khoảng 16 km có 2 điểm nước khoáng Khánh Bình và Ma Dích, xuất lộ từ đới đá biến đổi tiếp xúc với khối xâm nhập granodiorit phức hệ Đèo Cả. Nước khoáng Buôn M’Dung thuộc loại hình bicarbonnat natri, nước trong, lưu lượng lớn, chảy liên tục, nhiệt độ 64-69oC; độ pH: 8,7-9,3; độ khoáng hóa: 272-295 mg/l. Hàm lượng ion fluor 9-9,3 mg/l. Đây là nguồn nước khoáng nóng Si-F, khi xuất lộ trên mặt đất đã phát tán nguyên tố fluor ra môi trường.                                                                                                                                                         2. Địa hóa môi trường fluor ở vùng Ninh Hòa

a. Sự phân bố fluor trong đất: Đất hình thành trên các loại đá mẹ khác nhau ở vùng Ninh Hòa có phản ứng chua, nghèo dinh dưỡng, hàm lượng mùn thấp. Hàm lượng các kim loại nặng: Cu, Pb, Zn, As, Hg rất thấp, dưới mức trung bình của chúng trong đất (Vinogradov, 1962). Ba nguyên tố Li, Br, I gặp trong đất với hàm lượng cao hơn mức trung bình, có lẽ do vùng này phát triển rộng rãi các đá granit và trầm tích biển. Hàm lượng fluor trong đất dao động trong khoảng 0,3-0,9 ppm, hãn hữu tới 2,2 ppm, tức là rất thấp so với mức trung bình trong đất. Không nhận thấy mối tương quan giữa nguyên tố fluor với các hợp phần và các nguyên tố khác trong đất. Như vậy đất không thể là nguồn cung cấp trực tiếp fluor cho nước dưới đất với mức hàm lượng dị thường, gây nhiễm độc fluor trong nước theo cơ chế tương tác đất-nước.

b. Sự phân bố fluor trong môi trường nước: Kết quả phân tích các mẫu nước cho thấy hàm lượng fluor trong nước mặt và nước dưới đất vùng Ninh Hòa dao động trong một khoảng rộng, từ nhỏ hơn 0,1 đến >9 mg/l. Hàm lượng fluor trong nước khoáng nóng Buôn M’Dung cao nhất (8,9-9,3 mg/l), trong nước sông Lốt thấp nhất (0,1-0,2 mg/l). Phân bố fluor trong nước mặt, nước dưới đất có sự khác biệt rõ ràng.

Nước mặt ở vùng Ninh Hòa (sông Cái, sông Lốt, hồ Đá Bàn...) thuộc loại hình hóa học nhóm bicarbonat magnesi-natri. Hàm lượng fluor trong nước sông Cái, sông Lốt, hồ Đá Bàn xấp xỉ hàm lượng trung bình của nước một số sông lớn trên thế giới (0,1-0,5 mg/l). Chúng đáp ứng tiêu chuẩn nước cấp cho sinh hoạt theo chỉ tiêu fluor.

 

Số hộ

Biểu hiện bệnh về răng ở Đồng Xuân, Phú Yên

F trong nước uống (mg/l)

1          

Hai cháu nhỏ bị hỏng răng

6,8

2          

Người 40 tuổi ở đây từ lâu, bị rụng hết răng

0,95

3          

Cả nhà bị hỏng răng nặng

5,2

4          

Không ai bị chết răng

0,01

5          

Có 2/4 người bị hỏng răng nặng

11,5

6          

Có 2 người biểu hiện hỏng răng

2,17

7          

Ba người bị hỏng răng

3,0

8          

Có 1/4 người hỏng răng

2,1

9          

Không ai bị chết răng

0,05

10      

Không ai bị chết răng

0,01

11      

3/4 người bị hỏng răng (1 người mới đến ở không bị)

4,25

12      

Không ai bị chết răng

1,0

13      

Bị hỏng răng nặng

3,8

14      

Không ai bị chết răng

1,6

15      

Không ai bị chết răng

0,01

16      

Không ai bị chết răng

0,4

17      

Bị hỏng răng nhẹ

3,0

18      

Không ai bị chết răng

1,15

19      

Có biểu hiện hỏng răng

4,7

20      

3/7 người bị hỏng răng

5,3

21      

1 cháu bị hỏng răng, 2 cháu đôi khi về ở thì không bị

2,65

22      

1 cháu bị hỏng răng

1,5

23      

Không ai bị chết răng

1,6

Số hộ

Biểu hiện bệnh về răng ở Ninh Hòa, Khánh Hòa

F trong nước uống (mg/l)

24      

Cả nhà bị hỏng men răng

3,4

25      

Không có người bị chết răng

0,96

26      

Không có người bị chết răng

0,50

27      

Trẻ con bị hỏng răng nhẹ

0,73

28      

Nhiều trẻ con bị hỏng răng

6,19

29      

Trẻ con và người lớn bị hỏng răng

2,02

30      

Không có người bị chết răng

0,85

31      

Không có người bị chết răng

0,26

32      

Không có người bị chết răng

0,30

33      

Không có người bị chết răng

1,90

34      

Không có người bị chết răng

0,28

35      

Cả nhà bị hỏng răng

1,0

36      

4 con bị hỏng răng

6,8

37      

Không có người bị chết răng

0,12

38      

Không có người bị chết răng

0,31

39      

Không có người bị chết răng

0,39

40      

Trẻ con cả xóm (dùng giếng chung) bị hỏng răng

3,02


Hàm lượng fluor trong nước dưới đất (nước giếng) dao động trong khoảng 0,1-6,8 mg/l, trong đó 41% số giếng nước có hàm lượng F >1 mg/l; 37% số giếng nước có hàm lượng F >1,5 mg/l. Các kim loại nặng có rất ít trong nước, hàm lượng của chúng thường thấp hơn 0,01 ppm. Nguyên tố Zn xuất hiện trong một vài mẫu với mức 0,02-0,05 ppm. Nguyên tố Fe thường gặp hơn, 30% số mẫu nước cho giá trị hàm lượng Fe 0,05-1,5 ppm, vì vậy một số giếng có hiện tượng nhiễm phèn rõ rệt, tuy nhiên không thấy có mối liên quan giữa Fe và fluor. Từ ma trận tương quan giữa fluor và các hợp phần khác của nước thấy rằng hành vi của fluor liên quan chặt chẽ với 2 nguyên tố đa lượng Ca, Mg và độ pH của nước. Hai nguyên tố này có thể kết tủa fluor dưới dạng những hợp chất khó hòa tan là CaF2 và MgF2 (tích số hòa tan, aCa2+.a = 10-10.4; aMg2+.a = 10-8.2), kết quả làm giảm lượng fluor hòa tan trong nước. Trong lúc đó, môi trường càng có tính kiềm (độ pH càng lớn) thì hàm lượng fluor trong nước càng cao.

Sự phân bố fluor trong nước dưới đất ở Ninh Hòa có dạng da báo, xen lẫn các vùng có hàm lượng fluor cao là các vùng có hàm lượng thấp, nhưng nhìn chung hình thành hai tuyến tương đối rõ: một tuyến kéo dài theo phương T-Đ từ Ninh Tây đến Ninh Quang và tuyến khác theo phương TN-ĐB từ Ninh Xuân đến Ninh Thượng. 

c. Địa hóa môi trường fluor ở huyện Đồng Xuân: Sự phân bố fluor trong đá và đất: kết quả thu thập mẫu, phân tích fluor và các nguyên tố khác trong các mẫu đá và mẫu đất tại các địa điểm khác nhau trong huyện Đồng Xuân cho thấy hàm lượng fluor trong các mẫu đá, đất đều không vượt quá hàm lượng trung bình trong vỏ Trái đất, vì vậy chúng không thể là nguồn gây ô nhiễm fluor trực tiếp.

Sự phân bố fluor trong môi trường nước: Từ kết quả phân tích các mẫu nước có thể nhận thấy là hàm lượng fluor trong nước mặt và nước dưới đất vùng Đồng Xuân dao động trong một khoảng rộng, từ nhỏ hơn 0,1 đến lớn hơn 11,5 mg/l. Hàm lượng F trong nước khoáng nóng Triêm Đức và Phước Long đều rất cao, tới 17 mg/l. Sự phân bố fluor trong nước mặt, nước dưới đất và nước khoáng nóng có sự khác biệt rõ ràng.

Nước mặt của các sông Kỳ Lộ, sông Cây, suối Hà Nhao, v.v... có hàm lượng fluor rất thấp (0,01-0,1 mg/l), trừ một số nơi. Tại những đoạn sông suối gần nguồn nước khoáng nóng, hoặc gần mỏ fluorit hàm lượng fluor có thể tăng tới 0,55 mg/l. Riêng nước từ mỏ fluorit chảy ra có hàm lượng fluor khá cao (5,1 mg/l).

Nước giếng đào của các nhà dân có hàm lượng fluor dao động trong một khoảng rất lớn: từ rất nhỏ, khoảng 0,1 mg/l, thường gặp 4,2-6,1 mg/l, đến lớn nhất là 11,5 mg/l. Riêng giếng nước của một nhà dân ở gần địa điểm lộ nước khoáng nóng Triêm Đức, xã Xuân Quang, hàm lượng F trong nước đạt đến 17,3 mg/l. Đặc biệt tại xã Xuân Lãnh, một số giếng đào của dân dọc theo đường liên tỉnh La Hai - Vân Canh tuy nằm trên bề mặt địa hình cao 50 m so với mực nước sông Cây, nhưng các giếng luôn đầy nước, hàm lượng fluor trong nước lại khá cao, thường trên 1,5 mg/l, ở nhiều giếng đạt tới 5-6,1 mg/l. Trong số các mẫu nước giếng đã phân tích tại huyện Đồng Xuân thì 72% số mẫu có hàm lượng fluor vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với nước uống. Đây chính là nguyên nhân gây nhiễm độc fluor đối với cư dân địa phương.

Các kết quả phân tích cho thấy có mối tương quan khá chặt chẽ giữa hàm lượng fluor trong nước và độ pH của nước. Môi trường càng kiềm càng thuận lợi cho việc hoà tan và tích tụ fluor ở dạng F-. Nước khoáng nóng Triêm Đức và Phước Long có tính kiềm cao cũng là nguồn nước có hàm lượng fluor rất cao.

V. NGUYÊN NHÂN ĐỊA CHẤT GÂY RA DỊ THƯỜNG ĐỊA HÓA FLUOR Ở MIỀN NAM TRUNG BỘ

Ô nhiễm fluor trong nước dưới đất ở Ninh Hòa và Đồng Xuân có thể do nhiều nguồn: từ nước thải công nghiệp và phân bón hoá học dùng trong nông nghiệp, từ các đá magma axit trong vùng, từ các mỏ fluorit và từ các nguồn nước khoáng nóng.

Công nghiệp trong vùng chưa phát triển, hiện chỉ có một nhà máy đường Ninh Hòa, do vậy nước thải công nghiệp không phải là nguồn cung cấp fluor cho môi trường. Phân bón hoá học cũng không thể gây ô nhiễm fluor cho nước vì phân lân từ gốc apatit có chứa một lượng nhỏ fluor, nhưng được sử dụng không nhiều, hàm lượng fluor trong đất thấp. Như vậy, nguồn gây ô nhiễm fluor chủ yếu trong vùng chính là môi trường địa chất.

Sự hiện diện các mạch chứa quặng và mỏ fluorit (CaF2) nguồn gốc nhiệt dịch Hòn Sạn, Xuân Lãnh, Phú Mỡ và các mỏ quặng fluor đang được khai thác là nguồn gây ô nhiễm nước trong vùng. Minh chứng cho điều này là hàm lượng fluor từ nước mỏ Xuân Lãnh khá cao (5,1 mg/l). Song cần lưu ý rằng fluorit là một khoáng vật bền trong tự nhiên, là hợp chất khó hòa tan, tích số tan nó rất nhỏ (), vì vậy một lượng nhỏ fluor đi vào môi trường nước mặt sẽ nhanh hóng bị pha loãng đến mức hàm lượng nền, không gây ra dị thường địa hóa.

Các nguồn nước khoáng nóng chứa hàm lượng fluor cao, như Buôn M’Dung, Ninh Hòa (9-9,3 mg/l); Triêm Đức, Phước Long, Đồng Xuân (15-17 mg/l), xuất lộ trên mặt đất từ các khe nứt trong đá xâm nhập granitoid hoặc phun trào axit, với lưu lượng lớn, chảy liên tục, là nguồn cung cấp fluor trực tiếp cho môi trường xung quanh với khối lượng lớn nhất (Hình 3). Ngoài ra, các nguồn nước khoáng nóng có thể vận động theo các hệ thống đứt gãy ngầm, khe nứt trong đá và phát tán fluor ra xung quanh, vì vậy các giếng nước ở Ninh Tây (Ninh Hòa), Xuân Quang, Xuân Lãnh (Đồng Xuân) gần điểm xuất lộ nước khoáng, đều có hàm lượng fluor khá cao.


 


Nói cách khác, ở các vùng Ninh Hòa và Đồng Xuân, cấu trúc địa chất đi kèm các điểm khoáng sản và nước khoáng nóng là yếu tố khống chế và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến ô nhiễm fluor trong môi trường nước dưới đất, từ đó gây ra bệnh chết răng trong cư dân địa phương. Hoạt động nhiệt dịch liên quan với các đá magma và phun trào axit là một quá trình vận chuyển fluor từ nguồn dưới sâu lên gần mặt đất để hình thành các mỏ fluorit nhiệt dịch trong điều kiện địa chất thuận lợi, đồng thời tạo nên các nguồn nước khoáng silic-fluor nóng xuất lộ ở nhiều nơi trên dải đất Nam Trung Bộ. Như vậy, có cơ sở để suy luận rằng các nguồn nước khoáng nóng Si-F trong khu vực là nguồn cung cấp fluor chính cho môi trường nước, trong số đó nguồn nước khoáng nóng Buôn M’Dung ở Ninh Tây, xuất lộ từ các khe nứt trong đá granodiorit, được xem là nguồn cung cấp fluor gây ô nhiễm nước dưới đất ở huyện Ninh Hoà.


Bảng 2. Đặc trưng một số nguồn nước khoáng ở Nam Trung Bộ

Nguồn nước

Địa chỉ

pH

T0C

F mg/l

Khoáng hoá

Kiểu hoá học

Xuất lộ

Phước Long
(NK Si-F)

Xuân Sơn, Đồng Xuân, Phú Yên

7,5- 8,9

54-57

16,3

358-513

Bicarbonat Na,

Bicarbonat- chlorur Na

Khe nứt đá granit

Triêm Đức (NK Si-F)

Xuân Quang, Đồng Xuân, Phú Yên

7,5-8,3

75

14,4

324-445

Bicarbonat Na

 

Khe nứt đá granit

Phú Sen

(NK Si-F)

Hoà Ninh Tây, Tuy Hoà, Phú Yên

7,9-8,1

66-71

2,4-6,0

690

Chlorur- bicarbonat Na

 

Từ ruộng lúa

Sơn Thành

NK Si-F

Sơn Thành, Tuy Hoà, Phú Yên

8,4

48

7,0

286

Bicarbonat-chlorur Na

Khe nứt đá trầm tích

Tu Bông

NK Si-F

Vạn Phước, Vạn Ninh, Khánh Hoà

8,3-8,6

58-72

1,7-3,5

480-629

Bicarbonat Ca-Na

Chlorur- bicarbonat Ca-Na

Từ lớp cát biển

Vạn Giã

NK Si

Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hoà

8,1-8,2

68

0,3-3,0

372

Chlorur-bicarbonat Na

Chân núi

Buôn M’Dung

NK Si-F

Ninh Tây, Ninh Hoà, Khánh Hoà

8,7-9,3

64-69

6,7-8,2

272-295

Bicarbonat Na

Khe nứt đá granodiorit

Đảnh Thạnh

NK Si-F

Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hoà

8,2-8,9

66-72

2,1-4,4

290

Bicarbonat Na

Từ đá granit

Suối Dầu

NK Si-F

Suối Tân, Diên Khánh, Khánh Hoà

8,1-8,6

33

2,1-4,4

242-271

Bicarbonat Na

Từ đá granit

Trà Long

NK Si-F

Cam Thịnh, Cam Ranh, Khánh Hoà

7,3-7,7

55

4,2-7,2

446-530

Chlorur Na

Từ đá phun trào

 


Nhìn rộng ra, trên dải đất ven biển Nam Trung Bộ có rất nhiều mạch nước khoáng nóng chứa fluor, xuất lộ trực tiếp từ khe nứt trong các khối đá granitoid, hoặc ở đới tiếp xúc của chúng. Hàm lượng fluor trong các nguồn nước khoáng này cao hơn nhiều lần so với mức mà tổ chức WHO khuyến cáo sử dụng. Chính những nguồn nước khoáng thuộc loại hình Si-F này gây ra dị thường địa hóa fluor cục bộ, dẫn đến bệnh chết răng. Riêng trên địa phận hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã có 10 điểm nước khoáng nóng.

VI. BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH BỆNH CHẾT RĂNG

Nhiễm độc fluor gây ra bệnh chết răng hoàn toàn do đặc điểm địa chất quyết định. Vì vậy, không thể có một biện pháp hoàn hảo nào để chống trả điều kiện tự nhiên vốn có, mà phải tìm kiếm các giải pháp đáp ứng với các điều kiện đó để giảm thiểu tác hại.  

Có nhiều giải pháp để hạn chế và phòng tránh bệnh chết răng, đó là:

1. Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tuyên truyền, giải thích cho người dân trong vùng nhận rõ được mức độ nguy hại của của nguốn nước nhiễm fluor, rằng nó không gây ra chết người tức khắc, mà chỉ diễn biến từ từ với biểu hiện của bệnh chết răng.

2. Lọc khử fluor: Dùng bộ lọc kiểu Thái Lan để khử fluor trong nước giếng đào có thể là biện pháp tốt, nhưng chi phí quá đắt. Có thể nghiên cứu bình lọc khử fluor bằng oxit nhôm hoạt tính. Có thể điều chế oxit nhôm từ quặng bauxit là loại nguyên liệu có rất nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên.

3. Sử dụng nước mưa: Dùng các vại to, hoặc xây các bể dung tích 4-6 m3 hứng nước mưa để ăn uống thay cho nước giếng nhiễm fluor, nhưng gặp khó khăn là thiếu nước dùng vào mùa khô.

4. Dùng thuốc “nụ cười”: để kết tủa fluor dưới dạng CaF2, nhưng chất kết tủa này lại được thải vào môi trường và cuối cùng quay trở lại với nước dưới đất.

5. Thay đổi cơ cấu trong khẩu phần thức ăn: Những nghiên cứu về bệnh chết răng trên thế giới đều chỉ ra rằng nguyên tố fluor gây tác hại mạnh khi trong khẩu phần thức ăn hàng ngày thiếu một số chất cần thiết như Ca, Mg, vitamin C. Sử dụng những chất này vào khẩu phần thức ăn là cần thiết. Nguồn cấp Ca có thể lấy từ loại sữa calci đang bán nhiều trên thị trường, hoặc từ các động vật Giáp xác (tôm, cua). Bổ sung vitamin C từ rau xanh và các loại hoa quả.

6. Hình thành dịch vụ cung cấp nước sạch: Cách tốt nhất và chắc chắn nhất để tránh bệnh chết răng là không dùng nước giếng bị nhiễm fluor cho việc ăn uống ngay từ lúc trẻ sơ sinh. Cần tìm nguồn nước không nhiễm fluor để cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân.

Ninh Hòa cũng như Đồng Xuân là những huyện vừa có vùng đồng bằng, vừa có vùng đồi núi. Mạng lưới thủy văn thường xuyên có nước, bao gồm nhiều sông, suối, hồ chứa: sông Cái, sông Lốt, hồ Đá Bàn v.v. ở Ninh Hòa; sông Kỳ Lộ, sông Cây, suối Hà Nhao v.v. ở Đồng Xuân. Nước mặt trong các thủy vực ở vùng Ninh Hòa, Đồng Xuân với hàm lượng fluor rất thấp so với tiêu chuẩn Việt Nam, nên có thể sử dụng cho cấp nước sinh hoạt, thay thế nguồn nước từ các giếng đào lấy nước dưới đất tầng nông và nước trong vỏ phong hoá vốn đã bị ô nhiễm do fluor.

TÁC GIẢ

ĐẶNG TRUNG THUẬN, ĐẶNG TRUNG TÚ

Đại học Quốc gia Hà Nội, Hoàng Quốc Việt, Thanh Xuân, Hà Nội

VĂN LIỆU

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2000. Quy định tạm thời về quản lý chất lượng nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai. Hà Nội.

2. Đặng Trung Thuận (Chủ biên), 2000. Điều tra địa hóa môi trường vùng Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa. Báo cáo đề tài khoa học. Lưu ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.

3. Đặng Trung Thuận và nnk., 2006. Ô nhiễm flo và bệnh chết răng ở Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. BC Hội thảo “ Địa sinh thái và công nghệ môi trường”. Hà Nội.

4. Kennedy D.C., 1999. The health effects of ingested fluoride. Pan-Asia Pacific Conf. on fluoride and arsenic research. Shenyang, China.

5. Susheela A.K., 1999. Fluorosis mitigation programme in India. Pan-Asia Pacific Conf. on fluoride and arsenic research. Shenyang, China.

6. Trần Tính (Chủ biên), 1998. Bản đồ địa chất tờ Quy Nhơn (D-49-XX) tỷ lệ 1:200.000. Cục ĐC và KS VN. Hà Nội.

7. Trần Tính (Chủ biên), 1998. Bản đồ địa chất tờ Tuy Hoà (D-49-XXVI) tỷ lệ 1:200.000. Cục ĐC và KS VN. Hà Nội.

8. Vaish A.K, Gyani K.C., 1998. Fluorosis - the chronic menace and its remedial measures: A case study from Rajasthan, India. Cogeoenvironment Newsletter.

9. Võ Công Nghiệp (Chủ biên), 1998. Danh bạ các nguồn nước khoáng và nước nóng Việt Nam. Cục ĐC và KS VN. Hà Nội.

10. Wang X.C., 1999. A study on the correlative relation between fluoride concentration on drinking water and endemic fluorosis. Pan-Asia Pacific Conf. on fluoride and arsenic research. Shenyang, China.