Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Sẽ “đủ sức” răn đe nếu doanh nghiệp vi phạm!

Mặc dù, ngành TN&MT đã sử dụng nhiều giải pháp "mạnh tay" đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp nhiều lần bị xử phạt vẫn ngang nhiên tái phạm, coi thường luật pháp… Quy trách nhiệm hình sự người đứng đầu pháp nhân gây ô nhiễm môi trường bằng hình thức cao nhất có thể để tạo sức răn đe đối với trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thật sự cần thiết hiện nay.

Luật BVMT 2005: Được và chưa được!

Phải khẳng định rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 ra đời đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ góp phần không nhỏ trong quản lý về hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây số vụ vi phạm về môi trường có chiều hướng tăng lên, một trong những nguyên nhân được cho do những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường đã bộc lộ những hạn chế, chưa theo kịp những thay đổi kinh tế - xã hội hiện tại.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ TN&MT, từ năm 2012 đến tháng 10/2013, ngành TN&MT đã tiến hành 31 cuộc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 669 tổ chức. Kết quả thanh tra cho thấy nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về chôn hóa chất độc hại, xả chất thải vượt quy chuẩn ra môi trường; trong đó có không ít doanh nghiệp đã nhiều lần bị xử phạt vẫn cố tình vi phạm.

Điểm lại chặng đường 5 năm trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm về môi trường của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), mỗi năm có khoảng 7.000 - 8.000 vụ phá rừng và hơn 1.000 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, khoảng 70% nước thải tại các khu, cụm công nghiệp trên cả nước không qua xử lý, xả thẳng ra môi trường.

Mặc dù, các vụ vi phạm về BVMT ngày càng đa dạng, mức độ tổn hại ngày càng nghiêm  trọng, nhưng không có nhiều vụ bị  truy cứu  trách nhiệm hình sự, cho dù các quy định về tội phạm môi trường đã có hiệu lực từ nhiều năm nay. Việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với các vụ sai phạm này đang bộc lộ những bất cập của chính sách hình sự hóa vi phạm môi trường, dẫn đến những “nghi ngờ” rằng các trường hợp phạm tội đã lọt lưới pháp luật?.

Cùng với đó, Luật BVMT 2005 không quy định hình phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm mà tùy vào tính chất, mức độ và thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra mà tổ chức, cá nhân sẽ bị áp dụng trách nhiệm pháp lý tương ứng, có thể là hành chính, dân sự, kỷ luật hay hình sự. Do vậy, với những hành vi vi phạm của công ty, doanh nghiệp và những người có liên quan thuộc công ty đó sẽ bị áp dụng trách nhiệm pháp lý về hành chính, chủ yếu là phạt tiền. Đây cũng chính là “kẽ hở” khiến nhiều doanh nghiệp “nhắm mắt” chịu phạt rồi tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

 

Truy trách nhiệm người đứng đầu gây ô nhiễm

Trong Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) mà Quốc hội sắp thảo luận vào ngày 25/11 tới đây, Bộ TN&MT đề nghị quy định rất rõ trách nhiệm cá nhân. Theo đó, người đứng đầu các tổ chức quản lý liên quan đến các tổ chức vi phạm về bảo vệ môi trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, đã nhận được sự ủng hộ rất cao của các nhà làm luật, các chuyên gia môi trường. Bởi lẽ, nếu "đánh” vào kinh tế mà doanh nghiệp không thay đổi nhận thức phải có hình thức nặng hơn nữa, xử phạt người đứng đầu là quan trọng nhất, kể cả kỷ luật, cách chức.

Vì vậy, trong lần sửa đổi này, điểm nổi bật có thể thấy rõ là  quy định trách nhiệm về BVMT của doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Một số điểm mới về trách nhiệm ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường được mở rộng không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản, khai thác tài nguyên mà đối với tất cả các dự án sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường (Điều 53, Dự thảo Luật Sửa đổi), về trách nhiệm và điều kiện hoạt động quan trắc môi trường (điều 109) chỉ được hoạt động khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Trách nhiệm lập kế hoạch BVMT (Điều 43); trách nhiệm trong khắc phụ ô nhiễm và phục hồi môi trường (Điều 88); chế độ báo cáo hàng năm về công tác BVMT cũng là một chế độ trách nhiệm mới (Điều 121); Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quyền yêu cầu của tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư (Điều 132 – điều 133).

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được trình Quốc hội thảo luận và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp tiếp theo của Quốc hội (năm 2014).


Theo Monre