Những sự kiện môi trường nổi bật 2013
Năm 2013 để những vụ việc môi trường đáng nhớ trong đó có vụ vi phạm về môi trường tăng; chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa; Ô nhiễm không khí sẽ khiến số người chết tăng gấp đôi; ra nghị quyết cấp bách bảo vệ môi trường...
Trước tình trạng số vụ vi phạm về môi trường gia tăng trong những năm qua, Chính phủ đã ra nghị quyết cấp bách bảo vệ môi trường (Ảnh: Mạnh Cường - MOITRUONG.COM.VN)
Vi phạm môi trường tăng
Theo thông tin tại hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2014 của Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường (C49) mới đây, năm 2013 lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cả nước đã phát hiện 13.386 vụ vi phạm, tăng 34% so với năm 2012, trong đó công an các cấp đã khởi tố 448 vụ, 757 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính trên 116,33 tỷ đồng.
Năm 2014, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường sẽ ưu tiên chấn chỉnh và triển khai thực hiện nghiêm túc công tác nghiệp vụ cơ bản theo quy định mới của Bộ Công an; tổ chức xác lập, đấu tranh với các chuyên án, vụ án lớn trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, trước mắt là tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 và các lĩnh vực được xã hội quan tâm như an toàn thực phẩm, bảo vệ rừng, xử lý chất thải…;
Quay cuồng vì Nicotex Thanh Thái
Vụ việc Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái (tỉnh Thanh Hóa) bị phát hiện chôn thuốc trừ sâu quá hạn, hóa chất ngay tại khuôn viên nhà máy, gây ô nhiễm môi trường, tạo nên sự bất bình và chấn động lớn trong dư luận. Ngay sau khi khai quật và phát hiện số lượng lớn hóa chất chôn ngầm dưới lòng đất, ngày 31/8, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Công ty Nicotex Thanh Thái 1 tháng để phục vụ công tác điều tra.
Sau đó ngày 6/9, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo kết quả vạch trần những vi phạm như không thực hiện đầy đủ tần suất giám sát môi trường theo quy định; xây hệ thống xử lý nước thải không đúng theo quy định; làm phát tán mùi hôi nồng khó chịu của thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường; chôn lấp các chất thải nguy hại chưa qua xử lý...
Đến ngày 18/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 3253/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Nicotex Thanh Thái. Theo đó, tổng mức xử phạt mà UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra cho Nicotex Thanh Thái là 421.150.000 đồng. Chưa hết, người dân nơi đây luôn kiên trì “dựng lều, nấu cháo” ngay bên cạnh khuôn viên Công ty để canh giữ hiện trường, không cho tẩu tán tang vật, chờ đợi kết quả phán xét của các cơ quan chức năng. Kèm theo đó là tinh thần cảnh giác cao độ của người dân, do tại hiện trường đã xảy ra nhiều hiện tượng bất thường.
Cả nước còn trên 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất tồn lưu
Theo báo cáo kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1946/QĐ-TTg về việc xử lý, phòng ngừa ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu của Tổng cục Môi Trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường), cả nước hiện còn trên 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; trong đó có 335 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cần được xử lý đến năm 2020.
Kết quả điều tra, thống kê của Tổng cục Môi trường, cho thấy trên 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu nằm rải rác trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố. Trong số đó, có 864 khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố và 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 37 tỉnh, thành phố.
Gần 50% làng nghề ô nhiễm nặng
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Trong số đó có nhiều làng nghề trá hình, lấy danh nghĩa làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ đối với xã hội, cũng như lẩn tránh các chế tài về bảo vệ môi trường.
Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% số làng nghề có môi trường (không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) bị ô nhiễm nặng và có 27% ô nhiễm vừa.
Kết quả quan trắc môi trường không khí tại 46 làng nghề thuộc các lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất hàng mỹ nghệ, chế biến lương thực-thực phẩm, luyện kim-cơ khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cũng cho thấy 45/46 làng nghề (chiếm 97,8%) có chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1-4,3 lần, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Ô nhiễm không khí sẽ khiến số người chết tăng gấp đôi
Trong 20 năm tới, số ca tử vong do ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010 – Nghiên cứu do tổ chức quốc tế DARA International và Diễn đàn các Nước dễ Tổn thương về Biến đổi Khí hậu (CVF) thực hiện đưa ra trong một báo cáo hồi tháng 1/2013.
Xem xét chi phí của nền kinh tế carbon về mặt nhân lực, nhóm nghiên cứu đánh giá khói trong nhà là vấn đề nghiêm trọng nhất, chiếm hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2010 và tỉ lệ tử vong tương tự vào năm 2030, bởi các bệnh do tiếp xúc với khói khi đốt lửa nấu ăn trong nhà và sưởi ấm. Tỉ lệ tử vong do khói trong nhà ổn định, vì mặc dù dân số tăng nhanh, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ cho phép nhiều hộ gia đình sử dụng bếp và nhiên liệu đốt sạch hơn. Ô nhiễm không khí dự đoán sẽ gây ra 10.000 ca tử vong mỗi năm ở năm 2010, tăng lên hơn 20.000 người chết mỗi năm vào năm 2030 do mức độ ô nhiễm tăng.
Ra nghị quyết cấp bách bảo vệ môi trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp như tăng cường công tác bảo vệ tại các khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển; chú trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề.
Ban hành quyết định xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng
Ngày 1/10, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Kế hoạch nêu rõ các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (không bao gồm làng nghề, làng có nghề), bệnh viện, bãi rác, cơ sở giam giữ, cải tạo phạm nhân, trường, trung tâm giáo dưỡng, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ thuộc lực lượng công an nhân dân; cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội; các đơn vị huấn luyện quân sự từ cấp quân khu trở lên, các cơ sở xử lý vũ khí, chế tài, trang thiết bị quân sự. Kế hoạch này không bao gồm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến mức phải bị tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch xác định mục tiêu rà soát, phát hiện và tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước; hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phấn đấu đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phê duyệt đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2015, xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015
Đến năm 2020, di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, tái chế kim loại, tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp làng nghề.
Thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên&Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Thông tư cũng nêu rõ, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng, mức thu được xác định theo từng người sử dụng nước, căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.
Đối với nước thải của cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến không thuộc danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, phí bảo vệ môi trường được tính bằng tổng số phí cố định (1,5 triệu đồng/năm) và phí biến đổi. Phí biến đổi được tính theo tổng lượng nước thải ra; hàm lượng 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu ôxy hóa học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS). Cụ thể, đối với chất gây ô nhiễm tính phí COD là 1.000 đồng/kg và TSS là 1.200 đồng/kg.
Bàn giao nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam
Ngày 30/8, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gamuda Land Việt Nam phối hợp cùng Sở Tài nguyên&Môi trường Hà Nội đã chính thức chuyển giao-bàn giao công trình nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với công suất 200.000 m3/ngày cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Thoát nước Hà Nội.
Công trình Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở nằm ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, trên diện tích 91.959m2 với công suất 200.000 m3/ngày, có thể xử lý một nửa lượng nước thải hàng ngày của toàn thành phố.
Ngoài việc góp phần thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam thành phố, dự án còn đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải của lưu vực sông Kim Ngưu và sông Sét, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước chung của thành phố, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường và chất lượng sống cho nhân dân quanh khu vực.
Đưa tài chính xanh vào kế hoạch hành động quốc gia
Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2013 – 2020 lần này đưa vào nội dung mới là hoạt động về tài chính xanh, đào tạo lao động xanh.
Mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2013 – 2020 là tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường.
Dự thảo có xác định mức độ ưu tiên cao cần thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2014, 2015. Dự thảo lần này đưa vào nội dung mới là hoạt động về tài chính xanh, đào tạo lao động xanh.
Vận hành trạm quan trắc không khí tự động quốc gia
Trạm quan trắc môi trường không khí tự động quốc gia đặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đi vào vận hành phục vụ việc theo dõi, giám sát và quản lý chất lượng môi trường không khí cả ở cấp quốc gia và cấp địa phương.
Trạm được đặt trong khuôn viên của Trường Cao đẳng sư phạm Huế, số 123 đường Nguyễn Huệ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và thực hiện quan trắc tự động, liên tục 24/24h các thông số khí tượng (nhiệt độ trong trạm, nhiệt độ ngoài trạm, độ ẩm, áp suất, tốc độ gió, hướng gió, bức xạ nhiệt) và các thông số môi trường (SO2, CO, O3, NO, NO2, NOx, Bụi PM10, PM2.5, PM1 và BTEX). Trạm quan trắc môi trường không khí tự động quốc gia được đầu tư trong khuôn khổ dự án “Tăng cường thiết bị tự động quan trắc môi trường không khí và nước” được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1698/QĐ-BTNMT ngày 29/10/2007 và giao cho Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường thực hiện.Theo Mạnh Cường (MTX)/MOITRUONG.COM.VN
|