Đánh giá Tác động Môi trường: Vì sao chưa hiệu quả?Những nguyên nhân chính lý giải sự yếu kém của quy trình thực hiện Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM) ở các nước đang phát triển đã được TS. John.O.Kakonge – cố vấn đặc biệt hãng tin South-South News (có trụ sở tại New York, Mỹ) phản ánh chi tiết trong bài viết dưới đây. Tham nhũng và quản lý yếu kém Một trong những thách thức lớn đối với quy trình thực thi ĐTM chính là tham nhũng và quản lý yếu kém. Cũng chính vì thế mà việc thực hiện ĐTM ở Thái Lan thường bị chỉ trích là không hợp pháp và thiếu trung thực, thậm chí rất hiếm khi tham vấn ý kiến cộng đồng, dẫn đến các khuyến nghị, đề xuất hay bị lờ đi, trừ trường hợp có khiếu nại. Điều này cũng có thể quan sát được ở Nigeria. Không chỉ với các doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện ĐTM, KwaZulu-Natal Wildlife – một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã uy tín tầm cỡ quốc tế ở Nam Phi – cũng bị nêu danh khi nói tới bê bối tham nhũng liên quan tới các tổ chức phi chính phủ vì bị coi là dính líu tới tham nhũng khi cản trở quy trình ĐTM bằng cách không tuân thủ khung thời gian phản hồi. Còn rất nhiều báo cáo ĐTM bị mua chuộc và thường được dùng để “xoa dịu các cơ quan chính phủ, cộng đồng, khiến họ lầm tưởng rằng mọi thứ đều ổn nhưng thực ra, các tác động nghiêm trọng lên môi trường vẫn đang tiềm ẩn bên trong”. Nhìn tổng thể thì các nước đang phát triển là nơi còn nhiều yếu kém trong quản lý và thiếu ưu tiên vấn đề tác động môi trường trong các chính sách quốc gia. Nói như tác giả Svetlana Wibourne trong báo cáo Corruption and the Environment (Tham nhũng và Môi trường), thì lãnh đạo các nước đang phát triển “sẵn sàng hy sinh bầu không khí và nguồn nước sạch, đa dạng sinh học và những cánh rừng, trừ phi chúng có thể biến thành lợi ích kinh tế, hỗ trợ các chương trình nghị sự chính trị ngắn hạn cũng như có các lợi ích kinh tế trung hạn” mà không ý thức được rằng việc làm này sẽ châm ngòi cho tham nhũng và gây ra những hậu quả môi trường không ngờ tới trong tương lai. Chất lượng các báo cáo ĐTM còn thấp Lý do thứ hai giải thích sự yếu kém của quy trình ĐTM là chất lượng báo cáo thấp và thiếu nhất quán. ĐTM của Dự án trồng mía đường ở đồng bằng Tana (Kenya) là một ví dụ. Báo cáo dài tới 412 trang, sử dụng ngôn ngữ khoa học – kỹ thuật khoa trương với nhiều phương trình hóa học và biểu đồ kinh tế phức tạp, đến các thuật ngữ về loài cũng bằng tiếng Latin. Kiểu báo cáo này thực sự vượt ra khỏi tầm hiểu biết của nhiều lãnh đạo và quan chức địa phương. Có không ít nguyên nhân lý giải vì sao chất lượng báo cáo ĐTM thường thấp nhưng một nguyên nhân quan trọng cần nhắc tới là lượng thông tin và dữ liệu về môi trường mà nhiều báo cáo chuẩn bị quá sơ sài. Bởi “nhu cầu về số lượng báo cáo ĐTM ngày càng nhiều trong khi nguồn dữ liệu cơ sở lại vô cùng ít ỏi đã dẫn tới việc hàng loạt báo cáo ĐTM có chất lượng thấp và ít giá trị” – Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận. Cũng theo Ngân hàng này thì các báo cáo ĐTM yếu kém chính là sản phẩm của những cán bộ có năng lực và thông tin về môi trường hạn chế. Cơ chế giám sát lỏng lẻo Muốn tạo ra các ĐTM hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược thì phải có cơ chế giám sát phù hợp. Việc bỏ qua bước này hiện đang là một trong những điểm yếu của quy trình ĐTM. Thông thường, bản ĐTM mà các cơ quan chính phủ phê duyệt được mặc định đã gồm cả một kế hoạch quản lý môi trường phục vụ hoạt động giám sát. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như phân bổ kinh phí không đều, thiếu cán bộ thực thi giám sát của chính phủ, thiếu nguồn thông tin – dữ liệu chất lượng, thiếu cam kết từ phía chính phủ về việc triển khai các hoạt động giám sát cùng những ưu tiên mang tính cạnh tranh khác nên các kế hoạch quản lý ĐTM về sau hầu như không được thực hiện. Để đạt được tín nhiệm, hoạt động giám sát cần đưa vào quy định bắt buộc – bà Clare Harmer nhấn mạnh trong một báo cáo nghiên cứu năm 2005 – vì đây là hoạt động cần thiết giúp xác định đầu ra của ĐTM. Chưa kể từ đây, các bên liên quan có thể rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý giá cho những dự án sau. Có như vậy, quy trình ĐTM mới không còn mang tính hình thức. Năng lực hạn chế Yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ làm ĐTM đang được đặt ra cấp thiết ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi. Nếu có điều kiện, cần khuyến khích các chuyên gia ĐTM cấp quốc gia và khu vực phối hợp làm ĐTM với những người có nhiều kinh nghiệm hơn ở trong hoặc ngoài khu vực. Mặt khác cũng cần chú trọng xây dựng năng lực cho cơ quan quản lý phê duyệt ĐTM của một số nước đang phát triển. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những nước này không đủ khả năng xem xét các báo cáo ĐTM dẫn đến tình trạng tồn đọng nghiêm trọng. Thống kê của WB cho biết, năm 2007, El Salvador bị tồn tới 2.500 ĐTM khiến quy trình ĐTM bị tắc nghẽn. Để tránh rơi vào tình trạng này, các tổ chức không đủ năng lực nên đầu tư mời các chuyên gia tư vấn độc lập thẩm định ĐTM đi đôi với việc nâng cao trình độ nhân lực. Cuối cùng, việc thực hiện ĐTM chắc chắn sẽ tốn kém cả về tiền bạc và thời gian. Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn phải được thực hiện một cách nghiêm túc và không được thỏa hiệp. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Quốc tế về đánh giá tác động/Viện Đánh giá tác động môi trường (IAIA/IEA 1999) thì để có quy trình thực hiện ĐTM tốt, các chính phủ và các bên liên quan cần xây dựng các hình mẫu thực hiện ĐTM đảm bảo tính thực tế, chi phí rẻ, có trọng tâm, có sự tham gia của các bên liên quan, thu hút liên ngành và minh bạch. Theo Nguyễn Giangvanhien.vn |