Kiểm soát ô nhiễm môi trường nước

(DĐDN) -  Chất lượng nước ở hầu hết các con sông đang bị suy giảm nghiệm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, KCN, làng nghề. Nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải đang là một vấn đề cấp bách đối với hầu hết các đô thị và nhiều vùng nông thôn trong cả nước.

Ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam đang vượt quá khả năng kiểm soát

Tại các sông, hồ, kênh rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép. 

Vấn đề cấp bách

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định việc thu gom xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom nước mưa và nước thải riêng biệt; nước thải sinh hoạt phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đưa vào môi trường; nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường…

 Kiểm soát ô nhiễm môi trường nước đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả chính quyền và cộng đồng.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ các đô thị, khu dân cư có công trình xử lý nước thải sinh hoạt còn rất nhỏ bé, nhiều nơi xử lý nước thải công nghiệp chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, còn nặng về đối phó. Gần 1/3 số khu công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động có công nghệ chưa hoàn chỉnh, hoạt động không ổn định. Một phần đáng kể các chất thải y tế thu gom từ các bệnh viện, trạm y tế, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc chữa bệnh chưa được tiêu hủy bằng công nghệ đạt yêu cầu vệ sinh môi trường, thậm chí có nơi còn được chôn lấp chung với các chất thải sinh hoạt… Công tác quy hoạch xây dựng các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh ở một số tỉnh /TP còn gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, vốn đầu tư xây dựng, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân ở các vùng dự kiến quy hoạch bãi chôn lấp chất thải…

Chung tay vào cuộc

Theo các chuyên gia, nước vừa là một thành phần của môi trường, vừa là nơi chịu tác động lớn nhất, rõ ràng nhất bởi các biến động thiên nhiên và các hoạt động kinh tế xã hội. Vì vậy, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của cả chính quyền và cộng đồng.

Ông Trần Thế Loãn - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm cho rằng, hiện nay VN đã xây dựng được nhiều công cụ pháp lý nhằm kiểm soát và quản lý ô nhiễm. Cũng theo ông Loãn, đối với việc xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thì mỗi địa phương cần phải xem xét cụ thể thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và các công cụ quản lý hiện có nhằm đặt ra mục tiêu, biện pháp và lộ trình cần đạt được đối với công tác kiểm soát ô nhiễm. Đối với cơ sở xuất hoặc khu, cụm công nghiệ, kiểm soát ô nhiễm là việc xem xét quy trình sản xuất và các hoạt động phụ trợ để phát hiện và kiểm soát những hoạt động, công đoạn sản xuất có nguy cơ phát sinh chất ô nhiễm để triển khai các biện pháp, hành động nhằm cải tiến công tác quản lý, cải tiến công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên nhiên liệu sạch hơn; khống chế/thu hồi/ xử lý tại chỗ sự phát sinh chất thải tại những điểm nóng, xử lý chất thải đầu ra của toàn bộ quá trình, đồng thời quan trắc, theo dõi liên tục các dòng thải phát sinh ra môi trường bên ngoài.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được hoàn thiện và dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây. Trong đó, dự thảo Luật yêu cầu các loại nước thải phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải; đối với khu dân cư phân tán, UBND cấp xã tổ chức hệ thống thu gom và xử lý. Dự thảo cũng quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp của tổ chức gây ô nhiễm; người đứng đầu cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường..



Mai Hằng