16 tấn thực phẩm sương sáo nhập khẩu nghi nhiễm độc thủy ngân và asenMặc dù, các cơ quan chức năng vẫn tranh luận xem ai đúng, ai sai liên quan vụ “16 tấn thực phẩm sương sáo nhập khẩu nghi nhiễm độc thủy ngân và asen”. Nhưng có một điều rất lạ là hàng chục tấn sương sáo đang trôi nổi trên thị trường với một nguy cơ gây hại khủng khiếp tới cộng đồng thì vẫn chưa nhận được quyết định tạm dừng lưu hành.Kết quả kiểm nghiệm mẫu sương sáo đen do Quatest 3 thực hiện không phát hiện chứa thủy ngân, có hàm lượng chì và asen thấp, dưới ngưỡng quy định. Ngược lại, mẫu hàng do cơ quan Hải quan lấy mẫu gửi Viện Khoa học Hình sự kiểm nghiệm kết quả lại phát hiện hàm lượng thủy ngân và asen vượt mức cho phép. (Ảnh: Lô hàng của công ty 3K, sản phẩm nhiễm độc được Cục Chống buôn lậu phát hiện) DN nhập khẩu thực phẩm độc hại có thể thu được một khoản lợi nhỏ cho bản thân. Nhưng chút lợi nhuận đó sẽ hủy hoại sức khỏe của cộng đồng, làm suy yếu giống nòi. Nền kinh tế sẽ suy kiệt khi hàng ngàn, hàng triệu gia đình phải gồng lưng gánh chi phí chữa bệnh. Rùng mình với thực phẩm nhập khẩu nhiễm độc Nhiều người dân không khỏi bàng hoàng khi mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan công bố kết quả kiểm nghiệm đối với lô hàng thực phẩm 16 tấn sương sáo nhập khẩu bị nhiễm độc kim loại nặng. Lô hàng đã được Cục Điều tra chống buôn lậu lấy mẫu gửi Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm đã cho thấy, lô hàng có hàm lượng thủy ngân vượt quá 100 lần, hàm lượng asen vượt18,5 lần mức cho phép. Đây là lô hàng được nhập khẩu về nước để phân phối ra thị trưởng bởi Cty TNHH Thương mại và sản xuất thực phẩm 3K có địa chỉ tại phường An Lạc, quận Tân Bình, TP HCM. Điều đáng ngạc nhiên là trước đó, ngày 1/7/2014, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) - Bộ KH-CN đã lấy mẫu tại Cảng Sài Gòn, tới ngày 11/7 đã cấp giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu cho lô hàng trên. Sau đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép cho nhập khẩu vào Việt Nam. Tại buổi họp ngày 28/7 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) chủ trì với các bên tham gia như: Trung tâm 3 - Bộ KH&CN; Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan); Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) để xác định mức độ nhiễm độc của lô hàng. Tuy nhiên, một kết luận chính thức về số phận lô hàng vẫn chưa được đưa ra. Theo Tổng cục Hải Quan, từ cuối năm 2013 đến nay, DN 3K này đã nhập 3 lô hàng với tổng số 38 tấn bột sương sáo cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm trong nước. Theo ghi nhận của PV, bột sương sáo (rau câu) của Cty TNHH TM-SX thực phẩm 3K nghi nhiễm độc vẫn được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng tạp hóa và các khu vực thương mại trên địa bàn TP Hà Nội. Ai chịu trách nhiệm nếu giám định sai Ông Trần Hùng - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, trên cả nước có 13 đơn vị giám định về ATTP. Nhưng bên này bảo đúng, bên kia bảo sai thì ai sẽ là đơn vị đứng ra giải quyết? Theo ông Hùng, nếu cán bộ Nhà nước làm giám định sai thì nên cách chức người đứng đầu. Khẳng định việc chịu trách nhiệm trước các kết quả giám định, ông Trần Việt Hưng - Phó Đội trưởng Đội 4 (Cục Chống buôn lậu) cho biết, “Không ngẫu nhiên mà trong 13 đơn vị kiểm nghiệm trên toàn quốc, chúng tôi lại chọn Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an để giám định. Khi cơ quan này đã giám định thì họ sẵn sàng chịu trách nhiệm với kết quả giám định của mình”. Tới đây, Cục Chống buôn lậu sẽ tiếp tục xử lý vụ việc, nếu thấy có dấu hiệu hình sự, sẽ đề xuất Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền. Về kết quả xét nghiệm của Trung tâm 3, ông Ngô Quý Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, ngay khi báo chí thông tin về vụ 16 tấn thực phẩm nhiễm độc, Tổng cục đã yêu cầu Trung tâm 3 rà soát lại toàn bộ quy trình lẫy mẫu kiểm nghiệm. Cho đến nay, Trung tâm 3 vẫn bảo lưu kết quả giám định về lô hàng nói trên. Đại diện Đội Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan tiếp tục xác minh vụ việc và tiến hành làm việc với chủ lô hàng, nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự, sẽ đề xuất Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền. Đội Chống buôn lậu chọn Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để giám định vì đây là cơ quan có uy tín và họ sẽ chịu trách nhiệm với kết quả giám định. Thay lời kết
Rõ ràng, các kết luận của cơ quan chức năng... vênh nhau thì DN hoàn toàn được suy đoán vô tội. Chỉ có người tiêu dùng tự đặt câu hỏi: quyền lợi của họ có thực sự được bảo vệ khi các cơ quan kiểm định vẫn “bảo lưu quan điểm” trong vô cảm. Sự kiện các cơ quan nhanh chóng ngồi lại với nhau khi có thông tin trái chiều liên quan đến vụ việc là điều cần được ghi nhận. Nhưng điều mà dư luận trông đợi hơn chính là kết luận cuối cùng liên quan đến hàm lượng độc tố của lô hàng lại chưa nhận được câu trả lời. Thiết nghĩ, không lẽ ngoài Trung tâm 3, trong số 12 đơn vị khác còn lại đã được Bộ Y tế kiểm tra, xác nhận đáp ứng đủ điều kiện và được chỉ định thực hiện việc kiểm tra và cấp chứng nhận đối với hàng hóa là thực phẩm NK lại không có thêm đơn vị nào đủ năng lực để phân tích, giám định lô hàng này? Và điều này sẽ còn đáng quan ngại hơn vì mỗi ngày có hàng tấn thực phẩm các loại được xác nhận đủ tiêu chuẩn NK để đến tay người tiêu dùng nhưng cơ quan chức năng lại không đủ khả năng phân tích, giám định nhiều loại độc tố nguy hiểm như thủy ngân, asen, chì...? Hiện, các bên đã đi đến thống nhất, trong quá trình cơ quan Hải quan điều tra, xác minh, nếu cần, cơ quan Hải quan có văn bản đề nghị Bộ Y tế chỉ định cơ quan kiểm nghiệm độc lập theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP. Kết quả giám định độc lập và xử lý ra sao, DĐDN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
|