Chỉ được đăng ký 1 hàm lượng cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV

Nội dung trao đổi:

Chỉ được đăng ký 1 hàm lượng cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc BVTV (khoản b, mục 5, điều 5, dự thảo TT 3).

Hội doanh nghiệp SXKD thuốc BVTV Việt Nam (VIPA): Thông thường cây trồng ở các giai đoạn sinh trưởng có phản ứng khác nhau với từng hóa chất trừ dịch hại cũng như đối với từng dạng thuốc trừ dịch hại. Công nghệ sản xuất khác nhau đòi hỏi phải có những chất phụ gia như: chất tăng sức căng bề mặt, chất tạo mùi, chất tạo màu, chất mang… khác nhau.

Tất cả sự khác biệt này cũng có tác động (xấu hay tích cực) đến từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Chính vì vậy người ta chỉ dùng mỗi dạng thuốc ở giai đoạn nhất định mà không được áp dụng chung cho tất cả các giai đoạn khác nhau của cây trồng. Ở mỗi một giai đoạn sinh trưởng khác nhau người ta có thể sử dụng các hàm lượng khác nhau để phát huy được hiệu quả của thuốc.

Thực tiễn cho thấy cùng với một hàm lượng sử dụng cho một loại cây trồng ở giai đoạn non sẽ gây ảnh hưởng đến cây trồng (lá xoăn lại, gióng cây không phát triển…) nhưng ở những giai đoạn sau cây vẫn phát triển bình thường mặc dù cũng sử dụng thuốc trừ dịch hại với liều lượng, hàm lượng như nhau. Một hàm lượng không thể đáp ứng được nhu cầu và lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp.

Ví dụ: một loại thuốc đăng ký với hàm lượng 10% thì liều lượng dùng 400-500g (ml)/ha, nhưng khi hàm lượng 50% thì liều lượng dùng chỉ còn 80-100g(ml/ha). Như vậy lượng thuốc sử dụng trên đồng ruộng sẽ giảm. Vì vậy nên sửa đổi điều khoản này theo hướng không hạn chế hàm lượng thuốc BVTV đăng ký.

Ông Nguyễn Mạnh Chinh, nguyên giám đốc trung tâm BVTV phía Nam, đã nghỉ hưu: Trước đây, khi mới có Abamectin thì thuốc thành phẩm chỉ có hàm lượng 1.8 EC nhưng chỉ sau một thời gian đã tăng lên gấp đôi, rồi gấp 3, thậm chí gấp gần 4 lần.

Lý do tăng được các nhà sản xuất giải thích là do sâu kháng thuốc nên phải sử dụng hàm lượng cao hơn. Hiện chưa có một nghiên cứu về hiện tượng kháng thuốc trên nhưng cũng như việc con người dùng kháng sinh, chắc chắn rằng việc kháng Abamectin của sâu rầy là do việc sử dụng thuốc không đúng.

Bởi vậy cái gốc của vấn đề là cần hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc cho đúng chứ không phải tăng hàm lượng.

Việc cùng một loại thuốc có nhiều hàm lượng thì có thể tiện dụng hơn cho nông dân, tuy nhiên nếu hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thì một loại thuốc không cần nhiều hàm lượng.

Chủ đại lý MT (Long An): Việc có nhiều hàm lượng chủ yếu xuất phát từ lý do thương mại chứ không phải vì nhu cầu sản xuất. Trong buôn bán, thường một đại lý yêu cầu nhà sản xuất phải cho mình độc quyền sản phẩm nào đấy trên địa bàn của mình và để có thể bán ra được nhiều thì nhà sản xuất chỉ còn cách làm ra một sản phẩm tương tự nhưng có hàm lượng khác để bỏ cho đại lý khác.

Thuốc có hàm lượng khác nhau thì cũng có giá khác nhau, thuốc có hàm lượng càng cao giá càng rẻ do tiết giảm bao bì, và đây là cái cớ để cho nhiều đại lý “dụ dỗ” khách hàng mua thuốc hàm lượng cao. Tuy nhiên nếu so với hiệu quả cuối cùng thì số tiền mà người nông dân tiết kiệm được do giá rẻ ít hơn nhiều so với mua thuốc hàm lượng cao.

Nội dung trao đổi kỳ tới:

Không đăng ký với thuốc hóa học là hỗn hợp các hoạt chất hóa học với sinh học (Dự thảo TT 3, điều 6, mục 3, điểm d)

Ý kiến phản biện: Thuốc sinh học thường chỉ có phổ tác dụng hẹp, điều kiện ngoại cảnh phù hợp vậy việc hỗn hợp với thuốc hóa học để phổ tác dụng rộng hơn, tăng hiệu lực hơn, thuốc sinh học được sử dụng nhiều hơn.

Thực tế nhiều nước trên thế giới vẫn hợp hợp thuốc hóa học với sinh học (Mỹ có 600/12.000 chế phẩm hỗn hợp thuốc hóa học với sinh học; Anh có 670/14.000 chế phẩm hỗn hợp hóa học với sinh học)

Rất mong bạn đọc góp ý kiến trao đổi: Ý kiến xin gửi theo địa chỉ thư điện tử: diendanbvtv@gmail.com.