Quốc tế cam kết giúp Việt Nam tái cơ cấu nông nghiệpHôm nay (29/8), Bộ NNPTNT cùng Nhóm trợ giúp quốc tế (ISG) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tổ chức Hội nghị công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề xuất, Việt Nam mong muốn các nhà tài trợ sẽ thảo luận và xem xét khả năng hỗ trợ thực hiện các kế hoạch hành động này trên các phương diện đầu tư công, thể chế, và khoa học-công nghệ. Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đã có chương trình trợ giúp cụ thể cho tiến trình tái cơ cấu của ngành nông nghiệp. Điển hình như FAO đã hỗ trợ kỹ thuật để Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch hành động cho 3 tiểu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; Chính phủ Canada hỗ trợ triển khai tái cơ cấu với Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật và chính sách để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam”. Gần đây nhất, Dự án “Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững” của Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ xây dựng một số chuỗi nông sản quan trọng. Bà Lan Hương, đại diện Văn phòng FAO Việt Nam cho biết, quan điểm hỗ trợ của FAO lấy con người là trọng tâm của tiến trình phát triển, làm sao phải tăng thu nhập cho người nông dân. Vậy nên, đối với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, FAO sẽ hỗ trợ ngành trong 4 lĩnh vực, thứ nhất là chính sách hỗ trợ và cải cách thể chế. Đối với ba lĩnh vực còn lại là thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện các quy định có tính bền vững về hàng hóa và dịch vụ, cải thiện hệ thống nông nghiệp và lương thực một cách toàn diện và có hiệu quả, FAO sẽ hỗ trợ về khoa học-công nghệ. Theo ông Nguyễn Thế Dũng, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, hiện Ngân hàng đang hỗ trợ Dự án “Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững” (vnSAT). Trong thời gian tới, Ngân hàng đề suất vnSAT sẽ tập trung vào lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và cây cà phê ở Tây Nguyên. Đánh giá về đề án tái cơ cấu của ba tiểu ngành, ông David Devine, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên việc nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, sản xuất giá trị gia tăng và phát triển bền vững với môi trường. Vì vậy, những thay đổi về thể chế để cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm của Chính phủ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và khu vực tư nhân tham gia tích cực vào các quyết định về chính sách kinh tế và thị trường là vô cùng quan trọng. “Những chính sách ưu đãi cho đầu tư vào nông nghiệp sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Canada vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ môi trường. Canada cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua việc xây dựng các chương trình phù hợp với nhu cầu cần thiết và tập trung vào các lĩnh vực mà Canada có thể đóng góp về các góc độ phát triển cũng như thương mại”, ông David Devine cho biết. Đỗ Hương |