Canh tác không làm đất và việc sử dụng thuốc trừ cỏ paraquat

Liên quan đến chuyện cấy lúa không làm đất ở Nam Định, NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (ảnh) - Phó Giám đốc Viện KHNN Việt Nam, một chuyên gia về cỏ dại…

Chuyện độc nhất ở Việt Nam

Ông có thể nói đôi điều về chuyện canh tác không làm đất?

Canh tác không làm đất không phải là điều mới lạ trên thế giới, nó là kỹ thuật đã được nhiều nước áp dụng đặc biệt là áp dụng cho sản xuất lúa nước trên các vùng ngập lũ canh tác một vụ, vùng đất trũng, tơi xốp, hay sản xuất cây trồng cạn trên các vùng đất dốc. Kỹ thuật này thường gắn liền với việc sử dụng các thuốc trừ cỏ không chọn lọc.

Tuy nhiên, cấy lúa không làm đất như ở Hải Hậu - Nam Định thì thế giới chưa có bởi họ phun thuốc trừ cỏ trên đất trống còn ta phun trên gốc rạ.

Bản thân tôi ủng hộ kỹ thuật đó nhất là trong canh tác lúa vì nó giúp nông dân giảm chi phí, bớt sức lao động, dễ áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phải nói đây là một sáng tạo của nhân dân nên chúng ta phải tìm các giải pháp kỹ thuật để ủng hộ chứ không nên chỉ lăn tăn vì chuyện phun thuốc trừ cỏ mà cản trở việc áp dụng kỹ thuật này.

Một lợi ích khá quan trọng của việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa không làm đất mà nhiều người chưa nhận ra là nó có thể khắc phục hiện tượng ngộ độc các khí độc (chủ yếu là khí metan) từ việc cày vùi gốc rạ sau khi thu hoạch vụ xuân.

Do khoảng cách thời gian giữa vụ xuân và vụ mùa ngắn, nhiệt độ cao nên khi nông dân cày vùi gốc rạ thường sinh ra lượng khí metan lớn, gây ngộ độc rễ lúa, cây lúa bị biến vàng, chậm hồi xanh. Việc áp dụng giải pháp canh tác không làm đất sẽ khắc phục cơ bản hạn chế này. Đối với vùng đất dốc, việc canh tác không làm đất kết hợp với thuốc trừ cỏ sẽ giúp hạn chế được hiện tượng rửa trôi.

Nghĩ đến thuốc trừ cỏ là nhiều người nghĩ ngay đến chất độc màu da cam khai quang hồi chiến tranh chống Mỹ?

Trên 90% diện tích lúa hiện nay của chúng ta đang phải dùng thuốc trừ cỏ. Với canh tác lúa gieo thẳng thì sử dụng thuốc trừ cỏ là không thể thiếu được, trên lúa cấy hiện nông dân cũng sử dụng nhiều để tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí. Lợi thế của thuốc trừ cỏ là hiệu quả cao, tiết kiệm sức lao động, chúng ta đã dùng nhiều năm rồi.

Đó là xu hướng chung của thế giới chứ không phải riêng ở VN. Nếu không dùng Gramoxone thì nông dân vẫn phải sử dụng một loại thuốc trừ cỏ khác.

Gramoxone là gì? Nó là thuốc trừ cỏ không chọn lọc, diệt tất cả các loài thực vật. Khi thuốc tiếp xúc với phần xanh của thực vật, chúng phá hủy chất diệp lục gây chết cây rất nhanh và đồng loạt nên khi chúng ta thường thấy hiện tượng chết xảy ra trông rất kinh khủng, và nhiều người đã nghĩ ngay đến chất độc màu da cam như đối với thuốc trừ cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Thực tế cho đến nay, trong các thuốc trừ cỏ chỉ có 2,4,5T là có chứa Dioxin (là sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình gia công 2,4,5T) nhưng chúng ta đã cấm sử dụng thuốc này từ những năm 1990. Hiện chưa có bằng chứng nào nói về hiện tượng tương tự xảy ra đối với các thuốc trừ cỏ khác ngay cả 2,4D là thuốc cùng nhóm và có công thức hóa học rất giống với 2,4,5T.

Hiện trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng ở Việt Nam có khoảng 30 hoạt chất thuốc trừ cỏ khác nhau (kể cả đơn chất và hỗn hợp) nhưng chỉ có hai hoạt chất không chọn lọc là Glyphosate và Paraquat (Gramoxone là một trong những tên thương mại của hoạt chất này).

Thuốc trừ cỏ không chọn lọc thường sử dụng trên đất không có cây trồng, đất bỏ hoang hay phun định hướng để trừ cỏ cho cây ăn quả, cây công nghiệp, ngô, sắn do thảm cỏ lâu năm khó trừ, dùng thuốc chọn lọc cho hiệu quả thấp. Nói chung chúng sử dụng trên cây trồng cạn là chủ yếu, với cây một vụ dùng một lần, với cây lâu năm dùng 2-3 lần/năm.

Nếu cấm, phải có giải pháp thay thế

Ông đánh giá thế nào về tác động đến môi trường của thuốc trừ cỏ?

Không có thuốc hóa học nào không độc cả. Thuốc sâu, thuốc bệnh một vụ dùng 3-4 lần trong khi thuốc cỏ một vụ thường chỉ dùng một lần. Cũng như vậy, không có thuốc nào không có tác động đến môi trường cả.

Dùng thuốc trừ cỏ, tác động với động vật máu nóng ít hơn so với dùng thuốc trừ sâu vì ít tác động đến hệ thần kinh. Đối với hệ vi sinh vật đất, thuốc trừ cỏ có tác động do có thể làm giảm mật độ một số nhóm vi sinh vật nhưng cũng có một số thuốc lại làm tăng mật độ một số nhóm khác vì các vi sinh vật này có thể sử dụng thuốc trừ cỏ làm thức ăn.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta cho thấy, sự biến động số lượng của các loài vi sinh vật đó thường ít kéo dài, chỉ sau 14 ngày là quần thể vi sinh vật đã hồi phục trở lại và thường sau 21-28 ngày là quay trở về quần thể ban đầu.

Đối với khả năng tích lũy dư lượng trong đất, thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng dường như ít xảy ra sự tích lũy dư lượng trong quá trình sử dụng. Khi phun lên cây trồng, một lượng thuốc nhất định bị rửa trôi xuống đất nhưng thường nằm trên bề mặt, ở đó có đủ điều kiện để phân giải thuốc như nhiệt độ cao, ánh sáng và vi sinh vật háo khí.

Trừ một số thuốc đặc biệt, thời gian bán phân hủy của các thuốc bảo vệ thực vật hiện nay thường kéo dài 7-10 ngày. Việc tích lũy dư lượng thuốc trong đất thường xảy ra trong trường hợp thuốc bị chôn vùi trong đất hay sử dụng thuốc để xử lý đất trước khi trồng cây (vùi thuốc sâu xuống đất 20-30cm và lấp đất lại trước khi trồng cây). Dư lượng thuốc BVTV tồn dư trong đất được đánh giá là ít xảy ra dù sau nhiều năm sử dụng.

18-03-23_dsc_5247
Cấy lúa không làm đất

Chúng ta nên làm gì để vừa giúp dân áp dụng giải pháp kỹ thuật mới vừa đảm bảo an toàn cho môi trường khi sử dụng thuốc trừ cỏ?

Tôi thấy thời gian qua chúng ta đã gặp lúng túng khi thấy nhiều người dân sử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác không làm đất. Chúng ta nghi ngờ về tác dụng thần tiên của thuốc trừ cỏ và có nhiều mối nghi về tác động môi trường khi thấy tác động mạnh của thuốc Gramoxone.

Theo tôi việc quan tâm bảo vệ môi trường để đảm bảo duy trì nền sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường là rất cần thiết song cần phải có những nhìn nhận đầy đủ về lợi ích của một kỹ thuật canh tác mới. Nếu Gramoxone hay các thuốc khác thuộc hoạt chất Paraquat hoặc Glyphosate mà chưa đăng ký sử dụng trên lúa thì phải đăng ký theo đúng quy định.

Còn việc đánh giá tác động môi trường phải được tiến hành theo các quy định hiện hành. Hiện chưa có yêu cầu và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các thuốc BVTV nói chung (trừ xác định thời gian cách ly) trước khi đăng ký thuốc BVTV. Như vậy việc đòi hỏi đánh giá đối với Gramoxone có thể không hợp lý về quy định?

Cũng qua đây tôi nghĩ nên chăng khi đăng ký thuốc BVTV chúng ta phải có đánh giá tác động môi trường chứ không chỉ quan tâm đến đánh giá hiệu lực sinh học. Chúng ta đang thiếu công đoạn quan trọng này. Việc đánh giá tác động môi trường thường rất tốn kém và yêu cầu thời gian dài, phạm vi đánh giá phải đủ lớn.

Mặc dù vậy, tôi đồng ý là cần thiết phải đánh giá tác động môi trường của Paraquat vì có thể ứng dụng này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà nước cần phân công đơn vị chuyên môn tổ chức đánh giá một cách độc lập, khoa học và khách quan đồng thời đánh giá luôn cả tác động môi trường của Glyphosate.

Song song với chuyện vào cuộc nghiên cứu một cách nhanh chóng vẫn cần làm các mô hình ứng dụng thử nghiệm của dân với quy mô đủ lớn để bổ sung thêm thông tin về tác động môi trường khi sử dụng trên diện rộng. Tôi thấy vài ngàn ha cấy lúa không làm đất sử dụng thuốc trừ cỏ là một tỷ lệ rất nhỏ so với vài triệu ha canh tác lúa hiện nay của Việt Nam.

Cuối cùng tôi muốn nói rằng, bộ thuốc BVTV của Việt Nam đang dùng được đánh giá là tiên tiến so với khu vực vì đã cấm thuốc độc có nguồn gốc clo hữu cơ và phần lớn các thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ. Nếu vì nghi ngờ tác động môi trường mà cấm thì cũng cần có giải pháp khác thay thế cho dân, nếu không thì dân vẫn làm vụng.

Không có Paraquat thì sẽ buộc phải dùng đến Glyphosate và rồi những nghi ngờ về tác động môi trường đang đặt ra với Paraquat cũng sẽ phải đặt ra cho Glyphosate… Hơn thế, việc sử dụng lâu dài, duy nhất một hoạt chất sẽ nhanh gây hiện tượng kháng thuốc của cỏ dại.

Xin cảm ơn ông!