Theo báo Daily Inquirer, tính đến ngày 6-12 hơn 500 người đã thiệt mạng, 379 người mất tích và khoảng 200.000 người bị mất nhà cửa sau khi bão Bopha, cơn bão lớn nhất trong năm, quét qua phía nam Philippines. Lực lượng cứu hộ Philippines đã phát hiện được 477 thi thể trên bờ biển phía nam, gần các thị trấn vùng núi New Bataan và Monkaya ở đảo Mindanao, nơi có nhiều mỏ khai thác vàng cùng 26 thi thể ở các đảo khác. Bão Bopha với sức gió 210 km/giờ đã gây lụt lội, lở đất trên một phạm vi rộng 700km. “Mọi thứ đã bị quét đi sạch. Chỉ còn lại người chết” - bà Erinea Cantilla ở thị trấn vùng núi New Bataan nói.
Đây là cơn bão thứ 16 đổ vào Philippines trong năm nay và là cơn bão tồi tệ nhất 12 tháng qua tại nước này. Ưu tiên của chính quyền Philippines hiện nay là tìm kiếm 379 người mất tích và xây dựng các khu tạm cư cho 179.000 người chạy bão mà nhà cửa của họ đã bị tàn phá. Gần một năm trước, cơn bão Washi cũng khiến 1.500 người thiệt mạng ở Mindanao. Những người sống sót đang đào bới trong các đống đổ nát tìm kiếm người thân hay cố nhận mặt người thân trong số những thi thể đầy bùn đất và được xếp thành những hàng dài.
Bão ít đi nhưng mạnh hơn
Báo Le Monde dẫn lời nhà nghiên cứu và chuyên gia về bão Fabrice Chauvin thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về thời tiết của Pháp cho rằng chính tình trạng Trái đất ấm dần lên đã tiếp thêm sức mạnh cho các cơn bão. Theo ông, bão ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương là những nhiễu động hình vòng xoáy được hình thành từ các vùng nhiệt đới khi hội đủ các điều kiện.
Đầu tiên nhiệt độ trên bề mặt biển phải tăng cao, thông thường hơn 26OC ở độ sâu khoảng 50m. Tiếp theo đó bầu không khí phải bất ổn để tạo nên hiện tượng đối lưu. Một luồng khí chuyển động thẳng đứng hình thành, đưa các phân tử nước ở tầng thấp của khí quyển lên cao đến tận tầng đối lưu (ở độ cao khoảng 15km). Khi ngưng tụ, những phân tử nước này sẽ tạo ra mưa. Hiện tượng này lại gây ra áp thấp trên bề mặt biển.
Ngoài ra, gió cũng đóng vai trò trong việc hình thành và tăng sức mạnh cho cơn bão. Khi hình thành, bão xoay theo chiều kim đồng hồ ở Nam bán cầu và ngược chiều kim đồng hồ ở Bắc bán cầu. Khi gió không vượt quá 63 km/giờ (17 m/giây) thì lúc đó mới chỉ là áp thấp nhiệt đới. Từ 63-117 km/giờ (33 m/giây) sẽ hình thành bão nhiệt đới. Nếu gió vượt quá 117 km/giờ thì lúc đó hình thành bão lớn sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại. Đông Nam Á là khu vực dễ bị bão nhất. Những cơn bão ở đây dễ hình thành vì Thái Bình Dương là
vùng đại dương rộng lớn nhất. Bởi vậy, các cơn bão có thể trở nên mạnh hơn và kéo dài hơn do vùng có độ ẩm cao mà không gặp sự cản trở của lục địa làm giảm sức mạnh của bão. Nhiệt độ bề mặt ở Thái Bình Dương cũng ấm hơn, có thể lên tới 30OC.
Cộng đồng khoa học hiện cho rằng số lượng các cơn bão có giảm nhẹ cùng với sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu. Tuy nhiên, cùng lúc đó số lượng các cơn bão có sức tàn phá dữ dội lại tăng lên. Điều này, theo ông Chauvin, có thể giải thích là do nhiệt độ đại dương tăng cộng với mực nước biển cũng tăng lên. “Chúng ta sẽ phải đón nhận những hiện tượng thời tiết dữ dội hơn nữa trong tương lai với những trận mưa khủng khiếp, cao hơn hiện nay khoảng 20%” - ông nói.
Vấn đề toàn cầu
Trong khi đó, theo AFP, tại Doha (Qatar), nơi đang diễn ra hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, trưởng đoàn đại biểu Philippines Naderev Yeb Sano đã lên tiếng cảnh báo siêu bão Sandy và giờ là Bopha là những bằng chứng rõ ràng cho thấy hiện tượng biến đổi khí hậu đang thật sự diễn ra.
“Vào thời điểm mà lẽ ra chúng ta đếm từng ngày đến Giáng sinh thì chúng tôi lại đang phải đếm số người chết ở nước mình - ông Sano than thở - Chúng ta không cần phải miệt mài tranh cãi xem liệu hiện tượng biến đổi khí hậu có đang diễn ra hay không. Cái cần bàn là toàn thế giới phải theo dõi diễn biến của nó ra sao”.
Theo ông, biến đổi khí hậu là một vấn đề cho phát triển chứ không chỉ là cho môi trường, hoặc có thể là cả hai vấn đề cùng lúc. Vì vậy tính bền vững là vấn đề mấu chốt.