Chất độc dioxin: Là một loại cực độc có mặt trong hầu hết các môi trường thành phần, ít tan trong nước, tồn tại nhiều và lâu ở đất, trầm tích (có khi đến 30-40 năm), xâm nhiễm qua con đường thực phẩm, vào thực vật, rồi vào tôm cá, vào rau quả và cuối cùng vào con người. Cũng có thể ngộ độc trực tiếp do hô hấp, hay qua da do tiếp xúc, hay qua nước uống. Nếu liều lượng cao có thể gây độc cấp tính, nếu liều lượng thấp gây độc mãn tính, nhất là gây ung thư.
Độc chất gây ung thư có trong thực phẩm và qua chế biến thực phẩm: Các độc chất từ thuốc trừ sâu và phân hóa học. Chúng tồn dư trong môi trường đất, nước rồi tích lũy vào sản phẩm nông nghiệp như lúa, khoai, rau quả. Chúng cũng có mặt trong thực phẩm dưới vai trò là chất bảo quản, diệt nấm mốc hoặc là tạp chất sinh ra trong quy trình nuôi trồng, sản xuất hoặc chế biến thực phẩm.
Độc chất formon, hàn the: Là hợp chất hữu cơ rất độc, thế nhưng lại bị lạm dụng làm bánh phở, hủ tiếu, bún, bánh ướt để bánh dai và lâu thiu. Nó làm biến dị các nhiễm sắc thể, gây nên các bệnh gây ung thư cho người như: ung thư xoang mũi, họng, phổi, ung thư đường tiêu hóa. Còn hàn the thì khi đưa vào cơ thể, khoảng 20% sẽ tích tụ vĩnh viễn và gây tổn thương các tế bào gan, teo tinh hoàn và là tác nhân gây ung thư không kém formon.
Độc chất 3-MCPD và 1,3-DCP: có trong nước tương do quy trình công nghệ không hợp lý. Chúng được tạo ra từ quá trình thủy phân chất béo (váng dầu) bằng dung dịch axit clohydric. Chất này có khả năng biến đổi gen, và đặc biệt nguy hiểm hơn khi hàm lượng 3-MCPD cao, tạo điều kiện thuận lợi hình thành một chất gây ung thư mạnh hơn đó là 1,3-DCP (1,3- diclopropan-2-0l) gây nên khối u thận, biểu mô miệng, lưỡi và biểu hiện gây ung thư trên cơ thể động vật, tất nhiên nó sẽ gây ung thư cho người rất cao.
Độc tố gây ung thư của nấm mốc: Mỗi buổi nhậu, người ta bày ra một gói đậu phộng rang hay một gói hạt điều cho thực khách nhấm nháp, uống bia… Nhưng nếu các hạt này bị mốc, thấy rõ ở mầm hạt, màu vàng xám hoặc đen, thì ung thư sẽ có thể xảy ra khi ăn nhiều loại này.
Độc tố gây ung thư do rượu: Khi rượu được đưa vào trong cơ thể người, quá trình chuyển hóa của rượu có sinh ra acetaldehyd (Aa), là một carcinogen trong các mô động vật, là chất gây biến dị vi khuẩn và các tế bào động vật có vú. Sau thời gian nghiện rượu mãn tính, Aa có nồng độ cao trong máu tăng nguy cơ gây ung thư gan và các tổ chức khác trong cơ thể. Aa có khả năng làm DNA đột biến, gây ung thư.
Độc chất gây ung thư từ thuốc lá: Nhiễm độc khói thuốc lá không chỉ cho người hút mà nguy hại hơn là nó ô nhiễm môi trường gây cho người hít phải, nhất là trẻ con bị ung thư phổi. Thành phần khói thuốc lá rất phức tạp, có tới hơn 4.000 hợp chất trong đó 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và nguy hiểm hơn nữa là số lượng chất gây ung thư cho người lên 40 chất.
Một số độc chất gây ung thư sinh ra từ ô nhiễm môi trường khác:
- Các chất khí thải của động cơ và các lò đốt công nghiệp sử dụng nhiên liệu than, củi, xăng... Bụi chì từ khói xe, SO2, N2O, Clo từ khói thải nhà máy, bụi phấn, thậm chí cả nước hoa quá liều nữa. Bụi xi măng, chứa nhiều hạt silic có kích thước từ 1-5 micro mét. Những chất khí này khi vào phổi sẽ nằm lại trong các phế nang, phế quản, gây ung thư phổi, ung thư thanh quản…
- Nhựa Polychlorobipheyl (PCB) được sử dụng rộng rãi dưới dạng các sản phẩm như: dầu nhờn, cồn dán, xi đánh giày, chất hút bụi, thuốc trừ sâu, dưới tác dụng của nhiệt độ môi trường sẽ bị phân hủy thành nhiều chất dioxin cực độc hại dẫn đến ung thư ác tính.
- Bụi amian (cả amian trắng, xanh hay nâu) trong không khí hay sợi amian trong nước từ các mái nhà lợp tôn phibroximăng theo nước mưa chảy xuống, là nguyên nhân gây ung thư phế quản, phổi, biểu mô.
- Chất fenol có trong dầu vỏ hạt điều, là một chất độc trong môi trường nước và cả trong môi trường không khí, nó có mặt trong khói khi đốt vỏ hạt điều có khả năng gây ung thư.
Muốn tránh các bệnh nêu trên, đối với mỗi người phải tự xây dựng cho mình một môi trường sống, sinh hoạt phải sạch và lành mạnh, tránh việc sử dụng các đồ ăn, thức uống có nguy cơ gây độc cao.