Lượng xả thải ngày càng lớn từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy sản đã khiến nguồn nước, môi trường đất, không khí bị ô nhiễm... Đây là một mối hại lớn đang gây nhiều áp lực lên môi trường nông thôn, đe dọa sức khỏe dân cư ở khu vực này.
Môi trường hứng chịu chất thải nông nghiệp
Đề cập đến thực trạng này, GS-TS Đặng Kim Chi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho biết: “Việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nông thôn.
Theo kết quả nghiên cứu về quá trình hấp thụ phân bón trong trồng trọt, hầu hết các cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 40-50% lượng phân bón. Trong khi đó từ năm 2008 đến nay, tình trạng sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV tăng trung bình khoảng 481.167 tấn/năm. Nếu không có biện pháp quản lý thì dư lượng thuốc BVTV có thể ngấm vào môi trường từ 192.467 - 240.583 tấn/năm”.
|
Ước tính lượng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản không được dùng hết, thải ra môi trường 1,32 triệu tấn/năm. Ảnh minh họa: Nuôi tôm hùm ở Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Mai Khuê |
GS-TS Đặng Kim Chi phân tích thêm: Việc thâm canh mùa vụ làm tăng nhanh khối lượng phế phụ phẩm sau thu hoạch như rơm, rạ, trấu, cám… Như ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, ước tính lượng chất thải rơm, rạ hàng năm lên tới 76 triệu tấn. Biện pháp xử lý chủ yếu đối với loại chất thải này là đốt ngoài đồng, tạo nên các luồng khói bụi ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí.
Trong chăn nuôi, cùng với sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng tăng. Mỗi năm nguồn thải từ chăn nuôi thải ra môi trường lên tới 84,5 triệu tấn bao gồm phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm. Bên cạnh gây ô nhiễm môi trường đất, nước, thì tình trạng ô nhiễm mùi và không khí do phân hủy chất thải chăn nuôi cũng là vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Một ví dụ điển hình là tình trạng gây ô nhiễm của trại lợn giống Thái Dương tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), đã gây thiệt hại 14,2ha diện tích lúa và 4,23ha diện tích nuôi cá, khiến người dân trong vùng bức xúc.
Nuôi trồng thủy sản cũng là yếu tố gây ô nhiễm môi trường cần được quan tâm, do hiện nay diện tích đất nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng dẫn đến tình trạng xâm mặn vào đất liền, xảy ra các dịch bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng đất, môi trường sống của quần xã sinh vật...
Nên bắt buộc dùng công nghệ xử lý chất thải
Để hướng tới phát triển bền vững tại các vùng nông thôn, theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cần có định hướng các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, ưu tiên các công nghệ phòng ngừa và giảm thiểu chất thải nông nghiệp và nông thôn, công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải nông nghiệp. Bắt buộc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi, nước thải nuôi trồng và chế biến thủy sản đạt yêu cầu tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường trước khi xả thải.
Để kiểm soát ô nhiễm do phát triển nông nghiệp, nông thôn, GS- TS Đặng Kim Chi cho rằng: “Cần nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ tham gia các hoạt động quản lý môi trường cấp huyện, xã. Cần có các đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cấp quản lý chất thải nông thôn, phân công rõ trách nhiệm quản lý môi trường tại các vùng sinh thái, các vùng chăn nuôi”.
Theo ThS Trần Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ (Viện Môi trường nông nghiệp), cần tăng cường công tác chống nhập lậu hóa chất BVTV không rõ nguồn gốc, đồng thời tiếp tục nghiên cứu các công nghệ xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khu vực ô nhiễm hóa chất BVTV, trong đó ưu tiên các giải pháp công nghệ không đốt”.
Điều tra của Bộ TNMT, tính đến tháng 6. 2015 trên địa bàn toàn quốc thống kê được 1.562 điểm tồn lưu do hóa chất BVTV trên 46 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất BVTV có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. |