Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Tiêu chuẩn như vậy quả là khó cho người tiêu dùng vì họ không thể biết rau, củ, quả khi đến tay mình có bảo đảm chất lượng hay không. Hiện ở nước ta chưa có rau, củ, quả nào được xác nhận là rau, củ, quả sạch mà chỉ có chứng nhận những vùng trồng rau, củ, quả an toàn - gọi tắt là rau an toàn (RAT). Chúng ta lại chưa có các biện pháp và phương tiện phát hiện nhanh các loại rau, quả bẩn (nếu có chăng chỉ các cơ quan chức năng khi cần thiết phải xét nghiệm mẫu theo yêu cầu với những thủ tục rất nhiêu khê, kinh phí lại tốn kém). Việc dùng vô tội vạ, thiếu hiểu biết các loại thuốc trừ sâu trước khi thu hoạch của một số người trồng rau càng làm chất lượng rau thêm mất an toàn. Việc thời gian gần đây không ít người nội trợ "tẩy chay" các loại rau lá, chuyển sang dùng củ, quả với suy nghĩ củ, quả có vỏ sẽ an toàn hơn, rồi lại có tin đồn rau dạng củ, quả nhiễm độc và gây nguy hại cho sức khỏe con người còn hơn rau dạng lá (!) đã không chỉ gây hoang mang cho người sử dụng mà còn làm thay đổi xu hướng và tập quán tiêu dùng, ảnh hưởng tới chi tiêu, kinh tế gia đình.
Khách hàng lựa chọn rau tại siêu thị Vân Hồ. Ảnh: Khánh Nguyên |
Hiện trên thị trường đang có RAT nhưng lại không có chợ RAT, RAT nhưng giá bán như rau không an toàn... đó là vấn đề mà HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, Gia Lâm (đơn vị sản xuất trên 250ha RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp ra thị trường từ 50 đến 70 tấn rau các loại/ngày) đang có nhiều "tâm tư" nhất. Ông Nguyễn Văn Đức, chủ nhiệm HTX cho biết: Do sản lượng nhiều nên sau khi thu mua của bà con, HTX chỉ dán tem RAT được đối với những "lô" rau lớn, còn lại phải chở ra chợ đầu mối bán buôn với giá chỉ nhỉnh hơn rau thông thường chút ít, chưa kể nhiều hôm còn bị ế, phải bán rẻ. Do đó, không thể kiểm soát được việc khi bán đến tay người tiêu dùng, người kinh doanh có "trộn" rau không an toàn vào hay không, hay mượn danh RAT để tiêu thụ rau bẩn?
Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) cho biết, tại Việt Nam có đến 75% diện tích sản xuất nông nghiệp thuộc các hộ nhỏ lẻ và cung cấp trên 60% nông sản, hầu hết được bán trực tiếp tại các chợ phục vụ dân sinh, song vẫn chưa có cách quản lý ATTP triệt để. Tuy nhiên, sẽ không khó quản lý, kiểm tra nếu tập hợp được các hộ nhỏ lẻ thành nhóm sản xuất và để họ tự bảo đảm chất lượng, tự kiểm tra lẫn nhau. HTX Văn Đức đã tạo được sức mạnh khi đứng ra "cầm trịch" giúp gần 1.100 hộ gia đình khai thác thị trường, bảo đảm về mặt chất lượng và kiên quyết loại trừ những hội viên không tuân thủ đúng quy trình sản xuất. Đây là một biện pháp hữu hiệu để phát triển các hộ sản xuất nhỏ trồng RAT theo quy trình bảo đảm ATTP, rất cần được thành phố nghiên cứu, đánh giá và nhân rộng.
Theo khảo sát, ở Hà Nội, từ chợ cóc, chợ tạm đến chợ chính hay chợ đầu mối đều tràn ngập các loại rau, củ, quả được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ, nhìn bắt mắt hơn và thực tế là đang lấn át rau quả nội... Mặc dù nhiều người tiêu dùng khuyên nhau, để yên tâm về chất lượng thì nên mua và ăn rau, củ quả theo mùa của ta, song không phải lúc nào người ta cũng có thể phân biệt rành rẽ đâu là rau nội, đâu là rau Trung Quốc.
Hà Nội là thị trường lớn, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư phát triển các vùng trồng rau sạch, phải có một chiến lược rõ ràng và một thái độ dứt khoát, kiên quyết trong phát triển mạng lưới tiêu thụ tương ứng. Việc đầu tiên là thành phố cần xây dựng được một chợ đầu mối RAT để cung cấp thường xuyên, ổn định RAT cho các chợ dân sinh trên địa bàn. Bên cạnh đó, cũng vì kinh doanh RAT vất vả, lại không có lợi nhuận cao nên các doanh nghiệp, đặc biệt là Tổng công ty Thương mại Hà Nội phải phát huy vai trò thương mại nhà nước, xây dựng cho được mạng lưới bán lẻ RAT ổn định, lâu dài chứ không chỉ nặng về kinh doanh các mặt hàng "dễ ăn" như hiện nay. Cho nên, duy trì và phát triển thị trường RAT rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố.