TT - Hôm nay 12-2, Quốc hội Hi Lạp phải quyết định sẽ cắn răng chịu đựng các quy định hà khắc của Liên minh châu Âu (EU) để được cứu trợ hay chấp nhận vỡ nợ và rời khối đồng euro.
Người biểu tình ở Athens ném bom xăng vào cảnh sát chống bạo động - Ảnh: Reuters |
Theo Hãng tin AFP, hôm qua 11-2 Chính phủ Hi Lạp đã thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng khổ hạnh mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đòi hỏi. Theo đó, chính quyền Athens sẽ cắt giảm 15.000 việc làm trong các cơ quan nhà nước, giảm mức lương tối thiểu 22% từ 751 euro (gần 1.000 USD/tháng) xuống còn 600 euro (gần 800 USD/tháng), cải tổ hệ thống lương hưu để tiết kiệm thêm 300 triệu euro (397 triệu USD/năm).
Các bộ trưởng tài chính khối đồng euro (Eurogroup) còn đòi Athens bằng mọi cách phải tiết kiệm thêm 325 triệu euro (432 triệu USD) trong năm 2012. Nội các của Thủ tướng Lucas Papademos buộc phải chấp nhận. Cái giá của sự cùng khổ này là gói cứu trợ 130 tỉ euro (171 tỉ USD) của EU và IMF. AFP cho biết chính phủ đã trình Quốc hội Hi Lạp thỏa thuận này để các nghị sĩ bỏ phiếu trong ngày hôm nay.
Liều thuốc quá đắng
Nếu Quốc hội nói không, Hi Lạp sẽ vỡ nợ vào ngày 20-3, ngày chính quyền Athens phải trả nợ 14,5 tỉ euro (19 tỉ USD). Khi đó, Hi Lạp chắc chắn sẽ bị “đá” văng khỏi khối đồng euro. “Một cuộc vỡ nợ không kiểm soát sẽ đẩy đất nước vào thảm họa - AFP dẫn lời Thủ tướng Papademos cảnh báo các nghị sĩ - Kinh tế sẽ rơi vào hỗn loạn, xã hội sẽ bùng nổ”.
Theo báo Wall Street Journal (WSJ), EU và IMF buộc các nhà lãnh đạo Hi Lạp phải cam kết bằng văn bản là sẽ quyết tâm cắt giảm chi tiêu, bởi trước đó Athens cũng từng cam kết thắt lưng buộc bụng tối đa nhưng không làm được. WSJ mô tả trong cuộc họp Eurogroup hôm 9-2 tại Brussels (Bỉ), 16 bộ trưởng tài chính khối đồng euro đã đồng loạt “mắng mỏ” Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Evangelos Venizelos như thể “16 bậc phụ huynh giận dữ trừng phạt một đứa con”.
Nhiều nghị sĩ Hi Lạp đã lên tiếng phản đối thỏa thuận cắt giảm ngân sách để đổi lấy cứu trợ. AFP dẫn lời chủ tịch Đảng LAOS (thành viên liên minh cầm quyền) George Karatzaferis tuyên bố 16 nghị sĩ LAOS sẽ bỏ phiếu chống. “Chúng tôi không chấp nhận sự nhục nhã của cả dân tộc như thế này”. Ông mô tả Hi Lạp đang “rên xiết dưới gót giày của Đức (Chính phủ Đức gây sức ép để EU và IMF cứng rắn với Hi Lạp)”.
Một số nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội (Pasok) chỉ trích EU xâm phạm quá sâu chủ quyền Hi Lạp. Một thứ trưởng thuộc Pasok đã từ chức sau khi cáo buộc EU “tống tiền” Hi Lạp. Dù vậy, AFP cho biết hai đảng lớn trong liên minh cầm quyền là Pasok và Dân chủ mới vẫn có thể huy động đủ số phiếu để quốc hội thông qua thỏa thuận với EU và IMF.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định “liều thuốc đắng” của EU và IMF có thể phản tác dụng, nền kinh tế Hi Lạp sẽ chìm sâu thêm vào suy thoái. Theo Bloomberg, các biện pháp thắt lưng buộc bụng thời gian qua đã đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở Hi Lạp lên tới 21%, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên là hơn 40%. Do tiêu dùng sụt giảm, GDP giảm 11,7% từ năm 2009 đến 2011 và dự báo tiếp tục giảm 5-6% trong năm 2012.
Bạo động xã hội
Biên tập viên kinh tế trang BBC Stephanie Flanders nhận định vấn đề là gói “cứu trợ” EU và IMF dành cho Hi Lạp sẽ không cứu người dân nước này. Đơn giản là Athens buộc phải chi phần lớn số tiền cứu trợ để trả nợ các nhà đầu tư trái phiếu. Nếu Hi Lạp vỡ nợ, các ngân hàng Đức và Pháp đang ôm một số lượng lớn trái phiếu Chính phủ Hi Lạp sẽ là những chủ nợ đầu tiên bị thiệt hại.
Do đó, dễ hiểu tại sao người dân Hi Lạp không chấp nhận yêu sách của EU và IMF. Reuters đưa tin từ hôm 10-2, hai công đoàn lớn nhất Hi Lạp là Adedy và Gsee đã tổ chức các cuộc đình công rầm rộ trên toàn quốc, kéo dài đến hết hôm nay 12-2. “Các biện pháp hà khắc đã gây quá nhiều đau khổ cho thanh niên, người thất nghiệp và người nhận lương hưu - Reuters dẫn lời đại diện công đoàn Adedy: Chúng tôi không chấp nhận. Người Hi Lạp đang nổi dậy”.
Theo AFP, từ hôm 11-2 người biểu tình đã bao vây tòa nhà Quốc hội Hi Lạp ở Athens. Một số kẻ quá khích đeo mặt nạ đen đã ném bom xăng, gạch đá và chai lọ vào hàng rào cảnh sát bảo vệ. Cảnh sát chống bạo động đã đáp trả bằng hơi cay. Hàng chục người đã bị thương. Trong khi đó, các công đoàn đại diện lực lượng cảnh sát tuyên bố sẽ đề nghị ra lệnh bắt giữ các chủ nợ quốc tế vì tội “hạ thấp giá trị của tự do và dân chủ”.
WSJ dẫn lời một số chuyên gia kinh tế nhận định xã hội Hi Lạp sẽ biến động dữ dội nếu Athens chấp nhận cứu trợ. Khả năng Hi Lạp chấp nhận vỡ nợ và rời khối đồng euro hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên cái giá phải trả đối với người dân Hi Lạp cũng sẽ rất đắt. Và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế châu Âu và toàn cầu là không thể lường trước được.
SƠN HÀ - tuoitre.vn