Phân bón kém chất lượng tràn lan đã gây tổn hại rất lớn tới SX của nhà nông
Tình trạng phân bón kém chất lượng tràn lan ở các tỉnh phía Nam vẫn chưa dẹp được, mặc dù công tác thanh kiểm tra chất lượng phân bón đã được ngành NN- PTNT nhiều tỉnh đưa vào công tác trọng tâm, thường xuyên.
Theo số liệu tổng hợp báo cáo từ 17 tỉnh thành phía Nam cho thấy năm 2009, lực lượng thanh tra nông nghiệp và thị trường đã lấy và phân tích 859 mẫu phân bón các loại thì có tới 419 mẫu, chiếm 48,78% không đạt chất lượng như tiêu chuẩn được nhà SX công bố và in ngoài bao bì. So với năm 2008, năm được coi là ngành phân bón có nhiều biến động nhất và cũng là năm lộn xộn nhất trong lịch sử thì tỷ lệ phân kém chất lượng không những không giảm mà còn tăng thêm 1,6%
Lâm Đồng là tỉnh có số lượng mẫu lấy nhiều nhất với 195 mẫu, nhưng số mẫu có kém chất lượng cũng đạt cao nhất với 97 mẫu, chiếm 49,74%; Long An lấy 136 mẫu trong đó có 89 mẫu kém chất lượng, chiếm 65,44%; Bến Tre lấy 70 mẫu, trong đó có 31 mẫu k1m chất lượng, chiếm 44,29%; An Giang lấy 47 mẫu, trong đó 22 mẫu kém chất lượng, chiếm 46,81%; Trà vinh lấy 58 mẫu, trong đó có 26 mẫu có thành phần dinh dưỡng kém chất lượng, chiếm 44,83%; Bình Phước lấy 40 mẫu, trong đó có 21 mẫu kém chất lượng, chiếm 52,5%; Tiền Giang lấy 38 mẫu, trong đó có 25 mẫu kém chất lượng, chiếm 65,79%; Vĩnh Long lấy 44 mẫu, trong đó có 12 mẫu kém chất lượng, chiếm 27,27%...
Trong số phân kém chất lượng thì tỷ lệ cao nhất vẫn thuộc về phân vô cơ (phân đơn, phân NPK) chiếm 58% (giảm 11%), tỷ lệ phân hữu cơ là 23,17% (tăng 4%) và phân bón lá là 18,74% (tăng 7,1%). Tuy cũng có điều an ủi là tuy tỷ lệ số mẫu phát hiện kém chất lượng trên tổng số mẫu kiểm tra là rất cao nhưng chủ yếu là những sản phẩm của những Cty nhỏ, không tên tuổi.
“Nổ” nhất chắc phải kể đến DNTN Nông Phát (Cai Lậy – Tiền Giang) khi dám đưa ra thị trường sản phẩm “NPK đa vi lượng cao cấp” với chất lượng công bố là N: 20%, P2O5: 20 %và K2O – cũng 20%. Không hiểu công nghệ của Nông Phát hiện đại đến đâu, nguyên liệu đầu vào gồm những siêu chất gì mà sản xuất được phân NPK có tổng hàm lượng dinh dưỡng các nguyên tố đa lượng N,P,K lên đến 60% (chưa kể hàng loạt vi lượng khác) trong lúc các nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới cũng chào thua. Và kết quả phân tích đúng như lý thuyết - N: 17,8%, P2O5: 20,7% và K2O: 10,7%.
Không kém Nông Phát, DNTN Thuận Lợi (Châu Thành, An Giang) tung ra sản phâm “Supe lân số 1” với chất lượng công bố hàm lượng P2O5 16%, nhưng tội nghiệp cho kỹ thuật viên phân tích khi cân đong đo đếm “công phá mẫu” đến mấy lượt mà vẫn không phát hiện dược dấu vết của lân ở đâu. Tương tự, khi phân tích mẫu Lân hạt của Cty TNHH Nam Việt Tân (Long Thành, Đồng Nai) cũng không phát hiện dấu vết của kali, đã vậy hàm lượng hữu cơ cũng chỉ đạt 4,6% (công bố là 15%), khiến người ta giật mình vì hàm lượng dinh dưỡng trong loại phân này không cao hơn… đất. Sản phẩm lân HCSH D&P 0-20 TE của Cty TNHH Đạt Nông (Quận 6, HCM) có chất lượng công bố P2O5: 22%; Calcium: 20-30% …nhưng khi phân tích chỉ đạt P2O5: 10,6%; Calcium: 10,8%
Việc phân hữu cơ có chất lượng như đất còn được phát hiện ở một số sản phẩm của những công ty khác. Sản phẩm phân Lân + Can xi của Cty TNHH An Phước có chất lượng được công bố: HC- 15%, P2O5- 26%, CaO- 17% nhưng khi phân tích chỉ thấy HC- 1,6%, P2O5 – 3,2 % và CaO – 6,42%. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh của của Cty TNHH Nông Việt (Quận 9, TP HCM) công bố chất lượng hàm lượng hữu cơ là 15% nhưng phân tích chỉ đạt 4,5%...
Phân bón lá là loại phân được khá nhiều “bạn đồng hành nhà nông” ăn gian: Phân bón lá Aronboss siêu can xi của Cty TNHH Đức Nông (Gò vấp TPHCM) có hàm lượng dinh dưỡng công bố CaO -24,3%, MgO – 3%, N- 13,8% nhưng khi phân tích chỉ thấy CaO – 19,5%, MgO – 0,91% và N – 0,64%; Phân bón lá TM – 5L của Cty CP Thiên Minh (Bình Chánh – TP HCM) có hàm lượng dinh dưỡng công bố N-5%, P2O5 – 4%, K2O – 3% và Zn – 2,5% nhưng khi phân tích chỉ đạt N-1,96%; P2O5 – 0,1%, K2O – 1% và Zn – 0,001%.
baomoi.com