Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11810195
Trực tuyến: 35

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 4728
Gửi lúc 13:08' 02/05/2013
Kiểm soát Dioxin trong thức ăn chăn nuôi

Dioxin từ lâu đã được biết như là một chất độc cực mạnh, nó có thể gây nhiều bệnh ung thư như ung thư gan, tuỷ, thận, phổi; gây suy giảm khả năng miễn dịch, làm phôi thai phát triển bất thường gây dị tật bẩm sinh, gây bệnh tim mạch, tổn thương da, tiểu đường, rối loạn nội tiết.

Dioxin là tên gọi chung để chỉ một nhóm trên 200 chất có tên dioxin và các chất giống dioxin. Trong số này một chất được coi là độc nhất có tên là 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin (TCCD). Khi vào trong cơ thể động vật và người, dioxin tích tụ nhiều trong mô mỡ, mô cơ và sữa. Thai và trẻ nhỏ rất nhạy cảm với độc dioxin. Thời gian để cơ thể đào thải một nửa lượng dioxin khỏi cơ thể phải mất 10 năm.

Dioxin có thể sinh ra do đốt chất thải công nông nghiệp, do cháy rừng, do sử dụng khí đốt… Một số rác thải chứa clo có trong nhựa PVC, trong thuốc trừ sâu, trong chất tẩy trắng giấy… khi bị đốt cháy, nguyên tố clo được giải phóng ra sẽ kết hợp với cacbon và hình thành các chất dioxin.

Nguồn chính của dioxin ô nhiễm vào thức ăn chăn nuôi để từ đó đi vào chuỗi thực phẩm là dầu máy đã qua sử dụng và kaolin, một chất dùng nhiều trong sản xuất đồ sứ.

Mức an toàn của dioxin biểu thị bằng chỉ tiêu “lượng thu nhận có thể chấp nhận” (TDI: Tolerable Daily Intake) tuy hơi khác nhau ở mỗi nước nhưng ở giới hạn cực thấp, từ 1 phần đến vài phần của 1.000 tỷ gram (1 picrogram = 10-12g). Tính theo một kilô thể trọng của người, mức an toàn của dioxin được quy định ở một số nước như sau (dẫn theo Our Food-Dabatase of Food & Related Sciences):1 pg/kg thể trọng (Đức), 4 pg/kg thể trọng (Hà lan), 10 pg/kg thể trọng (Canada), 0,03 pg/kg thể trọng (Hoa kỳ).

Dioxin rất khó phân tích. Trong các hợp chất dioxin, PCB (poly chlorinated biphenil) luôn đi cùng và dễ phân tích cũng như không tốn thời gian phân tích như dioxin, cho nên người ta coi hàm lượng PCB như là một chỉ số của dioxin. Nếu mỡ sữa chứa 0,1 pg/g PCB thì có nghĩa là có mức nhiễm dioxin cao. Chất béo trong lòng đỏ trứng chứa tối đa 0,060 pg/g PCB thì có nghĩa mức dioxin ở giới hạn an toàn.

Cuối tháng 12 năm 2010 ở Đức phát hiện ra sự dây nhiễm dioxin trong trứng và thịt gà, mức dioxin được xác định là gấp hai lần mức cho phép. Cơ quan thú y Đức cho rằng dầu máy đã qua sử dụng đã bị trộn vào thức ăn cho gà.

Lấy mẫu dầu từ một công ty thức ăn chăn nuôi có tên là Harles & Jentzsch ở miền Bắc nước Đức, các nhà khoa học đã thấy rằng trong 30 mẫu khảo sát có 12 mẫu có mức dioxin ở giới hạn an toàn, nhưng có tới 10 mẫu có mức dioxin ở mức từ 0,66 đến 58,17 nanogram, như vậy có mẫu đã có mức dioxin gấp 77 lần mức cho phép (0,75 nanogram). Loại dầu này công ty Harles & Jentzsch đã mua từ một nhà phân phối của Đức và đã được dùng để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi và từ đó làm cho các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa bị nhiễm dioxin.

Để ngăn ngừa nguy cơ ăn phải thực phẩm nhiễm dioxin, chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa 4.700 nông trại; 8.000 gà mái đẻ và 10.000 trứng bị tiêu huỷ, 1.700 lít sữa mỗi ngày bị đổ bỏ với thiệt hại ước tính 40-60 triệu Euro mỗi tuần (theo AFP). Hàn Quốc đã cấm nhập khẩu các sản phẩm lợn và gà từ Đức do e sợ ô nhiễm dioxin còn Nga thì tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp kiểm soát đối với các sản phẩm từ thịt của Đức và một số nước châu Âu và có thể cấm nhập khẩu các sản phẩm trên nếu thấy cần thiết.

Câu chuyện trứng và thịt của Đức nhiễm dioxin năm 2010 làm người ta nhớ lại vụ bê bối về dioxin trong thức ăn gia súc xẩy ra ở Bỉ vào tháng 6 năm 1999. Thức ăn gia súc Bỉ thời gian đó đã bị nhiễm dioxin ở mức cao do thức ăn được trộn với dầu máy đã qua sử dụng. Khi thịt và thức ăn của Bỉ xuất sang các nước châu Âu thì lúc đó toàn châu Âu được coi là đã mang PCB và dioxin.

Sau đó thức ăn gia súc của Thuỵ Sĩ cũng được phát hiện là bị nhiễm dioxin. Nguyên nhân là do các nhà máy thức ăn chăn nuôi nước này đã dùng kaolin để cải thiện tốc độ chảy của dòng thức ăn khi bơm từ kho này đến kho khác.

Kaolin của Đức với mức dioxin cao cũng đã được thêm vào thức ăn gia súc của Áo và Đức và sản phẩm từ động vật được nuôi bằng thức ăn thêm kaolin đã có mức dioxin cao hơn giới hạn cho phép 5-6 lần.

Để ngăn chặn nguy cơ nhiễm dioxin vào chuỗi thực phẩm cần ngăn chặn các con đường nhiễm dioxin vào thức ăn chăn nuôi. Dioxin thấy chủ yếu có trong dầu mỡ cho nên cần kiểm soát nó từ dầu mỡ. Không sử dụng dầu mỡ có hàm lượng cao dioxin, nhất là dầu sinh học đã qua chạy máy để đưa vào thức ăn chăn nuôi. Dầu cá có nguy cơ bị nhiễm dioxin ở mức cao nếu nguồn nước bị nhiễm dioxin. Gần đây một hệ thống xử lý giảm thiểu ô nhiễm dioxin trong dầu cá bằng chất hấp phụ cacbon và silicon đã được áp dụng, hệ thống này đã loại bỏ được từ 10-99% dioxin trong dầu cá nhưng chất lượng dinh dưỡng của dầu vẫn không bị tổn hại.

Ngoài những biện pháp trên thì các biện pháp khác nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm của môi trường đất, nước và không khí đối với dioxin là quan trọng, những nguồn dioxin này của môi trường, đặc biệt của khí thải công nghiệp, chính là thủ phạm gây nhiễm dioxin cho thực phẩm.

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website