Ảnh minh họa |
Trong tháng 5, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm các mặt hàng có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm được dư luận quan tâm như cá tầm nhập lậu, cá trê, cá quả, gừng nhiễm hóa chất độc hại.
Kết quả kiểm tra đột xuất về mẫu gừng tại 10 chợ đầu mối ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đã phát hiện 1 trên tổng số 55 mẫu có dư lượng Aldicard 0,06 phần triệu, cao hơn so với quy định của Liên minh Châu Âu và Nhật Bản.
Mẫu gừng này được phát hiện tại chợ Bình Điền, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cảnh báo, do dư lượng hoạt chất Aldicard phát hiện trong gừng không cao nên gừng sẽ được coi là mặt hàng có nguy cơ mất an toàn, chứ không phải là mất an toàn. Ông Hồng ví như người đi xe khi nhìn thấy kim xăng đến vạch đỏ chưa có nghĩa là hết xăng đến mức không còn đi được nữa.
Liên quan đến vấn đề bơm nước vào thịt lợn ở một số tỉnh miền Nam, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hành vi bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ sẽ làm cho thịt gia súc dễ nhiễm các loại vi sinh, chất lượng thực phẩm không đảm bảo, ngoài ra thịt sẽ bị nhiễm một số chất không có lợi cho sức khỏe con người.
Ông Thành nhấn mạnh hiện ngành “đã tăng cường kiểm tra một số cơ sở giết mổ gia súc ở miền Nam và phát hiện sản phẩm lợn, trâu bò được bơm nước trước khi giết. Đề nghị đóng cửa các cơ sở giết mổ vi phạm và công khai các cơ sở mất an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Trong Tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 20/4 đến15/5, kết quả thanh tra của ngành cho thấy, 17 trên tổng số 25 bếp ăn tập thể, siêu thị, cơ sở chế biến nông sản tại 9 tỉnh, thành chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm như: Cơ sở vật chất không đảm bảo; sử dụng thịt không có dấu kiểm soát giết mổ; không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu nêu rõ: Tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong tháng 5 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là những mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực phẩm và thủy sản.
Các đơn vị chuyên ngành của Bộ phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng các hiệp hội ngành hàng lấy mẫu đánh giá các mặt hàng không đảm bảo chất lượng và nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao như: Cá tầm, cá trê, cá quả nhập lậu, tình trạng bơm nước và thịt gia súc, phân bón giả… Đồng thời công khai các cơ sở vi phạm, kiến nghị tăng chế tài xử phạt chấn chỉnh tình trạng này.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị, các cục, vụ, viện cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp quy, cơ chế chính sách pháp luật về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tuyên truyền đến mọi người dân để hạn chế vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Thông tư 14 của Bộ về việc quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản.
Đỗ Hương