Ngành nuôi tôm ở ĐBSCL đã kết thúc năm 2011 với khoảng 60.000 héc ta mất trắng vì dịch bệnh.
Bước sang năm 2012, chỉ trong vòng hai tháng đầu năm, đã có một diện tích lớn vùng nuôi có tôm bị chết với tỷ lệ 30-70%.
Tại buổi làm việc ngày 24-2 của Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc kiểm soát tình hình dịch bệnh vụ nuôi tôm 2012, lãnh đạo nhiều Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng diện tích vùng nuôi có tôm chết vì dịch bệnh sẽ vượt mức kể trên nhiều lần. Nhiều khả năng năm nay ĐBSCL sẽ hứng chịu một trận dịch lớn nhất từ trước đến nay.
Nguồn nước không thể nuôi được tôm
Theo kết quả phân tích môi trường nước và bùn ao vùng nuôi tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu do Trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam tiến hành, phần lớn mẫu đều có lượng thuốc bảo vệ thực vật như cypermethrin, permethrin, chlorpyrifosethyl.... vượt ngưỡng cho phép nuôi trồng thủy sản. Do môi trường nước ô nhiễm, tôm sẽ chết hàng loạt sau 15 ngày thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thả giống khoảng 1.500 héc ta tôm thẻ chân trắng và tôm sú nhưng đã có gần 500 héc ta bị mất trắng.
“Từ tháng 3, Sóc Trăng sẽ bắt đầu vào vụ nuôi chính và với môi trường nước đang bị ô nhiễm vì thuốc bảo vệ thực như hiện tại, nhiều khả năng tỷ lệ tôm chết sau 30 ngày có thể lên đến 60-80%”, ông Khởi nói. Mặc dù chưa vào vụ nuôi chính nhưng ông Khởi cho biết Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã chuẩn bị xong phương án công bố dịch bệnh trên tôm.
Theo bà Phan Thị Thu Oanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, người nuôi tôm ở tỉnh này cũng đang chịu một kết quả tương tự như câu chuyện của Sóc Trăng.
Còn ông Nguyễn Văn Trung, Phó chi cục trưởng Chi Cục nuôi trồng thủy sản, Sở NN-PTNT Cà Mau thừa nhận tỷ lệ tôm chết trước 45 ngày ở Cà Mau trung bình lên đến 70%.
“Trong hơn 500 héc ta được thả nuôi từ đầu năm tại huyện Phú Tân nay đã có 210 héc ta có tôm chết, một số nơi có tỷ lệ chết đến 70%”, ông Trung nói. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở huyện Đầm Dơi. Phú Tân và Đầm Dơi là hai huyện có diện tích nuôi tôm lớn của Cà Mau.
Ông Trung cho biết, khi tôm bị dịch bệnh, người dân thường không báo với chi cục nuôi trồng thủy sản mà tự ý xả nước ra môi trường bên ngoài nên dịch bệnh lan nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.
Thống kê của Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết từ đầu năm đến nay tỉnh mới thả 600 héc ta nhưng đã có 60 héc ta tôm chết vì dịch bệnh.
Còn ghi nhận của Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (MTSA) ở Sóc Trăng thì trong 10 ao mới thả nuôi đã có 5 ao nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, 4 ao nuôi có tôm nhiễm bệnh gan tụy.
Hiện bệnh gan tụy trên tôm vẫn chưa có thuốc chữa và là một trong những chứng bệnh gây chết hàng loạt nhiều ao tôm trong năm 2011.
Theo Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thì nguyên nhân gây ra bệnh gan tụy ở tôm là do biến đổi khí hậu và một phần nguồn nước bị ô nhiễm cypermethrin có trong thuốc bảo vệ thực vật được người dân dùng để xử lý ao, diệt giáp xác.
Ông Vũ Công Huy, một người nuôi tôm ở Sóc Trăng, nói rằng lâu nay bệnh đốm trắng trên tôm chỉ xuất hiện sau khi thả nuôi, nay bệnh này đã có ở tôm post của các trại giống. Tôm post là tôm được ươm nuôi tại các trại giống trước khi bán cho người nuôi. “Kết quả mà tôi nhờ cơ quan chức năng kiểm tra thì cứ 10 con tôm post thì có 1 con có mang mầm bệnh đốm trắng”, ông Huy nói.
Dân không quan tâm đến lời cảnh báo
Đại diện các Sở NN-PTNT nói rằng dù các cơ quan chức năng đã có cảnh báo về tình hình dịch bệnh trên tôm nhưng người dân vẫn cứ thả nuôi. Đây là một thực tế đang diễn ra trong ngành nông nghiệp Việt Nam vì thường mỗi khi có dịch bệnh, các cơ quan quản lý đều khẳng định với Bộ NN-PTNT là đã từng đưa ra cảnh báo trước mỗi mùa vụ nhưng người dân không nghe theo mà cứ làm theo ý họ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng lâu nay cơ quan chức năng như Sở NN-PTNT các tỉnh thành đều có đưa ra những khuyến cáo về mùa vụ với người dân nhưng những khuyến cáo này chưa đủ tầm quan trọng để người dân nghe và làm theo.
Theo bà Thu, trong nuôi trồng thủy sản lâu nay người dân thường nghe theo lời tư vấn kỹ thuật của các công ty sản xuất thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi... mà những doanh nghiệp này thường tư vấn kỹ thuật theo hướng có lợi cho sản phẩm của họ nên nói phóng đại công dụng sử dụng của sản phẩm.
Theo khoản 3, điều 45 Luật Cạnh tranh, trường hợp đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng, chất lượng... của sản phẩm sẽ bị phạt từ 15-50 triệu đồng.
Tuy nhiên, bộ cũng thừa nhận khó kiểm soát được hình thức quảng cáo sản phẩm theo dạng tư vấn kỹ thuật trực tiếp. Một phần nguyên nhân là do lực lượng quản lý ở từng đia phương còn mỏng nên chưa thể ngăn chặn được.
Bà Thu cũng cho rằng, thời gian tới cần tăng cường công tác khuyến nông để người dân tiếp cận nhiều hơn thông tin hướng dẫn kỹ thuật từ các nhà khoa học, cơ quan quản lý như Chi cục nuôi trồng thủy sản của các Sở NN-PTNT.
Theo Ngọc Hùng - TBKTSG