Sông Hồng ở đầu nguồn tỉnh Lào Cai lại có dấu hiệu bất thường về màu sắc và mùi, giống như hiện tượng từng xảy ra vào mùa khô năm ngoái.
Nước sông Hồng có màu đục ngầu. Ảnh: Báo Lào Cai. |
Xuôi về hạ lưu, cách khu vực A Mú Sung khoảng 60 km, hai bờ ven sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai hơn nửa tháng nay, nước sông cũng có màu sắc đỏ sậm không bình thường. Sau khi nước rút đã để lại những vệt đỏ ở trên cát, khiến cho nhiều người dân lo lắng.
Bà Phạm Thị Đào, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng nhưng không biết làm thế nào, không sử dụng nước tưới rau thì rau không sống, mà tưới vào thì lo độc hại".
Hiện Chi cục môi trường tỉnh Lào Cai đã lấy một số mẫu nước sông Hồng tại các điểm có dấu hiệu ô nhiễm để kiểm tra. Kết quả sơ bộ cho thấy, một số chỉ tiêu về amoni, phốt phát - những chất được sinh ra trong quá trình phân hủy hữu cơ có chiều hướng cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Đồn biên phòng A Mú Sung khuyến cáo người dân một số xã giáp biên tạm thời không sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, sản xuất. Sở Tài nguyên môi trường cũng đang rà soát tất cả các nguồn thải trên địa bàn.
Ông Mai Đình Định, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai khẳng định: "Từ phía giáp ranh trên sông Hồng chảy vào đất Việt, trên địa bàn Lào Cai có 1 nhà máy tuyển đồng, nhưng nhà máy này cũng cách sông khá xa, khoảng 300 m. Ngoài ra hai bên sông, nguồn thải sinh hoạt rất ít. Sau khi quan trắc, kiểm tra, chúng tôi cũng thấy rằng, nguyên nhân chính có thể khẳng định xuất phát từ đầu nguồn".
Năm ngoái, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái cũng phát hiện nước sông Hồng chảy qua thành phố này có hàm lượng chì và cadimi cao hơn gấp 7 lần tiêu chuẩn và kết luận nguồn gây ô nhiễm không xuất phát từ Yên Bái. Nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được các nguồn gây ô nhiễm cho sông Hồng xuất phát từ đâu.
Theo các chuyên gia về môi trường, hiện tượng ô nhiễm sông Hồng chỉ xuất hiện trong một thời gian rất ngắn, nên với việc không có các biện pháp tổng thể để bảo vệ môi trường sông Hồng, không có các cơ chế cụ thể hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta khó có thể kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm.
Sông Hồng là hệ thống sông lớn bắt nguồn từ Trung Quốc và có hơn nửa chiều dài chảy qua 8 tỉnh của Việt Nam liên quan đến đời sống, sản xuất của hàng vạn người dân trong lưu vực, nhưng hiện nay lại chưa có cơ chế hiệu quả để hợp tác quản lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt việc quan trắc, giám sát chất lượng nước ở cả cấp độ quốc tế cũng như quốc gia.
Tính từ ngày 7/3 đến nay, Lào Cai rất ít mưa, khiến mực nước trên các sông suối, ao hồ chứa giảm thấp. Sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai xuống rất thấp, nhiều bãi bồi, cồn cát dưới sông nổi lên, gây khó khăn cho các thuyền bè đi lại. Vào ngày 21/3, quan trắc được mực nước xuống đến 75m, mức thấp nhất tính từ đầu mùa cạn. Đêm về sáng ngày 31/3, do ảnh hưởng của không khí lạnh tràn về, Lào Cai có mưa, mưa rào trên diện rộng và rải rác có giông. Thành phố Lào Cai mưa 14mm, với lượng mưa này chỉ đủ ngấm vào đất, nếu có dư thừa thì tạo ra dòng chảy trên mặt không đáng kể, chưa đủ bào mòn nhiều đất cát tạo phù sa cho sông. Lúc 13 giờ cùng ngày, nước sông Hồng lên mức 75m68, chỉ tăng thêm 11 cm mà dòng nước lại đục ngầu như một bát đất. Trạm Thủy văn Lào Cai cho biết, khoảng ba năm gần đây, lượng phù sa trên sông Hồng mà trạm thu thập hàng ngày vào mùa kiệt có sự biến động rất lớn, không đúng với quy luật tự nhiên, sai số nhiều so với các mùa kiệt nhiều năm trước đây. Báo Lào Cai |