Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11813085
Trực tuyến: 24

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 6406
Gửi lúc 09:27' 13/10/2013
Quy định mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Nghị định số 67/2003/ NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải (NĐ 67) là công cụ kinh tế quan trọng trong hệ thống các quy định pháp luật về BVMT theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền - PPP", nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và tạo nguồn kinh phí BVMT. Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện, NĐ 67 đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc hình thành và nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân đối với công tác BVMT; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 67 đã bộc lộ những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương.
Để khắc phục những khó khăn, đáp ứng yêu cầu của thực tế, ngày 29/3/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP về phí BVMT đối với nước thải (NĐ 25), có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. NĐ 25 ra đời, kế thừa những ưu điểm của NĐ 67 và bổ sung, điểu chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung và môi trường nước nói riêng.
Một trong những nguyên tắc xây dựng các văn bản nêu trên là bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng nộp phí, chú trọng tới các nguồn thải lớn để thu phí và quản lý nguồn thải; hạn chế sự chồng chéo giữa các đối tượng chịu phí. Bên cạnh đó, NĐ 25 bổ sung nhưng không thay thế các quy định của pháp luật về quản lý và kiểm soát các nguồn thải.
Ngay sau khi NĐ 25 được ban hành, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện như: Thông tư liên tịch số 63/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15/5/2013 hướng dẫn thực hiện NĐ 25 (Thông tư số 63) và Thông tư số 6/2013/TT-BTNMT ngày 7/5/2013 của Bộ TN&MT ban hành Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng phục vụ tính phí BVMT đối với nước thải (Thông tư số 6). Đây là hai văn bản cần thiết để các địa phương, các cơ sở sản xuất, chế biến cũng như cơ quan quản lý có thẩm quyền triển khai, thực hiện các quy định mới về phí BVMT đối với nước thải.
THÔNG TƯ SỐ 63 (9 Điều), Thông tư tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
Về đối tượng chịu phí: nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.
*Nước thải công nghiệp: được quy định là nước thải của 15 nhóm ngành nghề cơ bản có phát sinh nhiều nước thải: Nuôi trồng thủy sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm, rượu bia, giải khát; Sản xuất, chế biến nông, lâm sản, thủy sản; Chăn nuôi, giết mổ (gia súc, gia cầm tập trung); Sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề; Khai thác, chế biến khoáng sản; Thuộc da, tái chế da; Sản xuất (giấy, bột giấy, nhựa, cao su); Sản xuất phân bón, hóa chất, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ gia dụng; Cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng; Sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử; Sơ chế phế liệu, phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu; Nhà máy cấp nước sạch; Hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu đô thị (trừ các trường hợp được miễn phí BVMT theo quy định của pháp luật) và Cơ sở sản xuất công nghiệp khác.
Một số loại hình có nước thải chứa kim loại nặng điển hình được quy định cụ thể tại Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng do Bộ TN&MT ban hành (gọi tắt là Danh mục).
*Nước thải sinh hoạt: Ngoài các đối tượng như hộ gia đình, tổ chức, cơ quan nhà nước; đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc đơn vị vũ trang nhân dân); trụ sở điểu hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến là đối tượng phát sinh nước thải sinh hoạt, Thông tư số 63 còn quy định cụ thể một số nhóm đối tượng kinh doanh, dịch vụ khác có nước thải được xếp vào nhóm nước thải sinh hoạt để phân loại rõ hai nhóm đối tượng chịu phí nhằm tránh nhầm lẫn trong quá trình thực hiện và thu trùng phí như: Cơ sở rửa ô tô, xe máy; Sửa chữa ô tô, xe máy; Bệnh viện, phòng khám; Nhà hàng, khách sạn; Cơ sở đào tạo, nghiên cứu; Cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Đây là những điểm mới của quy định hiện nay so với các quy định đã được thay thế.
Về đối tượng không chịu phí: So với quy định trước đây về nhóm đối tượng này là "nước làm mát thiết bị, máy móc không trực tiếp tiếp xúc với các chất ô nhiễm, có đường thoát riêng với các nguồn nước thải khác và nước mưa tự nhiên chảy tràn".
Mặc dù còn nhiều điểm tranh cãi về nước mưa tự nhiên chảy tràn có mang theo các chất gây ô nhiễm môi trường nước, nhưng việc xác định lưu lượng, tính toán hàm lượng chất ô nhiễm trong nước mưa tự nhiên chảy tràn không đơn giản. Bên cạnh đó, còn có các quy định về vệ sinh công nghiệp và việc lưu giữ, bảo quản nguyên vật liệu đối với các cơ sở sản xuất, nên hai Bộ đã cân nhắc và quyết định loại bỏ khỏi đối tượng chịu phí.
Thông tư số 63 đã làm rõ hơn các quy định tại khoản 4, Điều 2 Nghị định 25, ngoài các quy định đối với nước thải sinh hoạt của hộ gia đình tại các xã thuộc vùng nông thôn, thì các xã thuộc hải đảo cũng được quy định là thuộc đối tượng không phải chịu phí.
Quy định cũng nêu rõ các đối tượng đã nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp thì không nộp phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt.
Về mức phí và cách tính phí:
Đối với nước thải sinh hoạt: Mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch, tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước thì mức thu được xác định theo từng người sử dụng nước, căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.
Đối với nước thải công nghiệp: Để phù hợp với lộ trình thực hiện NĐ 25 theo quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoản 2, Điều 4 hướng dẫn chi tiết các mức thu áp dụng hiện nay như sau: Mức phí cố định (1) áp dụng với mức 1.500.000 đồng/năm; Mức thu đối với hai chất gây ô nhiễm là nhu cầu ô xy hóa học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS) lần lượt là 1.000 và 1.200 đồng/kg. Mức phí này sẽ được hai Bộ xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Kê khai, thẩm định và nộp phí
Hai Bộ đã đưa ra các hướng dẫn chi tiết về cách thức kê khai, thẩm định và nộp phí, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp phí, cũng như các đơn vị tổ chức thu phí (Điêu 6).
Phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt được thu đồng thời với việc thu tiền sử dụng nước sạch theo hóa đơn bán hàng hàng tháng do đơn vị cung cấp nước sạch tổ chức thu phí. Trong trường hợp tự khai thác nước để sử dụng thì UBND xã, phường, thị trấn xác định và thu loại phí này.
Đối với phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, Thông tư số 63 quy định các cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 30m3/ngày đêm trở lên phải tiến hành kê khai số phí phải nộp hàng quý trong vòng 5 ngày đầu tháng đầu tiên của quý tiếp theo; những cơ sở có loại hình hoạt động thuộc Danh mục thì đóng phí cố định một lần cho cả năm cùng thời điểm kê khai và nộp phí biến đổi của quý đầu tiên. Việc kê khai này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất, chế biến kê khai và tính toán chính xác số phí phải nộp của đơn vị mình trong quý đó, điều này giúp cho việc thẩm định của cơ quan quản lý được nhanh gọn hơn.
Trường hợp các cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 30m3/ ngày đêm (mức phí phải nộp là 1.500.000 đồng/năm đối với cơ sở không thuộc Danh mục, mức 3.000.000 đồng/năm với cơ sở thuộc Danh mục - khoản 2, Điều 5) thì chỉ phải đóng phí một lần cho cả năm theo thông báo của Sở TN&MT; thời hạn nộp phí chậm nhất là ngày 31/3. Quy định này nhằm đơn giản hóa các thủ tục cho cả đơn vị thu và nộp phí.
Quản lý và sử dụng phí: Bộ Tài chính và Bộ TN&MT đã hướng dẫn cụ thể đối với phần phí để lại cho Sở TN&MT là 20% tổng số tiền phí BVMT đối với nước thải công nghiệp thu được, nhằm trang trải cho công tác thu phí: Điều tra, thống kê, rà soát, phân loại, cập nhật đối tượng chịu phí; Chi phí đo đạc, lấy, phân tích, đánh giá mẫu nước thải phục vụ cho việc thẩm định tờ khai, quản lý phí, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp (khoản 2, Điều 7).
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm thống kê, báo cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan; làm rõ hơn công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa người nộp phí, các tổ chức, cơ quan thẩm định, thu và quản lý phí trên địa bàn.
THÔNG TƯ SỐ 6
Theo NĐ 25, Bộ TN&MT có trách nhiệm xác định và ban hành Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng phục vụ tính phí BVMT đối với nước thải. Do yêu cầu cấp thiết của tiến độ ban hành văn bản, Danh mục này đã được khẩn trương xây dựng dựa trên cơ sở: Danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ban hành kèm theo NĐ số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), ĐTM, cam kết BVMT (NĐ 29). NĐ 29 quy định báo cáo ĐTM bắt buộc phải mô tả về chỉ tiêu đánh giá về nguồn nước sử dụng, nguồn nước thải ra trong quá trình thực hiện dự án và phương án kỹ thuật xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường; Thông tư số 7/2007/TT-BTNMT ngày 3/7/2007 của Bộ TN&MT hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý; Thông tư số 4/2012/TT-BTNMT ngày 8/5/2012 của Bộ TN&MT quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp trong Niên giám thống kê (do Tổng cục Thống kê ban hành);
Các lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến được Thông tư số 6 quy định có nước thải chứa kim loại nặng gồm: Thuộc da, tái chế da; Khai thác than; Khai thác, chế biến khoáng sản kim loại; Nhuộm vải, sợi; Sản xuất hóa chất; Cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy, phụ tùng; Sản xuất linh kiện, thiết bị, điện, điện tử; Tái chế kim loại; Tái chế chất thải luyện kim, chất thải công nghiệp khác; Phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu và hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung (có tiếp nhận nước thải từ cơ sở thuộc lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến nằm trong Danh mục này).
Cũng theo NĐ 25, Bộ TN&MT có trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện; đánh giá thực trạng sản xuất và phát sinh nước thải từ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến để lập hồ sơ sửa đổi, bổ sung Danh mục cho khách quan, khoa học và phù hợp với tình hình thực tế.
Để triển khai các quy định trên, Bộ TN&MT đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm tổ chức thực hiện hoặc báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung:
-  Thống kê và lập danh sách các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc đối tượng nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, thông báo cho đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn để tránh tình trạng thu trùng phí;
-  Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, phân loại và xác định:
+ Đối tượng nộp phí cố định và phí biến đổi: Căn cứ vào lượng nước thải trung bình trong năm tính phí của cơ sở sản xuất, chế biến trên 30m3/ngày đêm và dưới 30m3/ngày đêm. Việc rà soát này phải được thực hiện thường xuyên để điều chỉnh kịp thời các nhóm đối tượng có chịu hoặc không chịu phí biến đổi khi lượng nước thải không ổn định theo thời gian sản xuất;
+ Đối tượng nộp phí thuộc và không thuộc Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng, những đối tượng thuộc Danh mục nhưng được áp dụng hệ số K=l;
+ Mức phí biến đổi phải nộp (Cq) đối với cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 30m3/ngày đêm trở lên bằng việc đo đạc, phân tích các thành phần 2 chất COD và TSS; điều kiện tối ưu là theo dõi, giám sát được nguồn thải hàng quý. Đối với các nguồn thải có lưu lượng nước thải lớn, cần khuyến khích trang bị thiết bị đo lưu lượng, bảo đảm tính khách quan, công bằng trong việc thu phí (Sở TN&MT phải thông báo kết quả phân loại đối tượng nộp phí cố định và phí biến đổi, đối tượng nộp phí thuộc Danh mục và không thuộc Danh mục cho người nộp phí để hướng dẫn kê khai số phí phải nộp trước ngày 30/9/2013).
- Lập và triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các nguồn thải, nhằm quản lý việc kê khai và nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp;
- Báo cáo UBND cấp tỉnh về việc phân cấp cho phòng TN&MT cấp huyện thực hiện việc thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn (nếu thấy cần thiết) dựa trên cơ sở điều kiện thực tế về yêu cầu thu phí của địa phương và khả năng quản lý của cơ quan TN&MT cấp huyện;
- Tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các quy định của 3 văn bản: NĐ 25, Thông tư số 63 và Thông tư số 6 cho các tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai đồng bộ, hiệu quả;
Giao đơn vị đầu mối triển khai, theo dõi, tổng hợp, báo cáo số liệu về phí BVMT đối với nước thải tại địa phương theo quy định; Báo cáo Bộ TN&MT để đôn đốc và hướng dẫn thực hiện các quy định.
Nguyễn Hoàng Ánh - Cục Kiểm soát ô nhiễm
TCMT 07/2013

Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website