Vừa qua, mẻ luyện thép sản xuất thử nghiệm với quy mô 10 tấn sản phẩm từ bùn đỏ đã được tiến hành tại Nhà máy Thép Thái Hưng (Kim Thành, Hải Dương).
Chứng kiến sự kiện mở ra khả năng giải quyết vấn đề bùn đỏ trong khai thác và sản xuất alumin từ bauxite ở Tây Nguyên này có Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng cùng các nhà khoa học của Viện Hóa học (Viện KH&CN Việt Nam).
Thép ra lò. (Ảnh: M.Hà) |
Bùn đỏ là một phế thải của quá trình sản xuất alumin từ bauxite theo công nghệ Bayer và là loại chất thải công nghiệp độc hại, gây tác động xấu đến sức khỏe con người, phải được xử lý hoặc chôn lấp theo quy định chất thải độc hại. Bùn thải của quy trình Bayer được gọi là bùn đỏ (Red Mud) do màu đỏ của nó được tạo ra bởi oxit và hydroxit sắt. Trong bùn đỏ, thành phần oxit sắt chiếm hơn 46%. Người ta ước tính để sản xuất 1 tấn alumin bằng công nghệ Bayer có thể sẽ thải ra khoảng 1,5 - 2,0 tấn bùn đỏ. Chi phí chôn lấp, quản lý và duy trì hồ bùn đỏ cao và sẽ liên tục tăng theo không gian và thời gian.
Nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Hóa học, do TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng Khoa học và Kỹ thuật Phân tích khoa học, đã nghiên cứu xây dựng được quy trình luyện thép từ nguyên liệu bùn đỏ. Theo phân tích, bùn đỏ từ sản xuất alumin ở Việt Nam có hàm lượng oxit sắt (Fe2O3) từ 51-56%. Tỷ lệ thu hồi thép từ nguyên liệu đạt mức 68%. Như vậy từ 10 tấn bùn đỏ đã thu được xấp xỉ 3,9 tấn thép. Số liệu phân tích mẫu thu được cho thấy tỷ lệ sắt (Fe) trong sản phẩm đạt mức 98,3%.
Thành công của sản xuất thép từ bùn đỏ mở ra khả năng sản xuất thép từ phế thải của việc chế biến quặng bauxite trong sản xuất alumin ở Tây Nguyên. Các nhà khoa học còn đang nghiên cứu để tiếp tục nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm và tập dụng được những chất thải của quá trình sản xuất thép từ bùn đỏ để nâng cao hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất.
Theo: baodientu.chinhphu.vn