(ĐCSVN) - Nhiều dự án đầu tư bỏ qua khâu đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; dự án đưa vào vận hành chưa được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm tra; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được tăng cường...
Đó là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đưa ra thảo luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngày 2/1, tại Hà Nội.
Còn nhiều bất cập
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, năm 2013, Tổng cục Môi trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác; trong đó, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các đề án, văn bản pháp luật trong lĩnh vực được Bộ giao chủ trì thực hiện; tạo được chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp và làng nghề; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường, được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ…
Tuy nhiên, năm 2013, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những bất cập trong lĩnh vực môi trường, cần phải giải quyết triệt để trong thời gian tới. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, vẫn còn tình trạng dự án đầu tư được các Bộ, ngành, địa phương cho phép triển khai bỏ qua quy định về đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Tình trạng dự án được đưa vào vận hành nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được tăng cường. Một số địa phương còn chưa quyết liệt, hoặc xử lý nhẹ đối với doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt, công tác cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại tại các địa phương, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được chặt chẽ. Việc giám sát sau cấp phép cũng chưa được tiến hành thường xuyên. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng nhập chất thải dưới danh nghĩa nhập khẩu phế liệu, hoặc nhiều cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài như: Các nhà máy sản xuất thép, giấy phế liệu... Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải công nghiệp, chất thải rắn và khai thác khoáng sản thu được rất ít, không tương ứng với tình trạng ô nhiễm hiện nay. Việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường của một số tỉnh chưa đúng quy định. Một số địa phương còn sử dụng kinh phí không đúng nội dung chi, phân bổ thấp hơn 1% chi ngân sách như quy định.
Báo cáo cũng cho thấy, tuy tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm, tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm, như: Vi phạm các thủ tục hành chính, chế độ báo cáo và thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của công trình xử lý chất thải nhằm xả trộm chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường; kê khai thiếu hoặc trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và các loại phí môi trường khác.
Các đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường cũng đã phát hiện nhiều cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp xả hàng ngàn m³ nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là: Công ty cổ phần Nguyên phụ liệu dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắng, Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và dịch vụ Đại Phúc xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra ngoài môi trường; Công ty Cổ phần giấy An Hòa xả 1.500m³ nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô…
Theo ông Nguyễn Thế Đồng, cùng với việc thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, Tổng cục sẽ thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định, nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hoàn thiện thể chế thực thi pháp luật bảo vệ môi trường
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tuy đã có nhiều nỗ lực lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã phát hiện và đề nghị xử lý vẫn còn quá nhỏ so với thực tế.
Bởi vậy, để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục Môi trường cần tiếp tục tăng cường phối hợp công tác về bảo vệ môi trường với các Bộ, ngành có liên quan, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường, tập trung kiểm tra các doanh nghiệp, các khu công nghiệp... Công tác thanh tra cần có trọng điểm, chú trọng đến các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó, tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trong năm 2014, Tổng cục Môi trường cần kiên quyết đề nghị đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, nếu như các cơ sở này vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia môi trường cũng cho rằng, ngành Tài nguyên và môi trường cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, các đề tài, dự án sát với yêu cầu thực tiễn về bảo vệ môi trường; nghiên cứu các chính sách về xử lý rác thải; các mô hình xử lý rác tiên tiến, có hiệu quả trên thế giới cần được nghiên cứu và nhân rộng ở Việt Nam.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2014 được Tổng cục Môi trường xác định, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hành vi vi phạm; trong đó, đang tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội (khóa XIII) xem xét, thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến vào Kỳ họp thứ 7 tới./.