Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11814688
Trực tuyến: 30

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 3562
Gửi lúc 18:46' 01/03/2012
Thời ô nhiễm

Đừng nói như thể người ta không biết! Bây giờ còn ai lạ tai với cái từ “ô nhiễm”? Không chỉ quen tai mà còn tương tác trực tiếp: hít thở không khí ô nhiễm từng giây, dùng nước ô nhiễm mỗi ngày, ăn thực phẩm nuôi trồng trên đất ô nhiễm mỗi bữa, xài hàng hóa chế biến bằng hóa chất độc hại hay phương pháp gây ô nhiễm quanh năm.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đã bị ô nhiễm. Sông biển mặt đất bầu trời… đâu cũng ô nhiễm, nói nôm na là dơ bẩn, độc hại, đầy rác.

Ngộ một cái là ít ai chịu mình đang bị ô nhiễm. Thử nói với người nào đó “anh/chị dơ bẩn quá” xem có bị phản ứng sừng xộ không? Dám bị ăn bạt tai chứ chẳng chơi. Rồi nói thêm “anh/chị đang làm bẩn môi trường” thử xem phản ứng của người hiền nhứt ra sao. “Tôi đâu có liệng rác xuống đường!” có thể là lời thanh minh chân thành và ngây thơ, không nên trách.

Thí dụ cô gái hàng ngày đi ngang nhà tôi. Thú thật là tôi không biết cô ở đâu và đi đâu. Con hẻm ngoằn ngoèo nối hai con đường lúc nào cũng đông xe cô là Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo. Nhiều người chọn con hẻm này để đi tắt. Trời mưa một trận là hẻm ngập nước.

Công bằng mà nói nước lụt hẻm từ hồi tôi còn nhỏ xíu chứ không phải bây giờ mới xảy ra. Nước cống xì lên khiến nước hẻm đen ngòm hôi thối là chuyện tất nhiên. Sống trong hẻm phải chịu vậy, chuyện bình thường. Cô gái không đi đường hẻm khi trời mưa. Có khi cô không dè hẻm còn lấp xấp nước, vẫn chọn đi đường tắt, bánh xe lăn qua vũng nước, nước bẩn bắn tóe sang hai bên, văng vào đầu cổ bọn trẻ con đang chơi, cô co hai chân lên, mặt cau lại biểu thị sự ghê tởm.

Cô gái ăn diện rất điệu, giày vớ đàng hoàng, nhìn chung ra vẻ người làm việc văn phòng hay chỗ mát mẻ sạch sẽ. Áo quần cô rõ là được giặt kỹ và ủi phẳng phiu. Gương mặt cô được trang điểm khá kỷ, không lòe loẹt, mà chủ yếu dùng mỹ phẩm hàng hiệu. Có thể cô thường ngậm kẹo chống hôi miệng như quảng cáo trên tivi. Mà thiệt tình, phong cách của cô gái này không khác gì những người mẫu trong các phim quảng cáo sành điệu ấy. Chiếc xe của cô cũng ác chiến, nổ bịch bịch, xịt khói hăng xì.


Hẻm nhỏ, “mặt tiền” nhà này cách nhà kia một hai mét, con nít lấy hẻm làm sân chơi, người già lấy hẻm làm nơi uống trà. Với thái độ cam chịu, người già trẻ con chấp nhận hít hửi khói xe, hứng nước sình bánh xe bắn tung tóe, và chịu đựng tiếng xe máy nổ nhức óc đinh tai.

Khỏi cần bênh cô gái, sự thực là có cả trăm lượt xe gắn máy luồn lách vô ra hẻm mỗi ngày. Cô gái có lẽ còn lịch sự hơn nhiều người chạy vô hẻm mà rồ ga lạng lách như làm xiếc mô tô bay. Và đúng như lời cô thanh minh: cô không xả rác xuống đường như một số người có tâm lý kỳ cục là xẹt vô hẻm tiện tay quăng rác (họ cho rằng: hẻm dơ sẵn! Mà nếu dân trong hẻm có nhìn họ bằng ánh mắt kinh dị, thậm chí chửi vói theo, thì … họ vọt thằng với ý nghĩ: bọn bình dân vô học ấy! ). Bọn bình dân trong hẻm này đúng là đáng đời: có người đề nghị cấm xe gắn máy chạy trong hẻm, họ cười xòa rồi mỗi người một câu phản đối. Làm sao cấm được? Với lại người trong hẻm cũng chạy xe gắn máy, chẳng lẽ phải dẫn bộ ra đầu hẻm rồi mới được lên xe nổ máy?

Tại sao không? Chẳng qua thói quen. Xe gắn máy luồn lách vào những con hẻm không hề làm giảm tình trạng kẹt xe trong thành phố, mà chỉ làm ô nhiễm thêm môi trường vốn đã thiếu nắng thiếu gió thiếu không khí, thiếu cái vẻ ngoài sang trọng. Trẻ con người già trong hẻm bị xe tông riết rồi biết phận, cứ ngồi ru rú trong những căn nhà nhỏ không “mặt tiền” cho yên thân, chẳng dám hy vọng rằng một ngày nào đó có qui định cấm xe gắn máy chạy vô hẻm và có biện pháp dựng chướng ngại vật ở mỗi đầu hẻm (như một thanh chắn thấp chẳng hạn) để trả lại cuộc sống yên bình khiêm tốn trong những con hẻm nhỏ của người lao động. Ai từng cảm thán rằng: dân nghèo mình hiền đến thấy thương.

Nhưng thôi. Tôi đang nói chuyện với cô gái. Đi về chung con hẻm, chạm mặt nhiều lần thành quen. Tôi thử nói chuyện ô nhiễm với cô để hiểu cô hiểu như thế nào về môi trường, chứ không phải nhằm buộc tội cá nhân cô. Hóa ra cô không hề thấy mình có “làm gì” hại đến môi trường sống cả. Đương nhiên áo quần phải giặt sạch tẩy trắng, xe gắn máy phải xịt khói nổ bụp bụp. Mới là đời sống đô thị. Bản thân cô gái rất chuộng sự sạch sẽ. Bây giờ cô không thể về quê sống trong điều kiện lạc hậu mất vệ sinh cả chục năm nay vẫn không thay đổi ở quê nhà. Từ khi sống nơi thành thị cô không hề quăng rác bừa bãi. Cô nhấn mạnh.

Tôi thiệt tình không biết làm sao để thuyết phục người khác rằng trong từng sinh hoạt hàng ngày chúng ta đang góp phần làm ô nhiễm môi trường ta đang sống, và những người nghèo hứng chịu phần nặng hơn hậu quả. Nhưng, bạn tôi bảo: Ai biểu mày nghèo?

Nguồn : nguoiduatin.vn


Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website