Tính đến đầu năm 2013, cả nước có khoảng 289 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất với diện tích khoảng 80 ngàn hécta, chủ yếu tập trung ở vùng Đông Nam bộ. Kết quả kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường mới đây cho thấy tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra khá phổ biến.
Khai thác khoáng sản luôn để lại tác động rất xấu cho môi trường xung quanh và hệ sinh thái tự nhiên. Trong ảnh: Khai thác đá ở mỏ đá Hóa An (TP.Biên Hòa). |
Đó là những thông tin đã được đề cập tại hội thảo “Bảo vệ môi trường trong hệ thống các KCN ở Việt Nam: Các lỗ hổng chính sách, vấn đề minh bạch thông tin và các tác động đối với môi trường” do Trung tâm Con người và thiên nhiên tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối năm 2013.
* Bất cập gây tốn kém
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, (Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường), lượng nước thải từ 179 KCN đang hoạt động trên toàn quốc là gần 623 ngàn m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải được xử lý chỉ chiếm 58%, số còn lại đang xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. Kết quả quan trắc 18 thông số ô nhiễm tại các KCN có nhà máy xử lý nước thải đều phát hiện có 1-8 thông số vượt quy chuẩn cho phép.
Dù Chính phủ đang từng bước hoàn thiện các văn bản về bảo vệ môi trường, trong quá trình thực hiện vẫn còn những lỗ hổng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân bị thiệt hại, trong đó chủ yếu là tranh chấp giữa doanh nghiệp gây ô nhiễm và người dân bị thiệt hại. Điển hình là tranh chấp giữa người dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, nhận xét: “Hệ thống pháp luật về khiếu kiện môi trường và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực môi trường còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thiệt hại. Cụ thể, pháp luật nước ta không cho phép khởi kiện tập thể, yêu cầu bồi thường người dân phải chứng minh thiệt hại và hành vi vi phạm gây ra”.
Ông Hậu dẫn chứng, ở vụ Vedan nếu toàn bộ gần 7 ngàn hộ nông dân bị thiệt hại đồng loạt khởi kiện đòi bồi thường thì sẽ có gần 7 ngàn đơn kiện và tòa án phải giải quyết gần 7 ngàn vụ kiện, như vậy vừa tốn kém, mất nhiều thời gian. Trong trường hợp này, Hội Nông dân, Hội Luật gia hay tổ chức, đoàn thể khác muốn thay mặt người dân khởi kiện trong một vụ kiện chung thì tòa án không thể nhận đơn vì pháp luật không cho phép khởi kiện tập thể.
* Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường
Để bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn, nhiều nhà khoa học ở Việt Nam cùng đồng quan điểm công bố rộng rãi các thông tin về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án và để cộng đồng tham gia góp ý. Như vậy, các dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường và xã hội, như: khai thác khoáng sản, thủy điện sẽ được đánh giá kỹ trước khi kiểm tra sẽ giảm nhiều thiệt hại về môi trường- xã hội. Ví dụ, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu từ đầu ĐTM được công khai minh bạch để các nhà khoa học, địa phương cùng đóng góp ý kiến, sau đó Chính phủ cân nhắc để phê duyệt thì không xảy ra phản ứng, bức xúc của dư luận.
Bà Trần Thanh Thủy, chuyên gia của Trung tâm Con người và thiên nhiên, nhận xét: “Muốn hạn chế được các dự án gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, trong quá trình thẩm định ĐTM có sự tham gia của nhiều ngành, địa phương nơi triển khai dự án. Nhà nước lập website công khai các báo cáo ĐTM, các thông tin về môi trường liên quan”.
Thực tế, nhiều báo cáo ĐTM có chất lượng thấp về mặt dự báo và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động xấu nên khi được phê duyệt, triển khai lại ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh, hệ sinh thái của khu vực, lưu vực. Tại Đồng Nai, hàng loạt dự án khai thác đá ở TP. Biên Hòa, Thống Nhất, Vĩnh Cửu để lại các hồ sâu hàng trăm mét, đường sá xuống cấp và ô nhiễm bụi. “Nhiều ĐTM dự báo chưa rõ ràng, thường có xu hướng minh họa và có lợi cho chủ đầu tư. Nguyên nhân do chủ đầu tư trả chi phí nên đơn vị tư vấn khó đưa ra kết luận xấu về môi trường” - PGS. TS Lê Trình, Viện Khoa học môi trường và phát triển khẳng định.
Nhiều bất cập của Luật Bảo vệ môi trường đã được đề cập, như không quy định thời hiệu khởi kiện về môi trường. Do đó, căn cứ Luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện có 2 năm. Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hữu Thiện nhận định: “Hành vi gây ô nhiễm của một số doanh nghiệp thường kéo dài, khó phát hiện và người dân mất thời gian dài mới biết lợi ích của mình bị xâm phạm. Điều này khiến nhiều người dân bị thiệt hại sẽ không có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại”.
Khánh Mi - Báo Đồng Nai