Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11810447
Trực tuyến: 22

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 3530
Gửi lúc 14:45' 16/07/2012
Vị tiến sĩ già và cỗ máy nhìn xuyên lòng đất (Kỳ 1)

Chuyện ông TS Vũ Văn Bằng với chiếc máy tự chế trên tay, lọ mọ đi từ Bắc vào Nam để tìm mộ, tìm mạch nước, tìm vàng bạc dưới lòng đất lại một lần nữa xới lên trong dư luận sự cảm phục. Cảm phục và cả nghi ngờ nữa. Với sự phát hiện và luận giải lý thuyết về tia đất rất chỉn chu, căn cứ dưới ánh sáng khoa học, TS Bằng đã làm được những việc mà không nhiều người làm được. Vấn đề là, tính chính xác và tác dụng thực sự của đề tài khoa học hết sức “dị biệt” này đã đủ sức để tồn tại trong lòng đời sống hay chưa?

Bài 1: “Thần đất” tìm hài cốt

Thầy “phong thủy” dương lịch

Bạn đang sống trong một ngôi nhà mà ở đó bạn cảm thấy sức khỏe dồi dào, tinh thần sảng khoái. Ngược lại, có những nơi vừa đặt chân đến bạn đã có cảm giác rờn rợn và mệt mỏi. Một câu hỏi nữa, tại sao có những vùng “địa linh, nhân kiệt”, xuất hiện nhiều người tài, lại có chốn “tử địa”, bệnh tật, chết chóc? Câu hỏi này đã có không biết bao người tìm cách lý giải và thực tế cũng đã có rất nhiều cách lý giải được đưa ra. Thế nhưng, TS Vũ Văn Bằng, một nhà khoa học “xịn”, qua quá trình nghiên cứu đã phát hiện ra đáp án, đó là tia đất. Vậy, tia đất thực chất là gì, nó có thực sự đúng như những gì đồn thổi không?

Ở Việt Nam ta, từ bao đời nay, khi tìm đất để làm nhà, đặt mồ mả… việc đầu tiên là tìm “đất lành”, tránh “đất dữ”. Để gặp “lành”, tránh “dữ” người xưa dùng thuyết phong thủy và xuất hiện những người chuyên làm nghề này gọi là “thầy địa lý”. Câu chuyện về phong thủy thường gắn liền với một cái gì đó thần bí và khó giải thích, vì vậy đã bị nhiều người khoác cho cái vỏ bọc mê tín. Ở các nước phương Tây họ ít dùng thuật phong thủy mà dùng một phương pháp khác, đó là phát hiện và xử lý những tia năng lượng phát lên từ dưới đất, gọi nôm na là “tia đất”.

TS Bằng đang đo tia đất dưới lòng đất

Hiểu một cách phổ thông nhất thì đó là những tác động của một loại “trường địa điện từ” mà trường này tùy vào cường độ mạnh nhẹ tác động lên con người. Loại trường này hiện diện ở khắp mọi nơi. Trong lòng đất, trong vật liệu xây dựng, nhà cửa… Cho đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu về “tia đất” mới chỉ dừng ở mức xác định được sự hiện diện và mức độ ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người. Còn bản chất thực của “tia đất” vẫn bỏ ngỏ.

Năm 1958, ông Bằng học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Địa chất công trình. Mặc dù học ngành khoa học về công trình nhưng quả thực lúc đó chưa hề biết gì về cái gọi là “tia đất”. Năm 1990, khi sang Ba Lan học, ông biết có một công ty (của Ba Lan) chuyên xử lý các tia có năng lượng xấu cho các công trình, trong đó có cả nhà ở. Ông Bằng nhớ lại: “Lúc ấy, tôi đến tận nơi tìm hiểu và sau khi hiểu ra, tôi hoàn toàn bị chinh phục. Từ đó, tôi say mê tìm hiểu về tác động của “tia đất” lên con người. Nhờ áp dụng kiến thức về “tia đất”, chúng ta có thể xác định được nơi đất tốt, đất xấu cho sức khỏe con người; tìm nước ngầm, khoáng sản; xác định các vị trí rò rỉ của các ống dẫn nước, dẫn dầu dưới lòng đất; tìm kiếm mồ mả, hài cốt…”.

Nói đến tia đất, nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng, đây là một phạm trù mang nặng màu sắc tâm linh. Tuy nhiên, đây là một hiện tượng được TS Bằng luận giải dưới góc độ khoa học với những luận chứng rất rõ ràng. Mọi vật chất đều bức xạ trường điện từ, đó là bản chất vật lý của vật chất. Theo TS Bằng, riêng đối với môi trường đất, trường này được gọi là trường địa bức xạ (tạm gọi là tia đất – PV). Tuy nhiên, tia đất có 2 nguồn gốc khác nhau: sơ cấp và thứ cấp. Tia đất sơ cấp có nguồn gốc thuộc bản chất của vật chất như nói ở trên, không có gì đáng bàn thêm. Tia đất thứ cấp có nguồn gốc khi vật chất ở trạng thái vận động hoặc tiếp xúc giữa hai vật thể có thành phần khoáng vật khác nhau rõ rệt.

Tia đất sơ cấp thường yếu, chỉ truyền lan được trong phạm vi hẹp. Trong khi đó, tia đất thứ cấp có cường độ lớn, thường lan truyền được xa hơn, vượt lên khỏi mặt đất với phạm vi rộng lớn.

Nếu đo được các tia đất do các vật chất nằm trong môi trường đất phát ra thì có thể phát hiện được sự có mặt của các vật chất ấy, dù chúng nằm sâu trong lòng đất. Để nhận biết được các tia đất này, cần thiết phải giải bài toán tương tác điện – từ và thiết lập quan hệ giữa các trường điện từ thứ cấp với các cảm biến (sensor) khác nhau. Đây chính là nguyên lý cơ bản của phương pháp địa bức xạ mà TS Bằng dày công nghiên cứu và ông chính là người đầu tiên nghiên cứu vấn đề địa bức xạ và khả năng ứng dụng nó.

Bên cạnh những nơi có “tia đất” xấu thì lại có những nơi có “tia đất” rất tốt. Con người sống ở nơi này sẽ khỏe mạnh, khí chất thông minh. Đây chính là tiền đề để hình thành những vùng “địa linh, nhân kiệt”. Hay như người xưa vẫn quan niệm rằng, nếu tìm ra những “long mạch” để an táng phần mộ tổ tiên ở đó thì con cháu sẽ “phát lộc, phát tài”. Những nơi “long mạch” ấy chính là nơi có “tia đất” rất tốt.

“Tia đất” xấu có thể làm con người sinh bệnh tật. Ngược lại, những nơi “tia đất” tốt lại có tác dụng chữa bệnh. Dư luận từng xôn xao về những “khu đất lạ” mà người bệnh đến đó khỏe ra. Điều này có cơ sở khoa học của nó. Tuy nhiên, những khu đất ấy không phải và không thể chữa được bách bệnh mà nó chỉ giúp người bệnh cảm thấy sức khỏe tốt hơn, khí huyết lưu thông. Chắc chắn nó không thể chữa được những bệnh truyền nhiễm.

Chuyện dùng thần giao cách cảm để tìm hài cốt có liên quan tới “tia đất”?

Chiếc máy tìm hài cốt

Sau khi phát hiện và nghiên cứu rất kỹ về hiện tượng vật lý trên, TS Vũ Bằng bắt tay vào việc chế tạo một chiếc máy có khả năng nhận biết đo được tia đất. Ban đầu, ông sử dụng các máy móc địa chất đã có trên thế giới đo thử xem có bắt được từ trường riêng của các đối tượng dưới mặt đất không. Kết quả là không đo được, kể cả thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ là radar xuyên đất.

Sau hàng loạt những thử nghiệm, ông mới vỡ lẽ ra rằng, nguyên lý tia đất của ông hoàn toàn khác với phương pháp địa chất truyền thống. Nguyên lý chung của các phương pháp truyền thống là sử dụng máy phát truyền dòng điện xuống lòng đất và một máy sẽ thu điện thế phản xạ về sau khi dòng điện đã đi qua nhiều lớp vật chất như đất, đá, quặng, mạch nước ngầm… Từ đó tính ra điện trở suất đặc trưng của các đối tượng cần tìm. Chính vì thế, phương pháp này sai số tương đối lớn, rất khó xác định chính xác định chính xác vật chất dưới lòng đất là gì. Chưa kể, nếu địa hình phức tạp, thời tiết xấu thì phương pháp này không đo được. Không nản lòng, ông tiếp tục mày mò và sáng chế ra chiếc máy hoạt động theo đúng nguyên lý của mình. Mất đúng 2 năm, từ năm 2004 đến năm 2006, chiếc máy đo tia đất và bức xạ BXT-09 ra đời.

TS Vũ Văn Bằng (đứng trước, cầm máy) đang tìm chiếc xe trôi ở Hà Tĩnh năm 2010

Tác dụng của chiếc máy này cũng lắm chuyện khó tin. Khó tin nhất là chuyện dùng máy này đề dò tìm hài cốt rất chính xác. Theo phân tích của TS Bằng thì hài cốt khi ở trong lòng đất sẽ phát sinh một loại sóng đặc biệt. Người bình thường cũng nhận được loại sóng này nhưng không giải mã được. Các hài cốt phát ra tia đất không tốt. Nếu dưới nền nhà mà có hài cốt thì những người sống trong nhà đó sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, hay gặp chuyện mộng mị. Để chấm dứt, đầu tiên phải chuyển hài cốt đi nơi khác, sau đó tiếp tục dùng các chất cần thiết để trung hòa các tia đất xấu còn rơi rớt lại.

Khi đã phát hiện được tia đất xấu, có thể dùng than hoạt tính để trung hòa nó. Than hoạt tính có tác dụng hấp thụ trường địa điện từ rất tốt, hay nói cách khác nó có tác dụng khử từ. Ở phương Tây, người ta dùng thạch anh để trung hòa tia đất. Tuy nhiên, thạch anh hiếm, giá thành đắt hơn than hoạt tính rất nhiều. Ta có thể dùng than hoạt tính chôn xuống nền nhà, hoặc chỉ cần để mỗi góc nhà một giỏ than hoạt tính. Sau 2 năm, nếu tia đất lại tiếp tục tác động thì đặt tiếp than hoạt tính mới.

Chuyện TS Bằng dùng máy dò tìm hài cốt thì nhiều vô kể, thế nhưng, chúng tôi chỉ xin kể ra đây những trường hợp mà chúng tôi đã xác tín được là chính xác.

Đầu năm 2008, trước khi đào móng xây nhà tại số 64D ngõ 64 Đường Vân Hồ, phường Lê Đại Hành (Hà Nội), chị Đào – chủ nhà đã mời TS Bằng đến để khảo sát môi trường tia đất cho căn nhà tương lai. Ba thông số chính cần được đo đạc là: Tia đất, xạ khí, mồ mả hài cốt. Sau một ngày đo đạc bằng máy, TS Bằng đã xác định: Xạ khí có vết, tia đất xuất hiện khắp diện tích xây dựng với cường độ cấp 4/5 và quan trọng nhất là mồ mả hài cốt trong phạm vi xây dựng có 4 vị trí. Riêng mồ mả hài cốt đã được máy chỉ rõ những thông số cần thiết như: vị trí, hiện trạng – cốt chưa cải táng, hướng nằm (đầu và chân), chiều sâu 1,7-1,9m so với mặt đất.

Ngày hôm sau, chị Đào cho công nhân triển khai đào bới tìm hài cốt ngay. Đào vị trí thứ nhất ở góc thổ tới độ sâu 1,7m chị Đào gọi điện thông báo cho TS Bằng là không thấy gì cả. TS Bằng hướng dẫn: chiều sâu không thể chính xác tuyệt đối mà có thể xê xích chút ít. Theo chỉ dẫn, chị Đào đào tiếp và chỉ sau nửa giờ chị cho biết là đã thấy hài cốt ở chiều sâu 1,8m. Hộp sọ của người quá cố còn nguyên với 2 hàm trên dưới răng vẫn dính chặt.

Chúng tôi đã liên lạc với chị Đào và được chị xác nhận chuyện này.

Vụ chiếc xe khách mang biển số 48K 5856 bị trôi sông khi đi qua địa phận huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và “dìm” chết 20 người có lẽ nhiều người vẫn còn rất nhớ. Thế nhưng, ít người biết rằng, TS Bằng cùng với chiếc máy đo của mình là một trong những tác nhân chủ yếu để tìm thấy chiếc xe mất tích ấy.

TS Bằng nhớ lại: “Buổi chiều ngày 20/10/2010, tôi vào khu vực chiếc xe khách bị trôi khi đã có rất nhiều người cho rằng vị trí chiếc xe trôi nằm cách cầu Bến Thủy khoảng một cây số, xuôi về phía hạ lưu. Tôi trình bày nguyện vọng được tham gia tìm kiếm chiếc xe. Mất một lúc trình bày và thuyết phục, mọi người đồng ý để tôi tham gia”.

TS Vũ Văn Bằng trong một đợt khảo nghiệm đo tia đất

TS Bằng dự đoán, chiếc xe nặng hàng chục tấn này chưa thể trôi xa được nên đã cho máy ra soát từ bắt đầu từ điểm xe bị trôi, xuôi theo dòng nước về phía hạ lưu. Chỉ khoảng 15 phút sau, máy đã bắt được tín hiệu. TS Bằng đề nghị đội lặn xuống kiểm tra ngay. Nhưng vì thời điểm đó nước chảy xiết quá, thợ lặn không có thiết bị nên không thể lặn được sâu. Vài phút sau là họ ngoi lên báo không tìm thấy người. Trong khi đó, chiếc máy vẫn giữ đúng góc quay bên phải. TS Bằng khẳng định chắc chắn khu vực này có người bị nạn và yêu cầu đơn vị công bị lưu ý tìm lại. Sáng hôm sau, kíp thợ lặn được trang bị bình ôxy đến. Sau 10 phút, thợ lặn tên Trần Văn Sơn ngoi lên nói: “Chiếc xe đây rồi”. Mọi người vỡ òa xúc động. Như vậy là, TS Bằng đã chứng mình cho mọi người thấy tác dụng thực sự của chiếc máy BXT-09

Một vụ việc khác cũng chứng minh được sự chính xác của chiếc máy này. Đầu tháng 4/2011, mỏ đá Lèn Cờ (Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) bất ngờ sập xuống chôn vùi thi thể của 18 nạn nhân xấu số. Lực lượng cứu hộ phải căng mình tìm kiếm thi thể nạn nhân, nhưng sau gần 2 ngày họ vẫn không thể xác định được vị trí của 2 nạn nhân cuối cùng. Vào đúng thời điểm ấy, TS Bằng có chuyến công tác vào Quảng Bình. Đêm ngày 1/4, ông dừng chân tại Vinh. Đêm đó, ông nhận được thông báo của một người bạn về vụ sập mỏ đá kinh hoàng và sự bế tắc trong việc tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân cuối cùng. Tảng sáng ngày 2/4, TS Bằng mượn xe máy, một mình đi thẳng từ Vinh vào Lèn Cờ.

Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành dẫn TS Bằng vào khu vực mỏ đá. TS Bằng ngay lập tức khởi động máy và bắt đầu dò tìm. Chỉ sau 15 phút, máy BTX-09 đã thu được tín hiệu từ trường phát ra từ hai thi thể của nạn nhân Hoàng và Vũ. Tần số hiện lên trên máy cho ông biết chính xác số lượng thi thể nạn nhân còn sót lại. Máy quay một vòng sau đó hướng thẳng tới vị trí của hai nạn nhân. Cả đoàn đi theo hướng máy chỉ. Hai anh em Vũ và Hoàng bị đè dưới những tảng đá lớn và nằm cách nhau không xa. Sau khi xác định xong vị trí, ông lên đường trở lại Quảng Bình ngay.

Vừa tới Quảng Bình, ông nhận được thông báo đã tìm thấy nạn nhân số 17 đúng vị trí ông Bằng vừa đo. Tuy nhiên, trong quá trình khoan đã, bốc đá máy móc làm xới lộn và đã làm mất dấu nạn nhân số 18. Họ cầu cứu ông quay trở ra để xác định lại vị trí. Không ngần ngại, ông lại trở lại Lèn Cờ. Sau khi dùng máy BTX-09 đo lại, máy đã phát hiện ra vị trí của nạn nhân số 18 từ tín hiệu chiếc điện thoại di động của anh ta. Lực lượng cứu hộ đã đu dây lên khoan lỗ, đặt thuốc rồi kích nổ xé lẻ những tảng đá, dùng cẩu chuyện dụng xúc từng tảng đá lớn ra ngoài. Thi thể nạn nhân nằm sâu khoảng 5m và bị nghiền nát nhiều phần cơ thể.

Việc tìm thi thể nạn nhân trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ cũng có nhiều giai thoại khác nhau. Để xác minh thông tin về những hoạt động của TS Bằng, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành. Ông Lợi cho biết, câu chuyện kể trên hoàn toàn đúng sự thật và TS Bằng là người góp công lớn trong việc tìm thấy 2 nạn nhân cuối cùng.

TS Bằng dùng máy lọ mọ đi khắp Bắc – Trung – Nam tìm mộ thì nhiều vô kể. Quan trọng hơn, chiếc máy đo tia đất đặc biệt của TS Bằng còn làm được những việc kỳ lạ khác mà chúng tôi sẽ kể tiếp ở kỳ sau.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Vũ Minh Tiến

(Năng lượng Mới số 136, ra thứ Ba ngày 10/7/2012) - petrotimes.vn


Các tin mới



Các tin khác



VIDEO

may-phan-tich-cacbon
sac-ky-khi
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
sac-ky-long-cao-ap-HPLC

 

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

 

CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

 

Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                  0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


Email: ceat@vietnamlab.org

Designed by Thiet ke website