Các loại chất
thải rắn trong nông nghiệp tại các vùng nông thôn như chai, lọ thuốc BVTV cần
được xử lý triệt để tránh gây ô nhiễm môi trường |
Chất thải rắn nông nghiệp thông thường là chất thải rắn phát sinh từ các hoạt
động sản xuất nông nghiệp như: trồng trọt (thực vật chết, tỉa cành, làm
cỏ,...), thu hoạch nông sản (rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô, thân ngô), bao bì
đựng phân bón, thuốc BVTV, các chất thải ra từ chăn nuôi, giết mổ động vật, chế
biến sữa, chế biến thuỷ sản,...
Chất thải rắn nông nghiệp nguy hại chủ yếu phát
sinh từ các hoạt động nông nghiệp (chai lọ đựng hoá chất BVTV và thuốc trừ sâu,
thuốc diệt côn trùng), hoạt động chăm sóc thú y (chai lọ đựng thuốc thú y, dụng
cụ tiêm, mổ).
Chất thải rắn nông nghiệp gồm nhiều chủng loại
khác nhau, phần lớn là các thành phần có thể phân hủy sinh học như phân gia
súc, rơm rạ, trấu, chất thải từ chăn nuôi, một phần là các chất thải khó phân hủy
và độc hại như bao bì chất bảo vệ thực vật.Bao bì hóa chất bảo vệ thực vật,
phân bón
Trong hoạt động trồng trọt, tình trạng sử dụng
hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đang
diễn ra tràn lan, thiếu kiểm soát. Do đó, các chất thải rắn như chai lọ, bao bì
đựng hóa chất bảo vệ thực vật, vỏ bình phun hóa chất: thuốc trừ sâu; thuốc trừ
nấm; thuốc trừ chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ tăng lên đáng kể và không
thể kiểm soát.Chưa kể chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi cũng làm cho môi
trường nông thôn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Đặc biệt, chất thải rắn do các làng nghề chiếm
một phần đáng kể trong nguồn phát sinh chất thải rắn nông thôn. Chất thải rắn
làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau, phụ thuộc vào nguồn phát sinh, ngày
càng gia tăng về số lượng, đa dạng và phức tạp về thành phần như phế liệu từ
chế biến lương thực, thực phẩm (nước thải, bã ngô, đậu, sắn), túi ni lông, chai
lọ thủy tinh, nhựa, bao bì đựng nguyên vật liệu, cao su, gốm sứ, gỗ, kim
loại...
Việc phân loại chất thải rắn nông thôn hiện vẫn
còn rất nhiều hạn chế. Các chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại tại
nguồn, bị vứt bừa bãi ra môi trường. Một số nơi không quy định bãi tập trung
rác, không có nhân viên thu gom rác. Lượng rác tồn đọng tại các kênh, mương rất
lớn và phổ biến, dẫn đến ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng. Hiện tỷ lệ thu
gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40 - 55%. Mới chỉ
có trên 60% số thôn, xã tổ chức thu gom rác định kỳ. Công tác thu gom, lưu giữ
và xử lý các loại vỏ bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật cũng được nhiều tỉnh,
thành phố tổ chức thực hiện như Nghệ An,Tuyên Quang, Vĩnh Long. Song các biện
pháp này được áp dụng với quy mô nhỏ, chủ yếu dùng các thùng phuy chứa, không
có các bể chứa cố định đúng quy chuẩn.
Việc quản lý chất thải rắn nông thôn chưa hiệu
quả, xử lý chất thải rắn không hợp vệ sinh gây ra ô nhiễm môi trường từ các bãi
chôn lấp rác thải, làm ảnh huởng sức khỏe của cộng đồng dân cư, gia tăng gánh
nặng bệnh tật, gây ra các xung đột môi trường tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, một số giải pháp đã được đề xuất,
áp dụng nhằm cải thiện môi trường nông thôn, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại về
phân công trách nhiệm trong công tác quản lý chất thải rắn nông thôn; thể chế
chính sách về quản lý chất thải rắn chưa được thực thi triệt để; việc huy động
cộng đồng nông thôn tham gia quản lý chất thải rắn chưa được phát huy.
Để tiếp cận theo hướng giảm thiểu việc chôn lấp
lượng rác thải rắn trong nông nghiệp, nông thôn và tăng cường tỷ lệ tái chế,
tái sử dụng, cần áp dụng các mô hình xử lý hiệu quả. Cùng với xu thế chung của
thế giới, ở nước ta trong những năm gần đây chính phủ rất coi trọng việc bảo vệ
môi trường và các biện pháp để quản lí chất thải rắn. Các phương pháp xử lý
chất thải rắn đang được áp dụng tại ViệtNam hiện nay tập trung vào:
1. Tái chế chất thải: Việc tái chế chất thải chỉ
mang tính tự phát, tập trung ở những thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ
Chí Minh... Các loại phế thải có giá trị như: Thuỷ tinh, Đồng, Nhôm, sắt,
giấy... được đội ngũ đồng nát thu mua ngay tại nguồn, chỉ còn một lượng nhỏ tới
bãi rác và tiếp tục thu nhặt tại đó. Tất cả phế liệu thu gom được chuyển đến
các làng nghề. Tại đây quá trình tái chế được thực hiện. Việc thu hồi sử dụng
chất thải rắn góp phần đáng kể cho việc giảm khối lượng chất thải đưa đến bãi
chôn lấp, tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các quá trình sản xuất,
tạo công ăn việc làm cho một số lao động.
2. Đốt chất thải: Được áp dụng để xử lí chất
thải nguy hại như chất thải bệnh viện, các bệnh viện lao, viện 198 mới xây lò
đốt chất thải. Tại Hà Nội có lò đốt chất thải bệnh viện công suất 3,2tấn/ngày
đặt tại Tây Mô. Tại TP. Hồ Chí Minh có lò đốt chất thải bệnh viện công suất 7,5
tấn/ngày. Phương pháp đốt chất thải còn được dùng để xử lí chất thải công
nghiệp như lò đốt chất thải giầy da ở Hải Phòng, lò đốt cao su công suất
2,5tấn/ ngày ở Đồng Nai.
3.Chôn lấp chất thải rắn: Chôn lấp đơn thuần
không qua xử lí, đây là phương pháp phổ biến nhất theo thống kê, nước ta có
khoảng 149 bãi rác cũ không hợp vệ sinh,trong đó 21 bãi rác thuộc cấp tỉnh -
thành phố, 128 bãi rác cấp huyện – thi trấn. Được sự giúp đỡ của nước
ngoài đã xây dựng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh ở các thành phố lớn như: Hà Nội,
Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang.
4.Chế biến thành phân hữu cơ: Phương pháp làm phân hữu cơ có ưu
điểm làm giảm lượng rác thải hữu cơ cần chôn lấp, cung cấp phân bón phục vụ
nông nghiệp. Phương pháp này rất phù hợp cho việc xử lí chất thải rắn sinh
hoạt, phương pháp này được áp dụng rất có hiệu quả như ở Cầu Diễn, Hà Nội (công
nghệ ủ hiếu khí(compostry) – công nghệ Tây Ban Nha với công suất 50.000 tấn
rác/năm – SP 13200 tấn/năm, công nghệ Pháp – TBN ủ sinh học chất thải hữu cơ áp
dụng tại Nam Định với công suất thiết kế 78.000 tấn rác/năm ). Ở thành phố Việt
Trì với công suất thiết kế 30.000 tấn rác/năm...
Đức Thiện
Nguồn: TW Hội Nông dân Việt Nam