Môi trường sạch cho nền nông nghiệp sạch |
Kỹ sư trung tâm giống và phát triển nông- lâm nghiệp công nghệ cao thu hoạch dưa “Không thể có nền nông nghiệp sạch nếu đất bẩn, nước bẩn, môi trường sinh thái ô nhiễm”- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định. Khắp nơi ô nhiễm Ông Cao Đức Phát cho biết, môi trường nước ta có chiều hướng xấu đi, mức độ suy thoái về đất và nước đang trở thành những vấn đề cấp bách nếu không giải quyết kịp thời, ngành nông nghiệp khó có thể phát triển bền vững. Hiện, hầu hết lĩnh vực kinh tế chủ chốt của ngành nông nghiệp gặp vấn đề lớn liên quan đến môi trường. Dù đóng góp tới gần 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nhưng ngành trồng trọt cũng là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường hết sức nghiêm trọng. Do thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng, tình trạng sâu bệnh gia tăng đi kèm với sự suy giảm độ mầu của đất khiến nông dân gia tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vượt mức cho phép nhiều lần. Việc mở rộng các vùng cây công nghiệp giá trị cao cũng làm cạn kiệt các nguồn nước, thải ra môi trường nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nồng độ cao. Ngành chăn nuôi hàng năm đóng góp khoảng 73 triệu tấn chất thải, trong đó chỉ có 30-60% (tùy địa phương) chất thải được xử lý, còn lại xả thẳng ra môi trường. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm, với 16.700 trang trại chăn nuôi nhưng chỉ có khoảng 1.700 cơ sở có hệ thống xử lý chất thải, còn lại đều không có nhà xử lý chất thải chăn nuôi theo tiêu chuẩn. Tình trạng dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng... diễn ra dai dẳng nhiều năm qua có nguyên nhân không nhỏ từ môi trường. Tương tự, ngành nuôi trồng thủy sản cũng trong tình trạng chất thải nuôi tôm, cá xả thẳng ra sông, biển không qua xử lý. Chỉ tính riêng với con cá tra, tôm sú ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có đến hàng triệu tấn thức ăn không được tiêu hóa hết, bị hòa tan trong nước gây lãng phí và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại dịch bệnh khiến các hộ nuôi trồng thủy sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, môi trường sống của người dân nông thôn còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp. Khảo sát chất lượng đất nông nghiệp vùng ngoại thành và các tỉnh đứng trước thực trạng ô nhiễm kim loại nặng ngày càng tăng do chất thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, phân bón hóa học tích tụ qua nhiều năm. Hiện mỗi năm lượng rác thải ở khu vực nông thôn phát sinh khoảng 100 triệu tấn/năm nhưng lượng rác được thu gom chỉ từ 30-40% và đều đổ ở những bãi rác tạm có diện tích nhỏ 200-300 m2, không có biện pháp xử lý nguồn nước rác... Ngoài ra, tình trạng phá rừng, sa mạc hóa, thiên tai lũ lụt xảy ra liên miên cũng tạo áp lực không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Trước hết là điều chỉnh nhận thức Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Bỉnh Thìn cho biết, những mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường là tồn tại tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, những tồn tại này có thể được hạn chế và giải quyết nếu có một hệ thống phối hợp đồng bộ về tổ chức quản lý, xử lý các vấn đề môi trường để đưa ra những giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề môi trường ở tầm quốc gia. Môi trường nông nghiệp, nông thôn đang tồn tại nhiều vấn đề nan giải, trong khi đó những việc đã làm được của ngành nông nghiệp mới dừng lại ở những chương trình, dự án quốc gia để phục hồi hệ sinh thái, môi trường nông nghiệp, triển khai các mô hình xử lý chất thải công nghiệp cụ thể, nhỏ lẻ. Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh và giải quyết một phần cho các vấn đề môi trường nông thôn như thu gom rác thải... Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, chúng ta vẫn lúng túng trong việc giải quyết vấn đề môi trường khi còn sa đà vào những dự án mà chưa thực sự quan tâm vấn đề ở tầm quốc gia. Ông Phát thẳng thắn đặt vấn đề: “Liệu chúng ta có thể tiếp tục sản xuất trồng trọt như hiện nay nếu vẫn sử dụng phân bón, thuốc BVTV tùy tiện; ngành chăn nuôi có thể tăng đàn trong điều kiện chăn nuôi tùy tiện, nhỏ lẻ, nuôi lẫn với người, chất thải không xử lý. Chúng ta nuôi hàng triệu tấn cá nhưng cũng có hàng triệu tấn rác thải đổ thẳng ra sông. Liệu có thể phát triển các làng nghề mà chất thải kim loại nặng đổ thẳng ra sông, ao hồ rồi người dân ở đó lại lấy lên sử dụng, hàm lượng kim loại trong máu cao gấp nhiều lần... Câu trả lời là không. Nếu không điều chỉnh, chúng ta không thể tiếp tục mở rộng sản xuất. Dịch bệnh gia súc gia cầm, cây trồng đều có liên quan đến môi trường, đến sức khỏe của người dân”.
Trước hết cần điều chỉnh nhận thức của toàn ngành nông nghiệp cũng như các địa phương trong quan niệm về vấn đề này. Giải quyết môi trường nông thôn còn bao hàm nhiều vấn đề bảo vệ môi trường mà ngành nông nghiệp phải đảm trách: khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi cải thiện môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học... Ngoài ra, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn về môi trường ngành nông nghiệp để có thể quản lý được các vấn đề nảy sinh, tồn tại trong thực tế, phát triển các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các địa phương cũng cần chủ động nguồn ngân sách cho công tác này, đồng thời có cơ chế chính sách để toàn xã hội có thể tham gia giải quyết vấn đề môi trường. Thực tế cũng đã có nhiều địa phương giải quyết được vấn đề môi trường từ cơ chế xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những mô hình này cũng chưa nhiều và phần lớn mới dừng lại ở việc giải quyết vấn đề rác thải sinh họat, bảo vệ môi trường khu dân cư khu vực nông thôn. Còn các vấn đề trong môi trường sản xuất, đặc biệt là ở những vùng sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làng nghề vẫn còn bỏ ngỏ.... Phạm Thanh Hương
|