Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4.300 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động và góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển sản xuất công nghiệp, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động. Phần lớn các doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị lạc hậu phát sinh nhiều chất thải, thiếu vốn để đầu tư thiết bị xử lý về môi trường..., chưa nêu cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường (BVMT). Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm các quy định của pháp luật về BVMT. Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg, trên địa bàn tỉnh ta có 6 cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có 4 đơn vị nằm trong khối doanh nghiệp, bao gồm: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt lụa Nam Định, Cty CP Dây lưới thép Nam Định, Cty CP Thuốc sát trùng Việt Nam. Trong số các cơ sở đã được ngành chức năng xác định có gây ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tại địa phận tỉnh ta phần lớn cũng là các doanh nghiệp như: Cty CP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định, Cty CP Dệt kim Thắng Lợi, Cty TNHH Mai Văn Đáng, Cty CP Dược phẩm Minh Dân, Cty TNHH Nam Tân, Cty TNHH thương mại Hòa Bình, Cty Universal Candle Việt Nam, Cty TNHH Youngone Nam Định, Cty TNHH Việt Anh… Mới đây nhất, vào tháng 10-2011, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã phát hiện Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) đang có hành vi xả nước thải công nghiệp không qua xử lý ra môi trường. Qua giám định cho thấy, mẫu nước thải vượt tiêu chuẩn Việt Nam trên 10 lần. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN và MT), hầu như các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về BVMT như: chưa lập hoặc đã có nhưng thực hiện không đúng các yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (cam kết BVMT, đề án BVMT…), chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường. Nhiều cơ sở chưa quan tâm bố trí cán bộ làm công tác môi trường…
|
Cán bộ Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Xá kiểm tra hoạt động của hệ thống. |
Trước thực trạng này, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhằm ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng ô nhiễm môi trường; trong đó ưu tiên phát triển CCN làng nghề để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tách khỏi khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý môi trường. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ các xã trên địa bàn tỉnh xây dựng 22 công trình bãi chôn lấp, xử lý rác thải cho 22 xã, thị trấn có nhiều doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN; hỗ trợ xây dựng 2 công trình xử lý nước thải cho CCN làng nghề Yên Xá (Ý Yên); Xuân Tiến (Xuân Trường) với tổng số vốn đầu tư khoảng 9,28 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào công tác BVMT. UBND tỉnh còn tích cực kêu gọi và huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước chung sức tham gia nâng cao chất lượng công tác BVMT cho các doanh nghiệp. Hàng năm, Sở TN và MT đã thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; qua đó đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm. Bên cạnh đó, Sở TN và MT thường xuyên tuyên truyền Luật BVMT yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm vững Luật BVMT và thực hiện tốt công tác BVMT. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm đến công tác BVMT gắn với sản xuất. Việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thực hiện báo cáo giám sát định kỳ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn… đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đổi mới thiết bị để giảm rung, khói bụi, tiếng ồn…, góp phần hạn chế tối đa các tác nhân ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đến nay đã có 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn, đã tiết kiệm chi phí hàng năm 620 nghìn USD nhờ việc giảm tiêu thụ điện (485MWh), than (1.800 tấn), dầu FO (470 lít), gas (1.900 lít)... Đặc biệt, đến nay, Cty CP Dây lưới thép Nam Định và Cty CP thuốc sát trùng Việt Nam đã có chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để. Hai doanh nghiệp có tên trong danh mục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Tổng Cty CP Dệt may Nam Định và Cty CP Dệt lụa Nam Định đang đầu tư tại KCN Hòa Xá và đã thực hiện được 80% khối lượng công việc trong đó có trạm xử lý nước thải tại vị trí mới.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác BVMT của các doanh nghiệp, Sở TN và MT sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT đối với những doanh nghiệp không chấp hành quy định của Luật BVMT. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT như Ban quản lý các KCN của tỉnh, lực lượng Cảnh sát môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiến nghị để các cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư một số trạm quan trắc tác động môi trường nằm trong mạng lưới quan trắc quốc gia ở những khu vực, điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng gây tác động tiêu cực đến môi trường và xây dựng chương trình kế hoạch dài hạn về BVMT. Trước mắt, sẽ tập trung sử dụng có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp môi trường đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường tại các điểm nóng về môi trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy