Thủ tục văn bản

Thống kê

Lượt truy cập: 11808532
Trực tuyến: 52

Liên kết website

quan trắc môi trường 1
quan trắc môi trường 2
quan trắc môi trường 3
quan trắc môi trường 4
Số lượt xem: 25832
Gửi lúc 16:33' 11/08/2014
Những “rào cản” trong chuyển giao công nghệ ở Việt Nam

Những “rào cản” trong chuyển giao công nghệ ở Việt Nam

(ThanhtraVietnam) - Trình độ lao động thấp, năng lực công nghệ yếu kém của doanh nghiệp trong nước và sự thiếu liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là những rào cản của quá trình chuyển giao công nghệ thông qua FDI ở Việt Nam.

    Hàm lượng GTGT thấp

    Hệ quả trực tiếp của nguồn nhân lực chất lượng thấp là năng lực sáng tạo giá trị gia tăng (GTGT) thấp. Điều này được phản ánh rõ trong cơ cấu sản phẩm phân theo hàm lượng công nghệ. So sánh với các nước khác trong khu vực, các sản phẩm chế biến nói chung, và đặc biệt là sản phẩm chế biến cho xuất khẩu của Việt Nam không phức tạp về mặt công nghệ.

    Tỉ trọng của các sản phẩm công nghệ vừa và cao trong tổng giá trị gia tăng của các mặt hàng chế biến xuất khẩu chỉ ở mức trên 20% và không thay đổi trong những năm gần đây. Các lĩnh vực công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động, chủ yếu là các nhóm mặt hàng may mặc thời trang, chiếm tới hơn 70% giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến.

    Hàm lượng công của sản phẩm thấp có nguồn gốc trực tiếp từ trình độ công nghệ thấp của các ngành kinh tế. Trình độ công nghệ của nền kinh tế, trong đó có công nghiệp, còn rất thấp. Ví dụ, trong ngành cơ khí, thiết bị của Việt Nam lạc hậu tới 4 thập kỉ so với mặt bằng kỹ thuật của thế giới. Công nghệ trong ngành sử dụng để sản xuất công cụ, hàng tiêu dùng, máy động học,… hầu hết đều ra đời từ trước năm 1980 và 30% có tuổi thọ hơn nửa thế kỉ.

    Tỉ trọng doanh nghiệp có công nghệ cao của Việt Nam mới đạt khoảng 20,6%, thấp xa so với mức 29,1% của Philippines, 29,7% của Indonesia, 30,8% của Thái Lan, 51,1% của Malaysia, 73% của Singapore.

    Các dự án đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD/dự án); lĩnh vực đầu tư chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, sử dụng nhiều lao động như: dệt may, gia công giày dép… số doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao còn khá ít ỏi.

    Trình độ công nghiệp thấp là nguyên nhân dẫn đến hạn chế hiệu quả tăng trưởng kinh tế và tốc độ gia tăng giá trị gia tăng. Đó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng trong dài hạn khi các lợi thế về lao động rẻ đang mất dần và năng lực cạnh tranh tăng trưởng bị giảm một cách tương đối.

    Nguyên nhân tiếp theo của hàm lượng công nghệ thấp trong sản phẩm là tính kém hiệu quả của hoạt động chuyển giao công nghệ.

    Trong thời gian qua, Việt Nam đã chú ý tới việc chuyển giao công nghệ qua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả của chuyển giao công nghệ theo kênh này không cao.

    Hàm lượng giá trị gia tăng của lao động Việt Nam thấp khiến giá trị xuất khẩu của ta không cao

    Theo “Điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” năm 2009, trong số gần 10.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước được điều tra, chỉ có 6,9% số doanh nghiệp có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI, 15% có khách hàng chính là doanh nghiệp nhà nước, 58% có khách hàng chính là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

    Chuyển giao công nghệ chậm

    Cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đối với các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực may mặc và điện tử tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy, tất cả các doanh nghiệp được điều tra chỉ thực hiện các khâu đơn giản nhất trong dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.

    Trong khi đó, việc thiết kế, xác định dung lượng và các khâu tinh vi khác – cung cấp nguyên liệu đầu vào, phân phối và bán sản phẩm cuối cùng – đều được quyết định bởi các công ty mẹ ở nước ngoài. Đây là mô hình gia công giản đơn điển hình, dựa vào nguồn lao động rẻ, tiêu tốn năng lượng.

    Với mô hình trên, rất khó tạo ra tác động lan tỏa tích cực từ khu vực FDI. Chính vì vậy, các biện pháp chính sách và nỗ lực nhằm tạo ra một mô hình kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, tuy cần thiết nhưng vẫn không đủ để thúc đẩy tác động lan tỏa từ FDI đến việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đóng góp của TFP vào tăng trưởng.

    Một thực tế khác là công tác nghiên cứu và triển khai (R&D) trong nước hiện nay còn rất nhiều hạn chế.

    Hiện nay, Việt Nam có 1.200 tổ chức khoa học và công nghệ (viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học), gấp 2,5 lần so với năm 1995, trong đó 60% thuộc sở hữu nhà nước. Mặc dù các tổ chức khoa học và công nghệ tăng lên đáng kể, nhưng chất lượng hoạt động, năng lực sáng tạo công nghệ của các tổ chức này còn thấp và số tổ chức khoa học công nghệ trong các trường đại học và khu vực ngoài nhà nước còn rất thấp.

    Đầu tư hàng năm cho khoa học và công nghệ chiếm 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn chỉ rất ít do lỗi thời hoặc không còn phù hợp.

    Theo số liệu tính toán từ “Điều tra doanh nghiệp” năm 2008 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng số 205.529 doanh nghiệp được điều tra, có 1.340 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ (chiếm khoảng 0,65%).

    Trong số này, khu vực nhà nước chiếm khoảng 26,3%, khu vực tư nhân là 63,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 10,4%. Ở các doanh nghiệp này, chi cho đầu tư, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ ước bằng 1,15% lợi nhuận trước thuế, trong đó chi cho hoạt động R&D là 0,4% và chi cho đổi mới công nghệ chiếm 0,69%.

    Nếu tính cả khu vực doanh nghiệp, chi phí đầu tư, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn thấp hơn nữa, chỉ bằng 0,27% so với lợi nhuận trước thuế, trong đó chi cho hoạt động R&D là 0,1% và cho đổi mới công nghệ là 0,16%.

     

    Bảng xếp hạng cơ quan nghiên cứu khoa học tiêu biểu cho quốc gia trên thế giới trong 2 năm 2011 – 2012 cho thấy xu thế tụt hạng “dốc đứng” của Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng bậc nhất là phát triển năng lực sáng tạo. Kết quả “tụt hạng” có thể nói là “thê thảm”. Điển hình nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội – một trụ cột và là tổ chức khoa học tiên phong của Việt Nam: chỉ trong 1 năm, tụt 42 bậc trong bảng xếp hạng của Châu Á, còn so với thế giới thì bị tụt tới 190 bậc! (Nguồn: SCImago Institutions Rankings – Tây Ban Nha: Xếp hạng   năng lực và chất lượng nghiên cứu của các cơ quan khoa học trên thế giới).

     PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)


    Các tin mới



    Các tin khác



    VIDEO

    may-phan-tich-cacbon
    sac-ky-khi
    quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
    quang-pho-hap-thu-nguyen-tu
    sac-ky-long-cao-ap-HPLC

     

    TRUNG TÂM PHÂN TÍCH VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG - VIỆN MÔI TRƯỜNG NÔNG NGHIỆP 

     

    CENTRE FOR ENVIRONMENTAL ANALYSIS AND TECHNOLOGY TRANSFER 

     

    Phố Sa Đôi, Phường Phú Đô, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Vietnam


    Sa Doi street, Phu Do ward, Nam Tu Liem district, Hanoi, Vietnam


    0243 789 2397 (Giờ hành chính)

                                                      0243 996 1661 (Tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ và kỹ thuật 24/24)


    Email: ceat@vietnamlab.org

    Designed by Thiet ke website